Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần trong ngày phải làm sao?
Xem nhanh
- Một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều lần
- Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nguy hiểm hơn mẹ tưởng
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
- Thay đổi thực đơn ăn uống của mẹ
- Chọn sữa công thức cho bé
- Thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé
- Đưa trẻ đi khám bác sĩ
- Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
- Cách phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh
Một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều lần
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần bao gồm:
Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, lý do có thể xuất phát từ sự chủ quan trong chế độ ăn uống của mẹ. Hệ tiêu hóa của trẻ trong những năm tháng đầu đời chưa hoàn thiện nên bé rất nhạy cảm với những thức ăn lạ, do đó mẹ cần phải có thực đơn ăn uống hợp lý.
Nhiễm trùng đường ruột:
- Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là virus rota. Loại virus này gây ra bệnh viêm dạ dày, viêm ruột và một số bệnh nhiễm trùng khác.
- Sử dụng kháng sinh cho bé, hoặc mẹ sử dụng kháng sinh và cho con bú cũng có thể làm mất cân cân bằng hệ đường ruột.
Bệnh lý:
- Viêm mãn tính của đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
- Hội chứng ruột kích thích.
Ăn dặm:
Ở những bé đã được cho ăn dặm, bé bị tiêu chảy có thể do mẹ cho bé ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi), mẹ cho bé ăn dặm sai cách, sai liều lượng, bé bị dị ứng với thực phẩm hoặc do mẹ chế biến sai cách, sai thực phẩm,…
Do uống sữa công thức:
Bất dung nạp lactose là tình trạng trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose, đường lactose dư thừa được chuyển thành acid lactic nên khi ăn sữa có đường này trẻ gây ra các triệu chứng như sau: Trẻ trướng bụng, sôi bụng, tiêu chảy, đi phân chua, hăm đỏ da quanh hậu môn. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng thường tùy thuộc vào lượng lactose ăn vào nhiều hay ít...Không dung nạp protein hoặc đường.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy
Phân của trẻ sơ sinh ở những năm tháng đầu đời thường mềm và chứa nhiều chất lỏng bố mẹ rất khó nhận biết, nhất là những ông bố bà mẹ lần đầu tiên được giữ chức vị thiêng liêng này. Vì thế, bố mẹ cần trả lời các câu hỏi sau đây để biết bé nhà mình có bị tiêu chảy hay không:
- Số lần đi ngoài của trẻ có đột ngột tăng lên nhiều lần so với bình thường không?
- Phân của bé có lỏng và tóe nước không?
- Trong phân của bé có bọt không?
- Phân của bé có mùi thối nặng hơn bình thường không?
- Màu sắc của phân có thay đổi không?
- Trong phân có lẫn chất nhầy hoặc máu không?
- Bé có đau bụng, khó chịu, quấy khóc, chán ăn không?
Nếu hầu hết các câu trả lời đều “có” thì chắc chắn bé nhà bạn đã bị tiêu chảy và cần phải có biện pháp khắc phục ngay.
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nguy hiểm hơn mẹ tưởng
Tiêu chảy là một vấn đề cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Khác với tình trạng trẻ bị táo bón rất dễ nhận biết, tình trạng trẻ sơ sinh bị tiêu chảy biểu hiện ở sự thay đổi trong cách đi tiêu. Song nếu không để ý kỹ, bố mẹ sẽ khó nhận ra.
Theo BS.CKI Phạm Ngọc Nương (Trưởng Khoa Nhi – BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long):
Trẻ tiêu chảy nhiều, tốc độ đào thải phân cao nên rất dễ dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan. Tiêu chảy sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt là khi bệnh gây ra bởi nhóm vi khuẩn E.coli. Loại vi khuẩn này hiện nay kháng hầu hết các loại kháng sinh mà các bệnh viện đang sử dụng. Chúng chỉ còn nhạy cảm với một số kháng sinh thế hệ mới khá đắt tiền.
Chưa hết, nếu để trẻ bị mất nước nghiêm trọng hơn nữa trẻ có thể bị giảm ý thức, lơ mơ, tim đập nhanh, suy thận, suy hô hấp hay thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì thế bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Vậy, làm thế nào giúp bé thoát khỏi tình trạng này để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé?
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
Để ngăn chặn tình trạng tiêu chảy của bé, giúp bé luôn trong trạng thái khỏe mạnh mẹ cần:
Thay đổi thực đơn ăn uống của mẹ
Nếu đang cho con bú và bé bị tiêu chảy, mẹ nên ăn có thực đơn ăn uống phong phú hơn, trong thực đơn cần các thực phẩm hỗ trợ trị tiêu chảy cho trẻ như: chuối, gạo, táo, bánh mì, sữa chua, trứng nấu chín, các loại rau củ quả… Những thực phẩm này sẽ giúp phân của bé đặc hơn.
Chọn sữa công thức cho bé
Nếu bé không bú mẹ mà sử dụng sữa công thức, khi thấy bé bị đi ngoài nhiều lần mẹ cần suy nghĩ đến việc đổi sữa cho bé ngay. Đối với bé uống sữa bị tiêu chảy mẹ cần chọn loại sữa có đạm thủy phân, cắt nhỏ để dễ tiêu hóa. Các loại sữa không có đường Lactose, giàu chất xơ FOS, bổ sung men tiêu hóa… giúp cải thiện hiệu quả tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa ở trẻ.
Thay đổi thực đơn ăn dặm cho bé
Ở trẻ đã ăn dặm, các thực phẩm nên dùng cho trẻ là gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn, cá, sữa chua, dầu thực vật,... Đặc biệt, nên bổ sung cà rốt, hồng xiêm, chuối hương khi trẻ bị tiêu chảy. Ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng như vitamin, glucid, trong những thực phẩm này có chứa nhiều pectin và lignin, giúp hút nước và hút tất cả các sản phẩm bệnh lý trong ruột và kéo ra ngoài, giúp làm đặc phân và sạch ruột.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, Pectin và lignin có khả năng kết tủa, làm tan vi khuẩn E.coli và thương hàn. Các chất chống độc pectin và lignin nằm trong màng tế bào các loại thực phẩm, do đó cần xay hoặc chà sát thật nát để những chất này giải phóng ra ngoài.
Đưa trẻ đi khám bác sĩ
Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có những triệu chứng sau:
- Tiêu chảy trên 2 ngày mà không giảm.
- Bụng trẻ đau khi ấn vào.
- Trẻ bị nôn và không thể ăn uống.
- Phân trẻ có lẫn máu.
- Trẻ bị sốt cao.
- Có dấu hiệu mất nước nặng: miệng, lưỡi khô khốc, mắt trũng hơn bình thường, khóc không có nước mắt.
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
Ngay khi vừa phát hiện trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, bạn cần áp dụng những cách xử lý sau để ngăn chặn triệt để căn bệnh này:
- Cho trẻ uống nhiều sữa hơn bình thường để bù vào lượng nước đã mất.
- Cho trẻ uống 50-100ml oresol sau mỗi lần đi ngoài.
- Ngoài sữa mẹ, có thể cho trẻ uống thêm 100-200ml nước sôi để nguội/ ngày.
- Mẹ nên áp dụng chế độ dinh dưỡng đủ nước, giàu vitamin, chất xơ và chất khoáng để đảm bảo chất lượng sữa và tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Mẹ cần vệ sinh hai tay sạch sẽ khi cho trẻ bú và khi thay tã cho trẻ.
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy thường bị mất lớp vi khuẩn có ích bảo vệ đường ruột, vì vậy cần phải bổ sung vi khuẩn có ích để bảo vệ đường ruột khỏi các tác nhân gây hại như vi rút, vi khuẩn có hại, ký sinh trùng, độc chất từ thức ăn… Việc sử dụng men vi sinh để chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết.
Cách phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mẹ có thể chủ động phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng một số biện pháp đơn giản sau:
- Mẹ cần rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Không cho bé ăn đồ chưa được nấu chín và uống nước chưa được đun sôi.
- Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
- Tránh xa những khu vực đang có dịch.
- Trong trường hợp gia đình có thành viên bị tiêu chảy cấp, cần dùng vôi bột hoặc Cloramin B để sát khuẩn cầu tiêu sau khi đi vệ sinh.
- Cho trẻ bú sữa mẹ đến 18 - 24 tháng tuổi. Từ 6 tháng tuổi có thể cho trẻ ăn dặm thêm.
- Một biện pháp phòng ngừa khác là cho trẻ nhỏ vắc-xin rota để phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus gây nên. Tuy nhiên, mẹ nên xin tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ.
Như vậy có thể thấy trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Qua bài viết về cách khắc phục tình trạng tiêu chảy ở trẻ và những kiến thức xoay quanh, hy vọng bố mẹ sẽ phát hiện trẻ bị tiêu chảy sớm, tìm ra được nguyên nhân và có giải pháp ngăn chặn nhanh chóng và kịp thời giúp bé luôn bình an, khỏe mạnh.
Lưu ý:
- Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
- Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.