Ngủ ngáy
Ngủ ngáy là bệnh gì?
Ngáy là tình trạng không khí không thể lưu thông bình thường khi ngủ làm cho các mô của đường hô hấp rung lên. Cụ thể, khi hít vào, không khí sẽ theo mũi hoặc miệng vào họng rồi xuống phổi, sau khi trao đổi khí ở phổi sẽ bị đẩy ra ngoài một cách tự nhiên. Trong trường hợp vùng hầu họng bị thu hẹp hoặc có sự tắc nghẽn, không khí đi qua sẽ tác động đến các mô và tạo ra âm thanh khi ngủ. Ngáy có thể nhẹ hoặc to, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngủ ngáy.
Trong một số trường hợp, ngáy có thể là biểu hiện của một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng như hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA). OSA là tình trạng đường thở bị tắc nghẽn trong khi ngủ, khiến người bệnh bị ngừng thở trong một thời gian ngắn và thức giấc đột ngột nhiều lần trong đêm. OSA có thể khiến cho người bệnh cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, khó tập trung. Về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp, đột quỵ.
Nguyên nhân ngủ ngáy
Ngủ ngáy có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Thừa cân hoặc béo phì: Người thừa cân hoặc béo phì thường có tích tụ mỡ thừa xung quanh cổ, gây hẹp đường thở, dễ bị ngáy.
- Uống rượu trước khi ngủ: Rượu làm giãn cơ cổ họng, thúc đẩy chứng ngáy.
- Hút thuốc lá: Gây kích ứng đường thở, làm tăng tình trạng viêm, tăng nguy cơ ngáy.
- Viêm xoang, viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi mãn tính: Thường gây khó thở, nhiều người sẽ chuyển qua thở bằng miệng, từ đó làm tăng nguy cơ ngủ ngáy.
- Tư thế ngủ: Nằm ngửa thường gây hẹp đường thở.
- Thay đổi nội tiết tố: Đây là một trong các nguyên nhân phổ biến gây ngủ ngáy ở nữ, đặc biệt trong giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh.
Triệu chứng ngủ ngáy
Triệu chứng phổ biến nhất là ngáy to, liên tục, mỗi người sẽ có tiếng ngáy khác nhau, nhiều tiếng ngáy sẽ nghe như huýt sáo, nhiều tiếng ngáy sẽ nghe như tiếng khiết cằn nhằn, khịt mũi, lạch cạch, ầm ầm. Người ngáy cũng có thể cảm thấy nghẹt thở, khó thở và khi thức dậy sẽ cảm thấy cổ họng khô kèm theo đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày, khó tập trung, suy giảm trí nhớ.
Chẩn đoán ngủ ngáy
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, tần suất ngáy, tư thế ngủ và các triệu chứng mệt mỏi, buồn ngủ, khó tập trung khi thức dậy. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được yêu cầu kiểm tra giấc ngủ và các vấn đề liên quan đến cấu trúc đường thở.
Cách trị ngủ ngáy
Tùy thuốc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị khác nhau.
Thay đổi lối sống
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Giữ cân nặng trong mức khỏe mạnh có thể giúp giảm ngủ ngáy bằng cách tránh tích tụ mỡ quanh cổ và hạn chế tắc nghẽn đường thở.
- Tránh uống rượu bia và hút thuốc lá: Uống rượu bia và hút thuốc lá có thể làm trầm trọng tình trạng ngủ ngáy. Hãy tránh các thói quen này để giảm nguy cơ.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ giấc (khoảng 7-9 giờ mỗi đêm) có thể giúp giảm ngủ ngáy và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Nằm nghiêng khi ngủ: Nằm nghiêng có thể giúp giảm ngủ ngáy, vì tư thế này làm mở rộng đường thở hơn so với nằm ngửa.
- Sử dụng máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm: Sử dụng máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm có thể giúp làm sạch không khí và tránh khô đường thở, giảm ngủ ngáy.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý liên quan đến ngủ ngáy, chẳng hạn như sử dụng thuốc thông mũi, giảm nghẹt mũi.
Sử dụng dụng cụ chống ngáy
Dụng cụ chống ngáy được sử dụng trong trường hợp rối loạn đường thở khi ngủ hoặc người mắc chứng ngáy mãn tính. Dụng cụ này được thiết kế đặc biệt để tăng lưu thông khí và mang lại giấc ngủ ngon cho người dùng.
Sử dụng máy áp lực đường thở dương liên tục
Phương pháp này áp dụng cho người bị ngưng thở khi ngủ từ trung bình đến nặng. Người bệnh sẽ phải đeo một chiếc mặt nạ mui hoặc mặt nạ mũi miệng khi ngủ được kết nối với máy tạo luồng không khí có áp suất vào đường thở để giữ đường thở luôn thông thoáng khi ngủ.
Phẫu thuật
Một số phẫu thuật đường hô hấp trên như cấy ghép vòm miệng, phẫu thuật tạo hình mũi, cắt amidan, nạo VA, đốt sóng cao tần,... sẽ được chỉ định trong trường hợp người ngáy áp dụng các biện pháp điều trị khác không có kết quả.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa