Dậy Thì Sớm Ở Bé Gái: Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Cách Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Dậy thì sớm ở bé gái là gì?
  • Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái
  • Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
  • Tác hại của dậy thì sớm ở bé gái
  • Chẩn đoán dậy thì sớm ở bé gái
  • Điều trị dậy thì sớm ở bé gái
  • Phòng ngừa dậy thì sớm ở nữ giới

Dậy thì sớm ở bé gái

- Ngày đăng:19/04/2024
Dậy thì sớm sẽ khiến cho cơ thể và tâm trạng của trẻ em gái có những thay đổi khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Điều này dễ làm cho trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm, đặc biệt là khi bị bạn bè trêu đùa. Do đó, việc hiểu biết về nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị là rất quan trọng để đảm bảo trẻ em gái nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ phù hợp.
Mục lục
  • Dậy thì sớm ở bé gái là gì?
  • Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái
  • Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
  • Tác hại của dậy thì sớm ở bé gái
  • Chẩn đoán dậy thì sớm ở bé gái
  • Điều trị dậy thì sớm ở bé gái
  • Phòng ngừa dậy thì sớm ở nữ giới

Dậy thì sớm ở bé gái là gì?

Dậy thì là một quá trình sinh lý tự nhiên đánh dấu sự chuyển đổi từ thời thơ ấu sang tuổi dậy thì. Ở các bé gái, dậy thì thường bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ có các dấu hiệu phát triển thể chất và tinh thần sớm hơn tuổi đó được gọi là dậy thì sớm ở bé gái.

Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái

Nguyên nhân chính xác gây dậy thì sớm ở bé gái vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng xuất hiện tình trạng này, bao gồm:

Yếu tố di truyền

Nếu tiền sử gia đình dậy thì sớm thì trẻ có nguy cơ gặp phải trường hợp này cao hơn người bình thường. Một số nghiên cứu đã xác định được các biến thể gen nhất định liên quan đến dậy thì sớm.

Vấn đề về hệ thần kinh trung ương

Giai đoạn dậy thì bắt đầu diễn ra khi vùng dưới đồi (vùng não điều khiển tuyến yên) bắt đầu tiết ra một tín hiệu hóa học gọi là hormone giải phóng gonadotropin. Tuyến yên phản ứng với tín hiệu này bằng cách giải phóng các hormone gọi là gonadotropin (hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng), kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục.

Những tuyến sinh dục này tiết ra các hormone giới tính, dẫn đến dậy thì. Ở bé gái dậy thì sớm thường có sự trưởng thành sớm ở vùng dưới đồi, tuyến yến và buồng trứng.

Thiếu cân hoặc béo phì

Cả thiếu cân và béo phì đều có liên quan đến dậy thì sớm ở nữ giới. Thiếu cân có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, trong khi béo phì có thể kích thích sản xuất hormone giới tính.

Nguyên nhân dậy thì sớm ở bé gái
Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dậy thì sớm mà còn phát triển nhiều bệnh lý khác.

Tiếp xúc với các chất độc hại

Tiếp xúc với một số hóa chất nhất định như Phthalates, Triclosan, 2,4 Dichlorophenol, 2,5 Dichlorophenol, Benzophenone-3, Metyl paraben, Propyl paraben cũng có thể dẫn đến dậy thì sớm. Phthalates được sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa, Diethyl phthalates được sử dụng trong dầu gội có mùi thơm, nước hoa nhân tạo và chất khử mùi.

Paraben thường được sử dụng làm chất bảo quản trong một số loại mỹ phẩm. Chúng cũng có hoạt tính estrogen và kháng androgen yếu ở mô hình động vật và trong ống nghiệm.

Triclosan và Dichlorophenol là những chất kháng khuẩn được tích hợp vào một số loại xà phòng rửa tay, kem cạo râu, kem trị mụn, chất khử mùi và kem đánh răng. Những phenol này có thể gây ra sự thay đổi hormone tuyến giáp hoặc tác dụng estrogen yếu như mở rộng tử cung.

Các nguyên nhân y tế

Một số bệnh hoặc tình trạng y tế như khối u buồng trứng, tuyến yên, tuyến thượng thận, suy giáp cũng có thể dẫn đến sản xuất hormone giới tính sớm hoặc làm gián đoạn quá trình kiểm soát hormone trong cơ thể.

Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái

Các dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái có thể bao gồm:

Phát triển vú

Sự phát triển mô vú ở trẻ gái dưới 8 tuổi được coi là một dấu hiệu dậy thì sớm. Sự phát triển này thường bắt đầu với sự hình thành cục nhỏ dưới núm vú và phát triển lớn hơn theo thời gian, gây đau khi chạm.

Lông mu

Sự phát triển lông mu ở trẻ gái dưới 8 tuổi cũng là một dấu hiệu dậy thì sớm. Lông mu thường mọc ở vùng xương mu và có màu sẫm hơn lông tơ.

Hành kinh

Xuất hiện kinh nguyệt ở trẻ gái dưới 8 tuổi được coi là dậy thì sớm. Kỳ kinh thường bắt đầu với một chút máu và dần dần trở nên thường xuyên và nhiều hơn theo thời gian.

Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái
Dậy thì sớm ở bé gái gắn liền với những thay đổi về thể chất và cảm xúc.

Tăng tốc độ phát triển

Trẻ gái bị dậy thì sớm thường tăng chiều cao và cân nặng nhanh chóng. Sự tăng trưởng này có thể nhận thấy rõ rệt so với các bạn cùng lứa tuổi.

Mụn trứng cá

Xuất hiện mụn trứng cá trên mặt và cơ thể xảy ra do sự gia tăng sản xuất hormone giới tính kích thích sản xuất bã nhờn, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông.

Thay đổi tâm trạng

Trẻ gái có thể trở nên kích động, cáu kỉnh hoặc buồn bã khi bắt đầu dậy thì sớm. Những thay đổi tâm trạng này là do những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

Mùi cơ thể

Xuất hiện mùi cơ thể nồng hơn bình thường cũng có thể là một dấu hiệu dậy thì sớm ở nữ giới. Mùi cơ thể là do sự gia tăng hoạt động của tuyến mồ hôi và sản xuất vi khuẩn.

Tác hại của dậy thì sớm ở bé gái

Dậy thì sớm ở nữ giới có thể gây ra một số tác động về sức khỏe thể chất và tinh thần. Trẻ có nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng và một số vấn đề sức khỏe sinh sản khi trưởng thành. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng và hợp nhất sớm của xương cũng có thể dẫn đến vóc dáng thấp bé.

Ngoài các thay đổi về thể chất, dậy thì sớm còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, rối loạn ăn uống hoặc có nhu cầu tình dục không phù hợp với lứa tuổi. Những thách thức này có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập, các mối quan hệ xã hội.

Tác hại của dậy thì sớm ở bé gái
Dậy thì sớm ở bé gái có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn.

Chẩn đoán dậy thì sớm ở bé gái

Để chẩn đoán dậy thì sớm ở bé gái, bác sĩ sẽ thực hiện các bước sau:

  • Thăm khám tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và các triệu chứng hiện tại.
  • Kiểm tra thể chất để tìm kiếm các dấu hiệu dậy thì sớm như phát triển vú, lông mu, sự tăng trưởng về chiều cao, cân nặng.
  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone giới tính, hormone tạo hoàng thể (LH), hormone kích thích nang trứng (FSH), hormone tuyến giáp.
  • Chụp X-quang, siêu âm hoặc MRI để kiểm tra các bất thường về tuyến thượng thận, tuyến yên, buồng trứng,... có thể gây ra dậy thì sớm.

Điều trị dậy thì sớm ở bé gái

Mục tiêu của điều trị dậy thì sớm ở bé gái là ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, đồng thời thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành bình thường. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

Theo dõi sức khỏe

Trong trường hợp trẻ chỉ mọc lông mu hoặc lông nách sớm thì bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thăm khám sức khỏe thường xuyên để kiểm sự phát triển của các dấu hiệu, triệu chứng khác.

Thuốc

Thuốc có thể được sử dụng để ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình dậy thì sớm. Các loại thuốc này bao gồm chất đối kháng hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) có tác dụng ngăn chặn tuyến yên sản xuất hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone lutein hóa (LH) gây khởi phát quá trình dậy thì.

Quá trình điều trị bằng thuốc có thể làm cho kích thước vú giảm, tăng trưởng chiều cao chậm lại và hành vi của trẻ phù hợp hơn với lứa tuổi.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp hiếm hoi, phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ khối u hoặc bất thường về thể chất khác gây ra dậy thì sớm.

Hỗ trợ tâm lý

Trẻ gái bị dậy thì sớm có thể gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm lý như lo lắng, trầm cảm và các vấn đề về hình ảnh cơ thể. Do đó, cần giải thích cho trẻ hiểu về các vấn đề đang xảy ra, những thay đổi về ngoại hình là bình thường khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì và dạy trẻ các kỹ năng cần thiết để đối phó với tình trạng này.

Điều trị dậy thì sớm ở bé gái
Nên cho trẻ biết về những thay đổi về ngoại hình, cảm xúc, tâm trạng khi dậy thì sớm.

Phòng ngừa dậy thì sớm ở nữ giới

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn dậy thì sớm ở nữ giới, nhưng có một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ phát triển tình trạng này, bao gồm:

  • Thiếu cân và béo phì đều có liên quan đến dậy thì sớm ở nữ giới. Do đó, nên khuyến khích trẻ duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.
  • Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất liên quan đến dậy thì sớm ở bé gái bằng cách sử dụng các sản phẩm không chứa Phthalates, Triclosan, 2,4 Dichlorophenol, 2,5 Dichlorophenol, Benzophenone-3, Metyl paraben, Propyl paraben.
  • Một số bệnh hoặc tình trạng y tế có thể gây dậy thì sớm. Phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề này có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn dậy thì sớm.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng