Rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình là một căn bệnh khá phổ biến, gây nhiều khó chịu cho người bệnh như choáng váng, mất phương hướng. Nhiều trường hợp rối loạn tiền đình không quá nghiêm trọng sẽ khỏi trong vài tuần, tuy nhiên một số trường hợp khác có thể kéo dài nhiều năm. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi tác.
Nguyên nhân rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là các bệnh lý hoặc chấn thương làm tổn thương khu vực tai trong, não kiểm soát thăng bằng và chuyển động mắt. Ngoài ra, sử dụng một số thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ lên tiền đình.
Bệnh lý
- U dây thần kinh thính giác: Khối u phát triển trên dây thần kinh tiền đình-ốc tai, thường gây chóng mặt kéo dài nhiều ngày, mất thính lực, ù tai.
- Bệnh Meniere: Bệnh tương đối hiếm gặp xảy ra do tích tụ nội dịch ở tai trong. Bệnh gây ra các cơn chóng mặt kéo dài vài phút đến vài giờ kém theo mất thính lực, ù tai.
- Viêm tai giữa, viêm tai trong: Nếu tình trạng viêm tai không được điều trị có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình.
- Chấn thương: Chấn thương sọ não, gãy xương thái dương có thể làm tổn thương hệ thống tiền đình, dẫn đến rối loạn tiền đình.
- Bệnh về não: Cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ, nhồi máu tiểu não, bệnh đa xơ cứng có thể ảnh hưởng đến tiền đình, tiểu não và thân não.
- Bệnh lý khác: Nhiều tình trạng khác cũng có thể dẫn đến bệnh tiền đình như hội chứng Cogan, song thị, bệnh hạ huyết áp thế đứng, bệnh Parkinson,...
Thuốc men
Một số loại thuốc kháng sinh như Gentamicin và Streptomycin có thể tích lũy gây nhiễm độc tai và ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình.
Nguyên nhân khác
Rối loạn tiền đình cũng có thể đến từ say tàu xe, làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài, lười tập thể dục và ăn uống thiếu chất, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích.
Triệu chứng rối loạn tiền đình
Các triệu chứng của rối loạn tiền đình có thể bao gồm:
Chóng mặt và mất thăng bằng
- Cảm giác quay cuồng, choáng váng.
- Cảm giác mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu.
- Cảm giác bồng bềnh, như đang đi trên thuyền.
- Mất thăng bằng, dễ té ngã.
Hoa mắt và buồn nôn
- Cảm giác mọi thứ xung quanh đang quay cuồng.
- Thường xuyên buồn nôn, nôn mửa.
- Không thể nhìn rõ mọi thứ.
Các triệu chứng thần kinh khác
- Đau đầu.
- Ù tai, nghe kém.
- Rung giật nhãn cầu.
- Mất ngủ.
- Người mệt mỏi, khó tập trung.
- Dáng đi như người say rượu, mất phối hợp tay chân.
Biến chứng của rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm:
Tai nạn té ngã
Người bị rối loạn tiền đình có thể bị mất thăng bằng và té ngã. Điều này có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như gãy xương hoặc chấn thương sọ não, thậm chí là tử vong.
Mất khả năng làm việc
Rối loạn tiền đình có thể khiến người bệnh khó tập trung và chú ý, ảnh hưởng hiệu quả công việc.
Trầm cảm và lo âu
Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn gây khó khăn trong việc lái xe và các hoạt động thường ngày ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lo âu.
Chẩn đoán rối loạn tiền đình
Để chẩn đoán rối loạn tiền đình, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu mà người bệnh gặp phải. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng để đánh giá chức năng tiền đình của bạn. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ MRI.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Xét nghiệm điện và các phương pháp dùng điện cực nhỏ
- Xét nghiệm xoay vòng
- Xét nghiệm âm ốc tai
Điều trị rối loạn tiền đình
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp giảm các triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình (chóng mặt, buồn nôn, ù tai) hoặc các thuốc điều trị nguyên nhân gây bệnh (căng thẳng, lo âu, tuần hoàn não kém, viêm nhiễm).
- Thuốc kháng Histamin thế hệ 1: Cinnarizin - Giảm chóng mặt, hoa mắt, ù tai, Dimenhydrinate - An thần, chống nôn, Promethazine - Chống nôn, Meclizine - Giảm chóng mặt.
- Thuốc chống nôn: Metoclopramide, ondansetron, prochlorperazine,
- Thuốc chống chóng mặt: Acetyl leucin (Tanganil), Betahistine, Piracetam.
- Thuốc chẹn kênh calci: Flunarizin - Phòng ngừa & giảm đau nửa đầu.
- Thuốc an thần: Alprazolam, Clonazepam, Diazepam, Lorazepam,... giúp giảm các triệu chứng lo âu. Nhóm thuốc này có thể gây nghiện, phụ thuộc thuốc, do đó chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện khả năng thăng bằng, giảm chóng mặt và hoa mắt.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với phương pháp điều trị khác, phẫu thuật có thể được chỉ định.
Lời khuyên cho người bị rối loạn tiền đình
Để giúp cho quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn, người bị rối loạn tiền đình có thể áp dụng thêm một mẹo sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt nên ăn thêm các thực phẩm tốt cho hệ thần kinh (cá béo, việt quất, các loại hạt,...)
- Ngủ đủ giấc, giữ có tinh thần t mãi
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có thể tập thêm yoga, bài tập giữ thăng bằng.
- Xoa bóp, massage vùng mặt, đầu, cổ để thư giãn và giảm bớt các triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Xem thêm: Review 10 thực phẩm chức năng bổ não Ginkgo Biloba