Sốt phát ban
Sốt phát ban là gì?
Đúng theo tên gọi, sốt phát ban đặc trưng là tình trạng sốt cao đột ngột, sau đó xuất hiện các nốt phát ban đỏ hoặc hồng trên da. Bệnh lý này phổ biến ở trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi, thường vô hại và xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Nguyên nhân gây sốt phát ban
Sốt phát ban gây ra bởi virus herpes 6 và 7, các loại virus này có thể lây truyền qua đường hô hấp, thường là nước bọt hoặc giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi. Bên cạnh đó, các giọt bắn có thể rơi xuống các bề mặt, nếu trẻ sờ vào bề mặt đó và đưa lên mắt mũi miệng hoặc dùng chung vật dụng cá nhân cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng của sốt phát ban
Triệu chứng sốt phát ban thường xuất hiện vào thời kỳ ủ bệnh sau 1-2 tuần nhiễm virus. Triệu chứng sốt phát ở trẻ em và người lớn là tương tự nhau bao gồm:
Sốt
Xảy ra đột ngột và có thể trên 39,4 độ C. Sốt kéo dài từ 3-5 ngày, có thể kèm theo rét run và vã mồ hôi.
Phát ban
Sau khi hết sốt sẽ đến tình trạng phát ban với các dạng ban đỏ hồng, mịn, ít sần sùi bắt đầu từ ngực, lưng, bụng và lan rộng ra toàn thân. Phát ban không gây ngứa và sẽ tự hết mà không để lại sẹo.
Triệu chứng khác
Trước khi phát ban, người bệnh cũng có thể bị:
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc phía sau đầu
- Nôn mửa
- Tiêu chảy nhẹ
- Chán ăn
- Đau họng, ho
- Sổ mũi, nghẹt mũi
- Mắt hồng
- Sưng mí mắt hoặc vùng xung quanh mắt.
Biến chứng của sốt phát ban
Sốt phát ban ít gây biến chứng, trong một số trường hợp trẻ bị sốt cao kéo dài, không đáp ứng với thuốc hạ sốt dẫn đến co giật ở cánh tay, chân hoặc mặt trong 2 đến 3 phút.
Chẩn đoán sốt phát ban
Chẩn đoán sốt phát ban chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng và các tiếp xúc gần đây. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để xác định loại virus gây bệnh.
Điều trị sốt phát ban
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt phát ban, tuy nhiên bệnh thường nhẹ và tự khỏi. Việc điều trị tập trung vào việc giảm các triệu chứng và hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân.
- Người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
- Sử dụng thuốc hạ sốt (Acetaminophen hoặc Ibuprofen) theo hàm lượng khuyến cáo. Không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ dưới 16 tuổi vì có thể dẫn đến hội chứng Reye, làm tăng tử vong cao do suy gan.
- Trường hợp mất nước do sốt, người bệnh nên uống nước, nước ép trái cây hoặc nước muối điện giải để bổ sung lại nước và muối cơ thể.
- Trong giai đoạn phát ban, không nên mặc quần áo bó sát và sử dụng sữa tắm, chất tẩy rửa dễ gây kích ứng da.
Phòng ngừa sốt phát ban
Không có thuốc hoặc vaccine có thể phòng ngừa sốt phát ban, tuy nhiên nên tránh tiếp xúc với người bị sốt phát ban, xây dựng thói quen sinh hoạt tốt như rửa tay thường xuyên.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.