Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng hao mòn và mất dần của sụn khớp gối gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau, cứng khớp, hạn chế vận động. Thoái hóa khớp gối được chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Sụn khớp gối bắt đầu bị mòn nhẹ, xuất hiện triệu chứng đau nhẹ hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào.
- Giai đoạn 2: Sụn khớp gối bị mòn nhiều hơn. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng rõ ràng hơn như đau, cứng khớp.
- Giai đoạn 3: Sụn khớp tiếp tục bị thu hẹp và có nhiều gai xương gây ra cảm giác đau nhức nhiều hơn khi di chuyển, ngồi xổm.
- Giai đoạn 4: Viêm khớp năng, sụn gần như biến mất, đầu gối bị cứng, đau hoặc bất động.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên, chứng bệnh này cũng có thể xảy ra ở những đối tượng trẻ tuổi hơn do chấn thương, béo phì hoặc các nguyên nhân khác. Cụ thể:
- Tuổi tác: Theo thời gian, sụn ở các khớp gối sẽ bị mòn dần theo tuổi tác do khả năng phục hồi sụn bị suy giảm.
- Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
- Di truyền: Những bất thường di truyền về hình dạng của xương bao quanh khớp gối cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
- Chấn thương: Chấn thương ở đầu gối, bong gân, trật khớp hoặc gãy xương có thể làm tổn thương sụn và dẫn đến thoái hóa khớp gối.
- Bệnh lý: Người mắc các bệnh lý như còi xương, vẹo cột sống, canxi hóa sụn, gout, hoại tử vô mạch, viêm khớp dạng thấp,... cũng có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn.
- Béo phì: Béo phì làm tăng áp lực lên các khớp gối, điều này có thể dẫn đến thoái hóa sụn.
- Yếu tố di truyền: Một số người có thể có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn do yếu tố di truyền.
- Nghề nghiệp: Những người làm việc đòi hỏi phải đứng hoặc đi bộ nhiều có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn.
- Hoạt động thể thao: Những người chơi các môn thể thao gây áp lực lên khớp gối như bóng đá, bóng rổ hoặc tennis có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn.
Dấu hiệu, triệu chứng thoái hóa khớp gối
Các dấu hiệu, triệu chứng của thoái hóa khớp gối có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
- Đau đầu gối: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối. Đau có thể xuất hiện ở mặt trước, mặt sau hoặc hai bên đầu gối. Cơn đau thường nặng hơn khi vận động và giảm bớt khi nghỉ ngơi.
- Sưng khớp: Sưng khớp có thể do viêm hoặc do tích tụ dịch trong khớp gối.
- Tiếng kêu cót két, lách cách: Do không còn sụn bọc nên các đầu xương cọ xát gây ra các tiếng kêu.
- Cứng khớp: Thoái hóa khớp gối có thể gây ra tình trạng cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi hoặc nằm lâu một chỗ. Cử động khớp gối có thể trở nên khó khăn và gây đau.
- Hạn chế vận động: Thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến tình trạng hạn chế vận động. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi đứng lên, ngồi xuống, đi lại hoặc leo cầu thang.
Biến chứng của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Biến dạng khớp gối: Trong một số trường hợp, thoái hóa khớp gối có thể gây ra tình trạng biến dạng khớp gối. Biến dạng khớp gối có thể làm cho chân bị cong hoặc lệch sang một bên.
- Yếu cơ: Một số người bị thoái hóa khớp gối có thể gặp phải tình trạng yếu cơ quanh đầu gối. Yếu cơ có thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Gãy xương: Thoái hóa khớp gối có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về triệu chứng, vị trí đau cụ thể, thời gian và yếu tố giảm nhẹ hoặc tăng đau. Sau đó tiến hành khám thực thể đầu gối bằng quan sát các vết sưng, cứng khớp, teo cơ, biến dạng vẹo trong, vẹo ngoài, dáng đi, kiểm tra khả năng gập duỗi, sờ nắn các vết sưng. Bên cạnh đó, bệnh nhân được yêu cầu chụp X quang hoặc chụp cộng hưởng từ MRI/CT để xác định tình trạng xương, mô mềm.
Điều trị thoái hóa khớp gối
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh, giảm đau và cải thiện khả năng vận động của người bệnh.
Điều trị không dùng thuốc
Người bị thoái hóa khớp gối có thể áp dụng một số phương pháp điều trị không dùng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh, bao gồm:
- Tập luyện: Tập luyện thường xuyên có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện khả năng vận động của khớp gối. Tuy nhiên nên tránh các bài tập có cường độ cao, làm nặng thêm bệnh.
- Giảm cân: Nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân, hãy cố gắng giảm cân để giảm áp lực lên khớp gối. Giảm cân có thể giúp làm chậm tiến triển của thoái hóa khớp gối và giảm nguy cơ biến chứng.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống lành mạnh có thể giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho khớp gối. Hãy bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, chất đạm và canxi vào chế độ ăn uống của mình.
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nẹp gối, đai cố định đầu gối hoặc gậy chống để hạn chế đau nhức và cải thiện khả năng vận động của khớp gối.
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Hỗ trợ cải thiện tình trạng sưng, đau khớp.
- Vật lý trị liệu: Tăng cường sức mạnh cơ bắp.
- Châm cứu, xoa bóp: Hỗ trợ giảm đau
Dùng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm đau và viêm khớp gối. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối bao gồm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) dạng viên uống, gel hoặc kem bôi, Corticosteroid dạng tiêm, Axit hyaluronic dạng tiêm.
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể là lựa chọn phù hợp cho những người bị thoái hóa khớp gối nghiêm trọng. Phẫu thuật có thể giúp làm giảm đau, cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa biến chứng. Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau có thể được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gối, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người.
- Ghép sụn
- Phẫu thuật cắt xương đầu gối
- Phẫu thuật tạo hình khớp gối một ngăn (UKA)
- Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần (TKA)
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó việc ngăn ngừa hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp gối là điều không thể. Một số biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh hiện tượng béo phì gây áp lực khớp.
- Tập thể dục thể thao thưởng xuyên giúp tăng sức bền.
- Ăn uống chế độ lành mạnh, đặc biệt các thức ăn giàu omega 3, DHA giúp làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
- Cân bằng giữa làm việc, học tập, nghỉ ngơi, tránh ngồi một tư thế quá lâu.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
>>> Có thể bạn quan tâm: Top 10 sản phẩm bổ xương khớp