Dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là gì?
Dị ứng thực phẩm được định nghĩa là phản ứng miễn dịch bất lợi đối với protein thực phẩm dẫn đến các triệu chứng lâm sàng điển hình liên quan đến hệ thống da liễu, hô hấp, tiêu hóa, tim mạch và/hoặc thần kinh. Có 2 loại dị ứng thực phẩm:
- Qua trung gian IgE: Hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE). Kháng thể IgE phản ứng với một loại thực phẩm nhất định và gây ra các triệu chứng dị ứng. Loại này thường xảy ra rất nhanh sau khi ăn, trong vòng vài phút đến 1-2 giờ sau khi ăn và có thể gây ra sốc phản vệ.
- Không qua trung gian IgE: Các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một loại thực phẩm nhất định. Triệu chứng xảy ra muộn, thường mất từ 2-48 giờ.
Nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn protein trong một loại thực phẩm là chất lạ và phản ứng bằng cách sản xuất kháng thể gọi là Immunoglobulin E (IgE). IgE liên kết với bạch cầu ưa kiềm, đại thực bào, tế bào mast, tế bào đuôi gai giải phóng ra các chất trung gian hóa học khiến cho cơ trơn co bóp, giãn mạch và tiết chất nhầy, dẫn đến các triệu chứng dị ứng.
Bên cạnh đó, tế bào mast, đại thực bào còn thu hút và kích hoạt bạch cầu ái toan, tế bào lympho giải phóng cytokine. Điều này dẫn đến tình trạng viêm kéo dài, ảnh hưởng đến da, đường hô hấp, đường tiêu hóa và hệ tim mạch.
Có nhiều loại thực phẩm khác nhau có thể gây dị ứng. Một số loại phổ biến dễ gây dị ứng bao gồm:
- Trứng (thường ở trẻ em)
- Sữa (thường ở trẻ em)
- Động vật giáp xác (tôm, cua)
- Cá (thường gặp ở người trưởng thành)
- Động vật thân mềm (sò, nghêu, trai, hàu), cá
- Ngũ cốc có chứa gluten (lúa mì, lúa mạch, yến mạch)
- Các loại đậu (đậu phộng, đậu nành)
- Các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, óc chó, vừng)
- Gia vị (mù tạt, rau mùi, tỏi).
Dấu hiệu, triệu chứng dị ứng thực phẩm
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể khác nhau tùy theo từng người, từ nhẹ đến nghiêm trọng, xảy ra sớm hoặc muộn. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Da: Phát ban trên da (mề đay, sưng phù) hoặc ngứa.
- Mũi: Ngứa, nghẹt mũi.
- Mắt: Ngứa, chảy nước mắt, đỏ mắt.
- Miệng: Sưng môi, sưng lưỡi, ngứa miệng.
- Hô hấp: Nghẹn, khó nói, khó thở.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa nhiều lần, đau bụng, tiêu chảy.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, dị ứng thực phẩm có thể gây ra sốc phản vệ, một tình trạng đe dọa tính mạng có thể gây tử vong. Đặc trưng bởi:
- Chóng mặt, xây xẩm do hạ huyết áp
- Nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, vã mồ hôi
- Nổi mề đay
- Phù mạch
- Thở khò khè, thở rít
- Mất ý thức
Chẩn đoán dị ứng thực phẩm
Phương pháp chẩn đoán bắt từ việc hỏi về tiền sử bệnh, triệu chứng mà người bệnh gặp phải sau khi ăn một loại thực phẩm cụ thể và thăm khám thực thể.
Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành các xét nghiệm dị ứng như:
- Xét nghiệm da: Trong xét nghiệm da, bác sĩ sẽ nhỏ một lượng nhỏ chất gây dị ứng lên da của bệnh nhân và theo dõi phản ứng. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với chất gây dị ứng, ở vị trí xét nghiệm sẽ phát triển nốt sẩn hoặc mẩn đỏ.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể kiểm tra mức độ kháng thể IgE trong máu giúp bác sĩ xác định xem người bệnh có bị dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể hay không.
Điều trị dị ứng thực phẩm
Trong trường hợp người bệnh vô tình ăn phải thực phẩm gây dị ứng, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc kháng histamin để giảm ngứa trong trường hợp nhẹ. Đối với phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần tiêm epinephrine khẩn cấp để đảo ngược triệu chứng sốc phản vệ và đưa ngay đến phòng cấp cứu.
Phòng ngừa dị ứng thực phẩm
Cách phòng ngừa dị ứng thực phẩm hiệu quả nhất là tránh những loại thực phẩm gây dị ứng. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đọc kỹ nhãn thực phẩm và tránh bất kỳ thực phẩm nào có chứa các chất gây dị ứng đã biết.
Trong trường hợp đã từng bị sốc phản vệ và được bác sĩ kê đơn epinephrine thì người dị ứng hoặc người nhà nên học cách sử dụng thuốc để dùng khi cấp cứu. Bên cạnh đó, nên tập thói quen mang theo bên người và kiểm tra hạn sử dụng thuốc thường xuyên.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.