Bệnh Quai Bị: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Bệnh quai bị là gì?
  • Nguyên nhân bệnh quai bị
  • Dấu hiệu, triệu chứng quai bị
  • Biến chứng bệnh quai bị
  • Chẩn đoán bệnh quai bị
  • Điều trị bệnh quai bị
  • Phòng ngừa bệnh quai bị

Bệnh quai bị

- Ngày đăng:01/04/2024
Bệnh quai bị là một bệnh nhiễm trùng phổ biến gây sưng tuyến nước bọt. Mặc dù không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng bệnh có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Khi nghi ngờ mắc bệnh quai bị, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mục lục
  • Bệnh quai bị là gì?
  • Nguyên nhân bệnh quai bị
  • Dấu hiệu, triệu chứng quai bị
  • Biến chứng bệnh quai bị
  • Chẩn đoán bệnh quai bị
  • Điều trị bệnh quai bị
  • Phòng ngừa bệnh quai bị

Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị xảy ra khi cơ thể nhiễm virus quai bị thuộc họ Paramyxoviridae với triệu chứng điển hình là sưng, đau nhức tuyến nước bọt mang tai (vùng má và hàm). Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nên có thể lây lan thông qua tuyến nước bọt, dịch tiết mũi và tiếp xúc gần.

Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Với việc thực hiện tiêm chủng rộng rãi, tỉ lệ mắc quai bị trong dân số đã giảm đáng kể.

Nguyên nhân bệnh quai bị

Virus quai bị là một loại virus RNA tuyến tính, chuỗi đơn, có vỏ bọc. Con người là vật chủ tự nhiên duy nhất của loại virus này và có thời gian ủ bệnh trung bình từ 16 đến 18 ngày. Virus này lây truyền qua không khí thông qua các giọt bắn nhỏ li ti khi người bị bệnh ho hoặc hắt hơi, sau đó xâm nhập vào mắt, mũi hoặc miệng của người khỏe mạnh và gây bệnh.

Ngoài ra, virus quai bị có thể tồn tại bên ngoài vật chủ trong thời gian khá dài (30-60 ngày). Do đó, khi sử dụng chung dụng cụ ăn uống với người bệnh hoặc tiếp xúc với bề mặt tay nắm cửa, nút bấm thang máy, tay vịn cầu thang, bàn phím, điện thoại,... vẫn có nguy cơ bị nhiễm loại virus này.

Nguyên nhân bệnh quai bị

Khi một người bị bệnh quai bị, họ nên tránh tiếp xúc với người khác kể từ thời điểm được chẩn đoán cho đến 5 ngày sau khi phát bệnh viêm tuyến mang tai bằng cách ở nhà, không đi làm hoặc đi học và ở trong phòng riêng nếu có thể.

Dấu hiệu, triệu chứng quai bị

Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng không đặc hiệu như sốt nhẹ, khó chịu, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, đau cơ, chán ăn. Ngay sau đó là tình trạng sưng tuyến nước bọt mang tai ở một hoặc cả hai bên những ngày tiếp theo. Sưng đau thường đạt đỉnh điểm sau 1-3 ngày, giảm dần theo thời gian và hầu hết các trường hợp sẽ khỏi sau 10 ngày.

Biến chứng bệnh quai bị

Quai bị là một bệnh lành tính, hầu hết người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm tinh hoàn ở nam giới, có thể dẫn đến giảm kích thước tinh hoàn.
  • Viêm buồng trứng
  • Viêm vú
  • Viêm não, viêm màng não
  • Viêm tụy
  • Mất thính giác, điếc.

Viêm tinh hoàn không liên quan đến vô sinh nhưng có thể dẫn đến teo tinh hoàn và giảm khả năng sinh sản.

Chẩn đoán bệnh quai bị

Bệnh quai bị thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng điển hình. Bác sĩ sẽ kiểm tra tuyến nước bọt của người bệnh để xem có bị sưng hay không và hỏi về các triệu chứng khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu tìm kiếm kháng thể để xác định có phải bệnh quai bị hay không.

Điều trị bệnh quai bị

Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị, tuy nhiên bệnh có khả năng tự khỏi. Do đó, phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng và phòng ngừa các biến chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (Paracetamol hoặc Ibuprofen) để giảm đau, hạ sốt.
  • Làm dịu các tuyến bị sưng bằng cách chườm túi lạnh.
  • Nghỉ ngơi.
  • Uống nhiều nước.
  • Ăn thức ăn mềm, dễ nhai.
  • Tránh thực phẩm và đồ uống có tính axit có thể gây đau nhiều hơn ở tuyến nước bọt.

Phòng ngừa bệnh quai bị

Vắc-xin quai bị là cách phòng ngừa bệnh quai bị và các biến chứng quai bị hiệu quả nhất. Vắc xin này nằm trong vắc xin kết hợp sởi-quai bị-rubella (MMR) hoặc sởi-quai bị-rubella-thủy đậu (MMRV). Hai liều vắc xin quai bị MMR có hiệu quả ngăn ngừa bệnh là 88%; một liều có hiệu quả 78%.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng