Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt hoặc dư thừa chất dinh dưỡng đưa vào, mất cân bằng dinh dưỡng hoặc giảm khả năng sử dụng các chất dinh dưỡng. Bệnh biểu hiện ở 4 dạng: gầy còm, thấp còi, thiếu cân và thiếu vi chất dinh dưỡng.
- Gầy còm: Cân nặng thấp so với chiều cao.
- Thấp còi: Chiều cao thấp hơn so với chiều cao tiêu chuẩn theo độ tuổi.
- Thiếu cân: Nhẹ cân hơn so với cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi.
- Thiếu vi chất dinh dưỡng: Thiếu vitamin, khoáng chất và các chất cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, bao gồm:
Yếu tố xã hội
Người sống trong cảnh nghèo đói, thiên tai, chiến tranh, xung đột có thể có nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn do gặp các rào cản trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm dinh dưỡng, các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục dinh dưỡng.
Bệnh lý
Một số tình trạng sức khỏe như tiêu chảy mãn tính, nôn mửa kéo dài, sau khi phẫu thuật vùng bụng hoặc ung thư, nhiễm HIV,... có thể gây ra suy dinh dưỡng do khó ăn, khó nuốt hoặc kém hấp thụ chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn ăn uống, mất trí nhớ cũng có thể làm cản trở việc ăn uống.
Thói quen ăn uống kém
Ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, bỏ bữa và không ăn đủ trái cây và rau quả có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp và hàm lượng chất béo, đường và muối cao.
Chế độ ăn kiêng
Một số người thực hiện chế độ kiêng, ép cân quá mức dẫn đến chứng chán ăn tâm thần. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy ám ảnh về cân nặng, tự cho mình là "béo" và tiếp tục ăn kiêng, tập thể dục cường độ cao làm cho cân nặng giảm cực độ.
Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác như nhiễm ký sinh trùng, uống nước bẩn, khuyết tật, làm việc quá sức, không được hỗ trợ chăm sóc,... cũng làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Hậu quả của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:
Ở trẻ em
- Trẻ còi cọc, chậm phát triển thể chất và tinh thần.
- Trí tuệ kém, thành tích học tập kém đôi khi trẻ có những hành vi bất thường.
- Giảm khối lượng cơ bắp, dễ bị còi xương.
- Giảm khả năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng
- Tăng nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng, chẳng hạn như tiêu chảy, viêm phổi.
Ở người lớn
- Giảm khả năng làm việc và năng suất lao động.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
- Suy giảm chức năng miễn dịch, giảm khả năng chống nhiễm trùng.
- Khả năng chữa lành vết thương kém.
- Tăng nguy cơ trầm cảm, thờ ơ, bỏ bê bản thân.
- Làm giảm khả năng sinh sản.
- Ảnh hưởng đến khả năng bài tiết muối của thận dẫn đến thừa nước hoặc mất nước.
Chẩn đoán suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng được chẩn đoán dựa trên chu vi vòng cánh tay, cân nặng theo chiều cao (CN/NN) triệu chứng và các vấn đề liên quan đến chế độ ăn uống, bệnh lý. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu để kiểm tra sự suy giảm huyết sắc tố, hematocrit, protein, prealbumin, natri, kali, đường huyết,....
Bảng tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ từ 0 đến 72 tháng tuổi (Tham khảo Quyết định số 4487/QĐ-BYT)
Phân loại | Chỉ tiêu |
Suy dinh dưỡng cấp tính |
|
Suy dinh dưỡng cấp tính nặng |
|
Điều trị suy dinh dưỡng
Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh hiện tại của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị nội trú, ngoại trú, duy trì/dự phòng phù hợp. Các phương pháp điều trị suy dinh dưỡng phổ biến bao gồm có:
- Bổ sung dinh dưỡng bằng các chế phẩm dinh dưỡng điều trị chứa chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất,...
- Điều trị các biến chứng như hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn,...
- Điều trị các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn gây ra suy dinh dưỡng.
- Tăng cường theo dõi và hỗ trợ để đảm bảo người bị suy dinh dưỡng được tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội cần thiết.
- Hướng dẫn và tư vấn cho người nhà về việc quản lý thuốc, tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc tại nhà.
Phòng ngừa suy dinh dưỡng
Để ngăn ngừa suy dinh dưỡng có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giàu dưỡng chất, tránh thực phẩm gây hại sức khỏe.
- Cố gắng ăn đúng bữa, tránh bỏ bữa hoặc kiêng ăn quá mức.
- Nếu không thể ăn nhiều trong một bữa thì có thể chia nhỏ ra nhiều bữa.
- Ở phụ nữ có thai và cho con bú cần được tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bổ sung đủ acid folic, sắt để phòng chống thiếu máu.
- Đối với trẻ sơ sinh cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bổ sung các vi chất theo khuyến nghị như vitamin A, vitamin D.
- Tẩy giun định kỳ cho tất cả các thành viên trong gia đình.
- Thăm khám bác sĩ khi có các triệu chứng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Xem thêm: 6 Kinh nghiệm nuôi con bụ bẫm không phải mẹ nào cũng biết