Còi xương
Còi xương là gì?
Còi xương là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin D, canxi và phốt pho dẫn đến xương mềm yếu, dễ gãy và nhiều biểu hiện khác. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là những trẻ ít hoặc không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chế độ ăn uống thiếu canxi và vitamin D hoặc đang mắc các bệnh lý tiêu hóa.
Nguyên nhân còi xương
Thiếu vitamin D
Thiếu hụt vitamin D là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh còi xương. Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi từ thực phẩm đồng thời giúp cơ thể kiểm soát lượng phốt phát. Nếu nồng độ của các khoáng chất này trong máu trở nên quá thấp, cơ thể có thể sản xuất ra các hormone khiến canxi và phốt phát được giải phóng khỏi xương. Điều này dẫn đến xương yếu và mềm. Trẻ em có thể bị thiếu vitamin D do:
- Sống ở vùng khí hậu ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ít khi đi ra ngoài vào ban ngày.
- Sữa mẹ không cung cấp đủ vitamin D hoặc chế độ ăn uống thiếu vitamin D.
- Vấn đề về hấp thu & chuyển hóa vitamin D, chẳng hạn trong trường hợp trẻ bị bệnh gan, không thể chuyển đổi vitamin D thành dạng hoạt động.
- Sử dụng các loại thuốc (Diphenylhydantoin, Rifampicin) làm suy yếu quá trình chuyển hóa vitamin D.
- Khiếm khuyết di truyền trong quá trình chuyển hóa vitamin D.
Thiếu Canxi
Canxi là một khoáng chất cần thiết cho sự hình thành xương. Trẻ em có thể bị thiếu canxi do chế độ ăn thiếu canxi hoặc gặp vấn đề về hấp thu canxi, thường xảy ra ở trẻ bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng), bệnh Celiac (không dung nạp gluten).
Thiếu Phosphate
Phosphate là một khoáng chất cũng cần thiết cho sự hình thành xương. Phốt phát có nhiều trong thực phẩm thông thường, vì vậy tình trạng thiếu phốt phát thường không xảy ra do thiếu hụt chế độ ăn uống ở những trẻ khỏe mạnh. Thay vào đó, thiếu hụt phosphate còn gặp ở trẻ bị bệnh thận, giảm phosphat di truyền, nhiễm độc nhôm hoặc florua.
Dấu hiệu trẻ còi xương
Các dấu hiệu của bệnh còi xương bao gồm có:
- Xương yếu, dễ gãy
- Đau xương hoặc đau cánh tay, chân, xương chậu, cột sống
- Giảm trương lực cơ, yếu cơ, chuột rút cơ bắp
- Răng mọc chậm, khiếm khuyết về cấu trúc răng, dễ sâu răng
- Tầm vóc thấp, chậm phát triển vận động (thời gian lẫy, lật, bò,... chậm hơn trẻ bình thường)
- Chân vòng kiềng
- Xương ức nhô ra ngoài (ngực chim bồ câu)
- Vẹo cột sống hoặc gù cột sống
- Xương sọ mềm, thóp rộng, không đầy, chậm đóng, trán dô hoặc đầu bẹp,...
- Mồ hôi trộm, khóc đêm, rụng tóc vành khăn
- Ngủ giật mình, thở rít mềm sụn thanh quản
- Trường hợp còi xương nặng, trẻ có thể bị thiếu máu, gan lách to.
Chẩn đoán còi xương
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh còi xương dựa trên tiền sử bệnh, khám sức khỏe và xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu có thể xác định nồng độ vitamin D, canxi và phosphate trong máu. Bác sĩ cũng có thể chụp X-quang để kiểm tra tình trạng của xương.
Điều trị còi xương
Điều trị bệnh còi xương bao gồm việc bổ sung vitamin D, canxi và/hoặc phosphate. Liều lượng và thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Trong trường hợp biến chứng (cơn tetany, suy hô hấp, viêm phổi,...), bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị biến chứng trước.
Ngoài việc bổ sung vitamin D, canxi theo liều lượng chỉ định, trẻ cần được đảm bảo cung cấp một chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối (sữa, cá béo, trứng, rau xanh,...). Và nên cho trẻ tiếp xúc với ánh mặt trời từ 10-30 phút mỗi ngày tùy theo mùa, khu vực địa lý.
Phòng ngừa còi xương
Phòng ngừa bệnh còi xương là rất quan trọng để trẻ có thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Trong thời kỳ mang thai, mẹ nên uống 100.000UI vitamin D duy nhất vào tháng thứ 7 nếu ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. (Theo Phác đồ nội bệnh viện Nhi Đồng 2 năm 2016)
- Sau sinh thì cần đảm bảo trẻ tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời.
- Bổ sung 400IU/ngày vitamin D cho trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ.
- Khi trẻ bước qua giai đoạn ăn dặm, nên bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ.
- Theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trẻ và đi khám bác sĩ định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của xương.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.