Viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc họng có thể kèm theo cảm giác nóng rát, châm chích cổ họng kéo dài trong nhiều tuần hoặc tái phát thường xuyên. Bệnh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng, dị ứng hoặc kích thích.
Phân loại viêm họng mãn tính
Dựa trên đặc điểm tổn thương, bệnh được chia làm 4 thể sau:
Phân loại | Đặc điểm tổn thương thực thể |
Viêm họng mãn tính sung huyết đơn thuần | Niêm mạc họng đỏ, thấy được nhiều tia mao mạch máu |
Viêm họng mãn tính xuất tiết | Niêm mạc họng đỏ, thấy được nhiều tia mao mạch máu, tuy nhiên thành sau họng tăng tiết dịch nhầy, trong, hơi dính vào niêm mạc. |
Viêm họng mãn tính quá phát (Viêm họng hạt) | Niêm mạc họng đỏ, dày lên, các mô lympho ở thành sau họng phát triển mạnh, quá sản thành những đám to nhỏ rải rác hoặc tập trung thành một dải dọc. |
Viêm họng teo | Đặc trưng bởi sự mỏng đi của niêm mạc họng. |
Nguyên nhân gây viêm họng mãn tính
Khoảng 30% bệnh nhân viêm họng mãn tính không xác định được nguyên nhân. Các trường hợp còn lại viêm họng mãn tính có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm:
- Viêm amidan mãn tính
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Viêm tuyến nước bọt dưới hàm
- Trào ngược họng thanh quản
- Viêm mũi dị ứng
- Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan
- Nhiễm khuẩn Streptococcus pyogenes (vi khuẩn liên cầu nhóm A), Haemophilus influenzae hoặc nhiễm virus Rhinovirus, coronavirus, adenovirus, cúm.
- Môi trường bất lợi (Khô, nhiều khói bụi hoặc ô nhiễm không khí)
- Dị ứng phấn hoa, bụi, lông động vật hoặc nấm mốc
- Hút thuốc lá, nghiện rượu.
Triệu chứng viêm họng mãn tính
Nhìn chung, viêm họng mãn tính có các triệu chứng gần giống như viêm họng cấp tính, tuy nhiên chúng thường kéo dài hơn 10 ngày. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau họng
- Đỏ và sưng họng
- Ngứa hoặc rát họng
- Khó nuốt
- Cảm giác có vật lạ trong cổ họng
- Ho nhiều về ban đêm hoặc lạnh
- Đờm dẻo, đặc
- Khàn giọng
- Hơi thở có mùi hôi
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
Trong trường hợp nhiễm trùng, người bệnh có thể bị sốt, nhức đầu, buồn nôn hoặc ói mửa.
Biến chứng viêm họng mãn tính
Trong một số trường hợp, viêm họng mãn tính không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng lan rộng
- Nhiễm trùng tai
- Viêm xoang
- Viêm amidan hoặc VA mãn tính
- Viêm phổi
- Hẹp thanh quản
- Bệnh thấp tim
- Sốt thấp khớp
- Viêm cầu thận
- Ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ
- Ung thư vòm họng
Chẩn đoán viêm họng mãn tính
Chẩn đoán viêm họng mãn tính dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng và kết quả thăm khám thực thể cổ họng. Trong nhiều trường hợp, cần kết hợp thêm một số xét nghiệm máu, tốc độ máu lắng, xác định mức độ kháng streptolysin (ASLO) hoặc nội soi để tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá mức độ nghiệm trọng của bệnh.
Điều trị viêm họng mãn tính
Để giảm đau họng, những người bị viêm họng mãn tính có thể súc miệng bằng dung dịch nước muối ấm, sử dụng viên ngậm, kiểm soát cơn đau bằng thuốc không kê đơn như paracetamol. Đồng thời giải quyết các nguyên nhân gây bệnh như nhiễm trùng, viêm mũi dị ứng, viêm amidan,... Cụ thể:
- Nhiễm trùng: Sử dụng thuốc kháng sinh đối với nhiễm trùng do vi khuẩn và thuốc kháng virus đối với nhiễm trùng do virus.
- Viêm mũi dị ứng: Thường được điều trị bằng thuốc xịt mũi, thuốc dị ứng không kê đơn.
- Viêm amidan: Điều trị bằng một đợt kháng sinh chuyên sâu. Nếu rối loạn tái phát thường xuyên hoặc đặc biệt nghiêm trọng, có thể cân nhắc cắt amidan.
- Trào ngược họng - thanh quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản: Điều trị bằng cách dùng thuốc ức chế bơm proton và thay đổi lối sống như giảm căng thẳng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn uống lành mạnh
- Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Điều trị bằng chế độ ăn kiêng hoặc chế độ ăn kiêng cơ bản để cô lập và sau đó loại bỏ các tác nhân kích thích thực phẩm. Bên cạnh đó, các triệu chứng của bệnh có thể được điều trị bằng corticosteroid và thuốc ức chế bơm proton.
- Viêm họng mãn tính do kích ứng: Hạn chế tiếp xúc các nguồn dễ gây kích ứng, ngừng hút thuốc lá.
Phòng ngừa viêm họng mãn tính
Để phòng ngừa viêm họng mãn tính, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và ô nhiễm không khí
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin C
- Sử dụng máy tạo ẩm để giảm khô cổ họng khi thời tiết hanh khô, độ ẩm không khí thấp.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.