Hội chứng nghiện giật tóc
Hội chứng nghiện giật tóc là gì?
Hội chứng nghiện giật tóc là một tình trạng một người không cưỡng lại ý định nhổ lông hoặc tóc của họ. Bệnh lý này phổ biến ở thanh thiếu niên. Đây là một rối loạn kiểm soát xung động, mặc dù người bệnh biết hậu quả nhưng vẫn bị thôi thúc phải làm.
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng nghiện giật tóc
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng, có thể đó là cách giải tỏa những căng thẳng, lo lắng hoặc đến từ những thói quen và sau đó trở nên nghiện. Ngoài ra, một số nghiên cứu về di truyền cũng đang được tiến hành.
- Yếu tố di truyền: Nếu người thân trong gia đình có người từng mắc phải rối loạn ứng xử, rối loạn tâm lý hoặc rối loạn giấc ngủ thì con cái của họ có thể dễ bị mắc hội chứng này hơn.
- Sự căng thẳng và lo âu: Trẻ nhỏ thường không biết cách giải tỏa sự căng thẳng và lo lắng của mình, do đó giật tóc có thể là cách để giải tỏa áp lực cảm xúc.
- Vấn đề về sức khỏe: Những người bị viêm da cơ địa, bệnh tăng động giảm chú ý, rối loạn tâm lý hoặc các rối loạn khác thường bị mắc hội chứng giật tóc.
Đối tượng nguy cơ mắc
Các đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng nghiện giật tóc bao gồm:
- Gia đình có người thân mắc bệnh
- Lứa tuổi dậy thì
- Người luôn có những cảm xúc tiêu cực, căng thẳng, mệt mỏi,...
- Người mắc các chứng rối loạn trầm cảm, lo âu,...
Triệu chứng của hội chứng nghiện giật tóc
Thông thường người bệnh chỉ nhổ lông, tóc khi ở một mình và không cho ai biết điều đó. Một số triệu chứng của bệnh là:
- Liên tục giật tóc, lông và không thể ngăn bản thân.
- Tinh thần người bệnh vui vẻ, thoải mái sau khi giật tóc.
- Tóc ngắn lại, thưa và có thể bị hói.
- Các hành vi kỳ lạ như kiểm tra các chân tóc, xoay tóc, nhai tóc, ăn tóc,...
- Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, cảm giác xấu hổ, muốn che giấu việc nghiện giật tóc.
- Nghiện kéo da, cắn móng tay, cắn da.
- Giật lông vật nuôi, búp bê,...
- Sau khi nhổ lông, tóc có thể gây xước, tổn thương da.
Chẩn đoán hội chứng nghiện giật tóc
Các bác sĩ kiểm tra tình trạng của tóc, tìm hiểu nguyên nhân. Tiếp theo dựa trên các triệu chứng trên lâm sàng như hành vi giật lông, tóc không kiểm soát, tinh thần người bệnh trước và sau khi thực hiện hành vi.
Ngoài ra, sẽ cho tiến hành thêm các thử nghiệm giật tóc, soi da đầu, tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm nấm (nếu có) và hình ảnh mô bệnh học của tóc.
Điều trị hội chứng nghiện giật tóc
Mục tiêu điều trị: thay đổi thói quen xấu bằng những thói quen tốt.
Phương pháp điều trị hiệu quả: liệu pháp thay đổi tâm lý
- Ghi lại thời gian, thời điểm, các vấn đề khiến bệnh nhân nhổ lông, tóc
- Tác động hành vi: thay vì nhổ lông, tóc chuyển sang cầm nắm vật
- Sự quan tâm từ gia đình.
Một số thuốc chống trầm cảm được bác sĩ kê đơn trong việc điều trị bệnh nghiện giật tóc do trầm cảm hoặc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Phòng ngừa hội chứng nghiện giật tóc
Hội chứng nghiện giật tóc đến từ yếu tố tác động, hiện nay không có biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, khi có một vài dấu hiệu khác thường, người bệnh cần đi khám và điều trị ngay. Bên cạnh đó cần có chế độ nghỉ ngơi, giải tỏa căng thẳng, tránh lo lắng, suy nghĩ nhiều.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.