Hội chứng đầu cổ
Hội chứng đầu cổ là gì?
Khi nhắc đến hội chứng đầu cổ là nhắc đến các vấn đề liên quan về cột sống cổ. Hội chứng xảy ra khi động mạch sống và giao cảm cổ sau bị chèn ép ở khu vực cột sống cổ gây nên tình trạng đau, căng cơ và hạn chế vận động cột sống cổ. Ngoài ra còn xuất hiện thêm các biểu hiện bệnh do mạch máu và thần kinh thực vật.
Hội chứng này phổ biến ở các đối tượng phải ngồi quá lâu hoặc đứng quá lâu, ngồi sai tư thế như nhân viên văn phòng, lái xe, nhân viên phòng lab, học sinh, người già, người lao động làm việc quá sức.
Nguyên nhân gây ra hội chứng đầu cổ
Cơ học
Tư thế ngồi làm việc không đúng, sử dụng thiết bị điện tử quá lâu, căng thẳng cơ bắp do lặp đi lặp lại các động tác như gõ phím hay vận động nặng... đều có thể gây ra hội chứng đầu cổ. Khi ngồi lâu trong một tư thế không thoải mái, cơ bắp và dây thần kinh ở vùng đầu cổ sẽ bị căng thẳng.
Căng thẳng tâm lý
Stress, lo lắng, trầm cảm cũng có thể góp phần gây ra đau đầu, mỏi cổ và các triệu chứng khác của hội chứng đầu cổ.
Di truyền
Một số người có cơ địa dễ bị tổn thương dây thần kinh, cơ hoặc khớp ở vùng đầu cổ, dẫn đến nguy cơ mắc hội chứng đầu cổ cao hơn.
Các bệnh lý khác
Một số bệnh lý như viêm khớp, thoái hóa cột sống cổ, rối loạn nội tiết... cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng đầu cổ. Việc điều trị các bệnh lý này kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng đầu cổ.
>> Xem thêm: 5 nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa đốt sống cổ
Triệu chứng hội chứng đầu cổ
- Đau đầu: Xuất hiện từng cơn, phụ thuộc vào tư thế vận động của đầu, xuất hiện đột ngột, bệnh nhân cảm thấy cơn đau nặng hơn và sau đó biến mất khá nhanh.
- Biểu hiện của đau đầu khác nhau, có loại là đau nửa đầu kiểu Migraine lan đến trán, cũng có loại đau đầu cả hai bên và đau nặng ở một bên theo dạng đau dây thần kinh khu vực gáy sau đầu.
- Chóng mặt, rối loạn thăng bằng xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột.
- Các rối loạn nghe, nhìn và nuốt: Xuất hiện triệu chứng ù tai, nghe khó, đau tai, thường ù tai xuất hiện ở một bên tai. Về mắt, xuất hiện triệu chứng đau lan ra hốc mắt, rối loạn nhìn, tự nhiên thấy tối sầm trước mắt trong thời gian ngắn.
- Rối loạn tuần hoàn não do lồi hay thoát vị đĩa đệm.
Chẩn đoán hội chứng đầu cổ
Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán hội chứng đầu cổ dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng kết hợp với kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Điều trị hội chứng đầu cổ
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu bao gồm các phương pháp như massage, nóng lạnh, siêu âm... có thể giúp giảm đau và căng thẳng ở vùng đầu cổ.
Điều trị bằng thuốc
Chủ yếu sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ như Piroxicam, Tilcotil,... theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Chỉnh hình
Nếu nguyên nhân gây ra hội chứng đầu cổ là do tư thế ngồi sai lệch, việc chỉnh hình sẽ giúp cải thiện vấn đề này và giảm triệu chứng.
Phòng ngừa hội chứng đầu cổ
- Đối với những người phải ngồi lâu trong thời gian dài, cần lựa chọn ghế ngồi phù hợp, có bản tựa cổ và lưng. Bên cạnh đó cần có thời gian nghỉ ngơi để tập vận động cột sống, tránh để cột sống ở tư thế không đổi quá lâu.
- Đối với những người làm việc nặng nhọc, cần hạn chế các chấn thương vùng cổ đầu.
- Việc kiểm soát stress và căng thẳng là một trong những cách hiệu quả để phòng ngừa hội chứng đầu cổ. Chúng ta có thể tập yoga, thực hành các kỹ thuật thở và thư giãn để giảm bớt áp lực và căng thẳng trong cuộc sống.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.