Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng là gì?
Viêm mũi dị ứng là một trong các bệnh lý về mũi phổ biến xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với dị nguyên (khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa,...). Khi tiếp xúc với các chất này, cơ thể sẽ kích hoạt tế bào mast và tế bào basophils giải phóng các chất trung gian hóa học như histamine gây lên tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi.
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo một mùa cụ thể (chẳng hạn như vào mùa xuân sẽ có nhiều phấn hoa) hoặc quanh năm. Những người mắc hen suyễn, chàm hoặc có tiền sử gia đình có người mắc hen suyễn, viêm mũi dị ứng thường có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cao hơn người bình thường.
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Như đề cập ở trên, viêm mũi dị ứng gây ra bởi phản ứng của của cơ thể trước các dị nguyên. Các dị nguyên phổ biến bao gồm có:
- Phấn hoa
- Bào tử nấm
- Lông vật nuôi
- Mạt bụi
- Nấm mốc
- Nước bọt và chất thải của gián.
Dấu hiệu, triệu chứng viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể thay đổi tùy thuộc vào từng cá thể và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
- Hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Ngứa mũi
- Ngứa, đỏ, chảy nước mắt
- Nhức đầu, mệt mỏi
- Đau họng, khàn giọng
- Thở khò khè, ho và khó thở.
Biến chứng của viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến biến chứng trong một số trường hợp, bao gồm có:
- Polyp mũi: Sự phát triển bất thường nhưng không gây ung thư (lành tính) bên trong mũi và xoang.
- Viêm xoang: Tình trạng viêm làm tắc các xoang khiến chất nhầy không thể chảy vào mũi như bình thường.
- Viêm tai giữa: Do chất lỏng tích tụ phía sau màng nhĩ.
Những biến chứng này thường có thể được điều trị bằng thuốc. Phẫu thuật đôi khi cần thiết trong những trường hợp nặng hoặc lâu dài.
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng
Chẩn đoán viêm mũi dị ứng dựa trên tiền sử bệnh và khám thực thể, bao gồm:
- Xét nghiệm da: Xét nghiệm da được thực hiện bằng cách nhỏ một lượng nhỏ các chất gây dị ứng lên da và chờ phản ứng. Nếu da phản ứng bằng cách bị ngứa, đỏ hoặc nổi mề đay thì có khả năng người đó bị dị ứng với chất gây dị ứng đó.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể đo lường mức độ kháng thể immunoglobulin E (IgE) trong máu. Nồng độ IgE cao hơn mức bình thường có thể chỉ ra rằng người đó bị dị ứng.
Điều trị viêm mũi dị ứng
Mục tiêu của điều trị viêm mũi dị ứng là kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị thường bao gồm:
Tránh tiếp xúc với dị nguyên
Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng là cách hiệu quả để ngăn ngừa các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Các biện pháp tránh tiếp xúc với dị nguyên có thể bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với phấn hoa vào mùa xuân, hè và đầu thu bằng cách đóng cửa sổ hoặc cửa ô tô.
- Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và thay quần áo ngay khi về nhà.
- Tránh chạm tay vào mũi hoặc dụi mắt
- Sử dụng máy lọc không khí có bộ lọc HEPA trong nhà để giảm chất gây dị ứng.
- Hút bụi và giặt rũ quần áo, vỏ chăn, ga đệm thường xuyên.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi nếu bị dị ứng với lông vật nuôi.
Thuốc điều trị
Các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Thuốc kháng histamine (Loratadin, Cetirizine, Fexofenadine, Levocetirizine): Giúp ngăn chặn tác dụng của histamine, một chất gây ra các triệu chứng dị ứng như ngứa, chảy nước mắt và hắt hơi. Thuốc kháng histamine có dạng thuốc viên, chất lỏng, thuốc nhỏ mắt, thuốc xịt mũi và ống hít.
- Thuốc thông mũi (Oxymetazoline, Phenylephrine, Pseudoephedrine): Giúp giảm tắc nghẽn mũi và xoang.
- Thuốc xịt mũi chứa Corticosteroid (Fluticasone, Triamcinolone acetonide, Budesonid): Giúp giảm viêm niêm mạc mũi.
- Thuốc ức chế Leukotriene (Motelukast): Hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng nhưng kém hiệu quả hơn corticosteroid dạng xịt mũ
Miễn dịch trị liệu
Miễn dịch trị liệu liên quan đến việc tiêm dần một lượng nhỏ chất gây dị ứng để giúp cơ thể quen dần với chất gây dị ứng và giảm phản ứng dị ứng.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.