Đổ mồ hôi trộm
Đổ mồ hôi trộm là gì?
Đổ mồ hôi trộm hay "đổ mồ hôi đêm" là hiện tượng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm lúc người bệnh đang ngủ, mặc dù nhiệt độ phòng mát mẻ hoặc lạnh. Đổ mồ hôi trộm có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, trẻ em, phụ nữ sau sinh và phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh thường bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm
Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm ở người lớn
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đổ mồ hôi trộm ở người lớn. Một số nguyên nhân phổ biến như:
- Bệnh lý: Đổ mồ hôi trộm có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như bệnh lý tiền đình, bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, bệnh tim mạch, bệnh lý về gan, nhiễm trùng, ung thư, chứng tăng tiết mồ hôi vô căn, chứng ngưng thở khi ngủ,...
- Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể là nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Trong các giai đoạn thay đổi hormone như quá trình mãn kinh ở phụ nữ hoặc tuổi dậy thì ở nam giới, cơ thể có thể sản xuất quá nhiều hormone, ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát nhiệt độ và gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm.
- Lo âu, căng thẳng: Căng thẳng tâm lý kích hoạt hệ thống "chiến đấu hoặc bỏ chạy" của cơ thể, giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh làm tăng nhịp tim, hô hấp và huyết áp. Điều này khiến cơ thể nóng lên, lúc này cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi để hạ nhiệt cơ thể.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có thể gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm khi ngủ như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc điều trị cao huyết áp.
- Môi trường: Nhiệt độ và độ ẩm của môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến việc đổ mồ hôi trộm khi ngủ. Khi môi trường nóng và ẩm, cơ thể sẽ cố gắng kiểm soát nhiệt độ bằng cách đổ mồ hôi.
- Thói quen ăn uống: Ăn uống quá nhiều đồ ngọt, cà phê hay rượu có thể làm tăng vọt lượng đường trong máu và sau đó giảm xuống. Những biến động này gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm.

Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm ở trẻ em
Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng khi thấy con trẻ của mình đổ mồ hôi trộm ban đêm. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thường không phải là dấu hiệu của bệnh tật. Một số nguyên nhân phổ biến gây đổ mồ hôi ở trẻ em bao gồm:
- Thời tiết: Khi môi trường xung quanh quá nóng hoặc quá lạnh, bé sẽ đổ mồ hôi để giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ.
- Đồ ẩm ướt: Khi bé đổ mồ hôi nhiều, áo quần sẽ ẩm ướt và không thoáng khí, dễ gây ra kích ứng và khiến bé đổ mồ hôi nhiều hơn.
- Tình trạng sức khoẻ: Nhiễm trùng hoặc sốt cao có thể làm cho bé đổ mồ hôi nhiều hơn thông thường.
Điều trị đổ mồ hôi trộm
Hầu hết các trường hợp đổ mồ hôi trộm không cần phải điều trị bằng thuốc, trừ các trường hợp liên quan đến bệnh lý tiềm ẩn hoặc tình trạng đồ mổ hôi kéo dài, gây mệt mỏi, sụt cân, cản trở giấc ngủ. Để hạn chế đổ mồ hôi trộm, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau.
- Điều chỉnh môi trường: Nếu môi trường quá nóng và ẩm, hãy điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm bằng cách bật máy lạnh hoặc quạt.
- Sử dụng chăn mỏng và thoáng khí: Chăn dày và không thoáng khí có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm. Hãy thay thế bằng chăn mỏng và thoáng khí để giúp cơ thể thoải mái hơn khi ngủ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh ăn uống quá nhiều đồ ngọt, cà phê hay rượu vào buổi tối.
- Thư giãn và thiền định trước khi đi ngủ: Điều này sẽ giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng, lo lắng gây đổ mồ hôi nhiều.
Câu hỏi liên quan
Câu 1: Đổ mồ hôi trộm là bệnh gì?
Đổ mồ hôi trộm có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc phải một số bệnh lý sau: Bệnh lao, HIV, nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm virus, cường giáp, tiểu đường, u nội tiết, ung thư, đột quỵ, trào ngược dạ dày thực quản,... Tuy nhiên, không phải ai bị đổ mồ hôi trộm là mắc bệnh nên khi có các triệu chứng bất thường khác đi kèm thì người bệnh nên đi khám bác sĩ để được tư vấn.
Câu 2: Trẻ đổ mồ hôi trộm là thiếu chất gì?
Trẻ đổ mồ hôi trộm là do thiếu vitamin D, canxi, tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bị đổ mồ hôi trộm đến từ việc thiếu chất. Do đó, khi nghi ngờ trẻ thiếu vitamin D và canxi nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Câu 3: Trẻ ra mồ hôi trộm có nên bật quạt?
Đổ mồ hôi trộm ở trẻ thường xảy ra ngay cả khi trời mát mẻ, nếu bật thêm quạt cùng với việc mạch máu trẻ đang giãn nở vì đổ mồ hôi có thể làm mất cân bằng sinh nhiệt, trẻ dễ bị cảm lạnh hơn. Mặt khác, trong trường hợp thời tiết nóng, ba mẹ muốn sử dụng quạt thì nên tránh hướng quạt thẳng vào người trẻ, có thể quạt vô màn hoặc cố định ở một chỗ và chọn tốc độ vừa phải không quá cao.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.