Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch vị dạ dày (acid chlorhydric, enzyme pepsin) chảy ngược trở lại thực quản. Nhiều người thỉnh thoảng sẽ bị GERD mà không có bất kỳ triệu chứng gì.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản
Nguyên nhân chính xác gây ra GERD vẫn chưa được xác định rõ, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Yếu cơ vòng thực quản (LES) và giãn cơ thắt thực quản dưới thoáng qua (TLESR)
Bình thường, thực quản được bảo vệ khỏi axit dạ dày nhờ cơ vòng thực quản (LES), một van cơ nằm ở vị trí tiếp giáp giữa thực quản và dạ dày. LES hoạt động bình thường sẽ đóng chặt, ngăn không cho axit dạ dày trào ngược lên thực quản.
Tuy nhiên, ở những người bị GERD, LES trở nên yếu hoặc giãn ra, tạo điều kiện thuận lợi cho axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, gây nên các triệu chứng khó chịu như ợ chua, ợ hơi và tổn thương niêm mạc thực quản.
LES hoặc TLESR có thể xảy ra do nhiều yếu tố như tuổi tác, béo phì, thai nghén, phẫu thuật dạ dày, sử dụng rượu, hút thuốc lá, sử dụng thuốc (Benzodiazepin, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống trầm cảm,...).
Thoát vị hoành
Thoát vị hoành là tình trạng một phần trên của dạ dày bị đẩy qua một lỗ ở trên cơ hoành (cơ ngăn cách ngực và bụng). Điều này sẽ gây áp lực lên cả dạ dày và thực quản, có thể khiến cho axit dạ dày chảy ngược dòng vào thực quản.
Làm rỗng dạ dày chậm
Việc làm rỗng dạ dày chậm cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng GERD do dạ dày căng lên và tăng khả năng tiếp xúc với chất trào ngược dạ dày.
Rối loạn vận động thực quản
Thông thường, axit trong dạ dày (axit hydrochloric và pepsin) và chất kiềm trong tá tràng (muối mật và enzyme tuyến tụy sẽ được làm sạch bằng nhu động thực quản và bicarbonate có trong nước bọt. Tuy nhiên, rối loạn vận động thực quản gây suy giảm khả năng thanh thải các chất này sẽ làm tăng nguy cơ GERD.
Triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Các triệu chứng của GERD rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng. Một số triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
Triệu chứng điển hình
- Ợ nóng xảy sau bữa ăn hoặc khi ở tư thế nằm nghiêng.
- Ợ chua.
- Khó nuốt, nuốt đau.
- Đau vùng thượng vị.
- Buồn nôn.
Triệu chứng không điển hình
- Đau ngực
- Ho mãn tính
- Viêm thanh quản
- Khàn tiếng
- Hen suyễn
- Cảm giác vùng cổ họng bị nghẹn.
- Mòn răng.
Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản
GERD có thể gây ra một loạt các biến chứng nếu không được điều trị, bao gồm:
Viêm thực quản
Sự tiếp xúc liên tục của axit dạ dày với thực quản có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, hình thành các vết loét trên niêm mạc thực quản.
Hẹp thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian dài có thể dẫn đến việc hình thành các mô sẹo để bảo vệ thực quản khỏi tình trạng viêm mãn tính và chấn thương. Mô sẹo có thể khiến thực quản bị thu hẹp và gây ra triệu chứng khó nuốt thực quản hoặc ứ đọng thức ăn.
Barrett thực quản
Đây là tình trạng niêm mạc thực quản được thay thế bằng một loại mô khác có cấu trúc tương tự như mô lót bên trong ruột non. Barrett thực quản là tình trạng tiền ung thư, có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô thực quản.
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Để chẩn đoán GERD, bác sĩ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh gặp phải thông qua bộ câu hỏi đánh giá (GERDQ) và kết hợp thực hiện một số phương pháp chẩn đoán sau:
- Điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm Proton (PPI): Bệnh nhân sẽ được kê đơn điều trị thử bằng thuốc PPI trong vòng 2 tuần để giảm tiết acid. Nếu không có đáp ứng, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành thêm các phương pháp chẩn đoán bệnh lý khác.
- Chụp X quang thực quản uống thuốc cản quang Baryte: Giúp quan sát rõ các dấu hiệu bất thường trên đường đi từ thực quản đến thực quản.
- Nội soi thực quản dạ dày: Giúp bác sĩ quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng để tìm kiếm bất kỳ bất thường nào.
- Đo pH thực quản 24 giờ: Đánh giá mức độ axit trong thực quản trong 24 giờ, kể cả khi ngủ thông qua các thiết bị đo đặc biệt được đặt trong thực quản.
- Đo áp lực thực quản: Đánh giá khả năng hoạt động của thực quản.
- Test Bernstein: Phối hợp với các phương pháp khác để đánh giá chức năng của thực quản. Bác sĩ sẽ đưa ống thông qua một bên mũi xuống thực quản. Sau đó cho một lượng nhỏ Acid hydrochloric và dung dịch nước muối qua ống thông vào thực quản. Bệnh nhân sẽ báo cáo lại cho nhân viên y tế khi gặp các triệu chứng khó chịu.
Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Có nhiều phương pháp điều trị GERD, tùy thuộc vào mức độ bệnh và phản ứng của bệnh nhân đối với từng phương pháp.
Thay đổi lối sống
- Thay đổi chế độ ăn uống như tránh đồ ăn cay, chua, nhiều dầu mỡ, rượu bia và cà phê.
- Ăn thành nhiều bữa nhỏ giúp giảm tiết nhiều acid, tránh nằm ngay sau ăn.
- Tránh ăn trước khi đi ngủ để giảm áp lực lên dạ dày.
- Nâng cao phần đầu giường khi ngủ để giảm khả năng axit dạ dày trào ngược vào thực quản.
- Ngủ nghiêng về bên trái.
- Giảm cân trong trường hợp béo phì để tránh làm tăng áp lực và thể tích trong bụng.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Thư giãn, giảm stress.
Sử dụng thuốc điều trị GERD
- Thuốc kháng acid: Nhôm hydroxyd Al (OH)3, Magnesium hydroxyd Mg(OH)2 hoặc Alginate giúp trung hòa axit dạ dày.
- Thuốc chẹn H2: Cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine làm giảm lượng axit dạ dày được tiết ra vào buổi tối.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPIs): Omeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole, Pantoprazole, Dexlansoprazole, Rabeprazole làm giảm đáng kể lượng axit dạ dày được tiết ra.
>>> Có thể bạn quan tâm: Review 10 sản phẩm trào ngược dạ dày thực quản được tin dùng
Phẫu thuật
Thủ thuật phẫu thuật được cân nhắc khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Phẫu thuật có thể thắt chặt LES hoặc tạo một van mới ở thực quản để ngăn axit dạ dày trào ngược.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.