Chậm nói
Chậm nói là gì?
Chậm nói là một tình trạng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, biểu hiện ở khả năng nói của trẻ không tương ứng với độ tuổi. Trẻ bị chậm nói có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với người khác, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, phát triển và khả năng hòa nhập cộng đồng của trẻ.
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chậm nói có thể là đến từ việc trẻ bị bệnh bại não, chấn thương sọ não, dị tật bẩm sinh ở lưỡi, vòm miệng, thanh quản, nghe kém hoặc do tâm lý bị ảnh hưởng.
- Tổn thương hệ thần kinh: Chấn thương sọ não, nhiễm độc chì, ngộ độc thuốc... có thể gây tổn thương đến các vùng não liên quan đến ngôn ngữ, dẫn đến chậm nói.
- Mất phối hợp động tác (Apraxia): Cản trở sự phối hợp giữa cử động hàm, lưỡi và môi trẻ làm cho việc nói trở nên khó khăn.
- Do có vấn đề về thính lực: Trẻ chậm nói còn có thể đến từ việc nghe kém bẩm sinh hoặc tai gặp phải tình trạng viêm nhiễm do sử dụng thuốc thần kinh, chấn thương.
- Bệnh tự kỷ: Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, bao gồm khó khăn trong việc học ngôn ngữ và phát triển khả năng nói.
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Trẻ mắc chứng ADHD thường khó tập trung và chú ý, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu ngôn ngữ và phát triển khả năng nói.
Ngoài các yếu tố liên quan đến bệnh lý, chậm nói còn có thể xảy ra do các rào cản về tâm lý và môi trường nuôi dưỡng trẻ.
- Các vấn đề về tâm lý: Các vấn đề về tâm lý như sợ hãi, lo lắng, trầm cảm,... cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ.
- Thiếu sự kích thích ngôn ngữ: Nếu trẻ không được tiếp xúc với các hoạt động kích thích ngôn ngữ như trò chuyện, đọc sách, kể chuyện... thì khả năng nói của trẻ sẽ chậm phát triển.
- Trẻ tiếp xúc với quá nhiều ngôn ngữ: Nếu cho trẻ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác nhau trong thời gian quá ngắn có thể không thể tiếp thu ngôn ngữ nào một cách hoàn chỉnh cũng có thể dẫn đến chậm nói.
- Tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử: Hiện nay trẻ em thường được bố mẹ cho sử dụng điện thoại, máy vi tính từ rất sớm, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh, ít giao tiếp nên trẻ dễ có nguy cơ bị chậm phát triển ngôn ngữ.
>> Có thể bạn quan tâm: Review 10 sản phẩm bổ não cho trẻ kém tập trung, chậm phát triển, tự kỷ
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
Các dấu hiệu đặc trưng của việc chậm nói hoặc ngôn ngữ có thể khó nhận thấy. Tuy nhiên, ba mẹ có thể so sánh tình trạng của trẻ hiện tại với các cột mốc phát triển bình thường dưới đây.
- Trong độ tuổi từ 1 đến 4 tháng, trẻ sơ sinh bắt đầu chú ý đến khuôn mặt của người khác và phản ứng với những âm thanh, giọng nói mà trẻ nghe thấy.
- Từ 4 đến 6 tháng tuổi, bé tăng cường khả năng phát âm và bập bẹ bằng cách phát ra các nguyên âm.
- Từ 6 đến 9 tháng tuổi, bé nên bắt đầu quay lại nhìn khi nghe thấy tên mình.
- Đến khoảng 12 tháng, hầu hết các bé đều nói được từ đầu tiên. Trẻ cũng có thể sử dụng các cử chỉ, chẳng hạn như vẫy tay chào tạm biệt.
- Khi được 18 tháng, trẻ nên sử dụng giao tiếp bằng lời nói nhiều hơn cử chỉ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có thể bắt chước một số âm thanh nghe được.
- Khi được 2 tuổi, trẻ em có thể hiểu và làm theo các yêu cầu bằng lời nói đơn giản. Trẻ cũng có thể tự nói các từ và cụm từ thay vì bắt chước chúng.
Chẩn đoán bệnh chậm nói
Bước đầu của chẩn đoán sẽ dựa trên các dấu hiệu mà phụ huynh nhận thấy được từ trẻ. Sau đó, bác sĩ thực hiện các bài kiểm tra đánh giá khả năng tiếp thu ngôn ngữ, diễn đạt ngôn ngữ và tình trạng vận động miệng của trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tiến hành bài kiểm tra thính giác nếu nghi ngờ trẻ gặp khó khăn khi nghe.
Điều trị bệnh chậm nói
Việc điều trị thành công các rối loạn ngôn ngữ bao gồm chậm nói sẽ không chỉ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ mà còn mang tới cho trẻ những cơ hội tốt đẹp hơn trong cuộc sống sau này. Tùy theo từng nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Chậm nói đơn thuần
Trong trường hợp trẻ không mắc bất kỳ bệnh lý nào mà chỉ cần nhiều thời gian hơn để cải thiện tình trạng chậm nói thì sự hỗ trợ gia đình là một biện pháp điều trị hữu hiệu.
Một số phương pháp dạy trẻ chậm nói tại nhà như sau:
- Nói chuyện với trẻ thường xuyên, dùng từ nhẹ nhàng, kiên nhẫn chỉ bảo chị từ từ từng bước một, tuyệt đối không nên vội vã hay quát mắng trẻ.
- Diễn tả thành lời những việc bạn làm, ví dụ như "Mẹ dẫn Rio đến chơi nhà bạn Dâu nhé!" "Bây giờ mẹ con mình cùng đi giầy nào. Giầy của mẹ to, giầy của Rio bé nhỉ."
- Trò chuyện cùng các thành viên khác trong gia đình cũng giúp trẻ có thể học được từ mới và cách nói chuyện với những người xung quanh.
- Mọi thứ xung quanh trẻ cần được gọi bằng tên chính xác, ngắn gọn để phù hợp với nhận thức và trí nhớ của trẻ.
- Nên tham khảo những kinh nghiệm dạy con chậm nói đã có trước đó, để việc can thiệp đạt kết quả tốt hơn.
- Hãy tạo thói quen đọc sách cho con hàng ngày, mỗi khi bạn rảnh rỗi để bé làm quen với các từ mới.
- Hát cho con nghe cũng là cách rất tốt giúp bé ghi nhớ từ mới, dạy trẻ cách phát âm đúng các từ chỉ màu sắc, tên các con thú và nhiều khái niệm đơn giản khác.
- Hãy cho trẻ có thời gian để xử lý thông tin khi đưa ra yêu cầu đối với trẻ. Cùng chờ đợi phản ứng từ 5-10 giây, nếu trẻ không thực hiện được, hãy làm mẫu giúp trẻ. Lặp lại nhiều lần trong những tình huống và các trường hợp khác nhau.
- Khi giao tiếp với trẻ, hãy gọi tên và yêu cầu trẻ nhìn bằng mắt. Điều này gây sự chú ý và tương tác mắt, cũng như tạo chiều sâu trong quá trình giao tiếp.
- Mua cho trẻ những món đồ chơi, sau đó cho trẻ vừa chơi vừa học cách đọc tên.
- Cho trẻ đi học hoặc các khu vui chơi trẻ em để trẻ tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa.
- Không nên cho trẻ xem tivi quá nhiều, thay vào đó là nên cho trẻ chơi những món đồ chơi hoặc cho trẻ đi chơi công viên, dạo quanh khu vực sinh sống hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.
Chậm nói do bệnh lý
Đối với những trường hợp chậm nói do bệnh lý, việc điều trị các nguyên nhân nên được đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn trong trường hợp trẻ chậm nói do mất thính lực, máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử sẽ giúp trẻ tiếp cận với âm thanh và dần phát triển ngôn ngữ.
Phòng ngừa chậm nói
Không có cách nào để phòng ngừa hoàn toàn tình trạng trẻ bị chậm nói, tuy nhiên một số biện pháp sau có thể hỗ trợ trẻ phát triển về ngôn ngữ từ khi còn nhỏ. Cụ thể:
- Nói chuyện với trẻ ngay từ khi trẻ chào đời.
- Chơi các trò chơi đơn giản với trẻ, chẳng hạn như ú òa.
- Đọc sách hoặc hát ru cho trẻ.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.