Protein Niệu: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Protein niệu là gì?
  • Nguyên nhân gây protein niệu
  • Dấu hiệu, triệu chứng protein niệu
  • Chẩn đoán protein niệu
  • Điều trị protein niệu
  • Sử dụng thuốc
  • Điều trị bệnh lý liên quan

Protein niệu

- Ngày đăng:30/05/2024
Phát hiện protein niệu sớm là điều rất quan trọng vì nó có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng như bệnh thận, bệnh tiểu đường hoặc rối loạn miễn dịch. Việc điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa các biến chứng và bảo vệ sức khỏe thận. Để hiểu sâu hơn về protein niệu, mời bạn tham khảo tiếp nội dung bên dưới đây.
Mục lục
  • Protein niệu là gì?
  • Nguyên nhân gây protein niệu
  • Dấu hiệu, triệu chứng protein niệu
  • Chẩn đoán protein niệu
  • Điều trị protein niệu
  • Sử dụng thuốc
  • Điều trị bệnh lý liên quan

Protein niệu là gì?

Protein niệu (đạm niệu) là tình trạng mà lượng protein (đạm) trong nước tiểu vượt quá mức bình thường. Đạm là một thành phần quan trọng trong máu, nó giúp duy trì sự cân bằng áp lực thẩm thấu và các chức năng sinh lý khác. Tuy nhiên, khi thận không hoạt động đúng cách, đạm có thể bị thất thoát qua nước tiểu, gây ra tình trạng đạm niệu.

Mức độ bình thường của đạm trong nước tiểu thường rất thấp, khoảng 150mg/ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, nếu lượng đạm trong nước tiểu vượt quá 3-3.5g/ngày, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe cần được điều trị, chẳng hạn như hội chứng thận hư.

Nguyên nhân gây protein niệu

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến lượng protein tăng cao trong nước tiểu, bao gồm:

  • Bệnh thận: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng protein niệu. Sỏi thận, viêm cầu thận, bệnh thận mãn tính hoặc hội chứng thận hư sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng lọc chất thải của tiểu cầu thận hoặc ống thận, dẫn đến việc đạm bị thất thoát qua nước tiểu.
  • Các bệnh lý làm tổn thương thận: Đái tháo đường, u tủy, suy tim sung huyết, tăng huyết áp, rối loạn miễn dịch (Lupus, hội chứng Goodpasture), bệnh mô liên kết, viêm mạch, tiền sản giật,...
  • Bệnh thận do thuốc: NSAID, lithium, kim loại nặng, heroin.
  • Nguyên nhân khác: Sốt, mất nước, tập thể dục hoặc hoạt động thể chất cường độ cao, stress, dùng aspirin mỗi ngày, tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
Nguyên nhân gây protein niệu
Biến chứng tiểu đường gây tổn thương thận và làm tăng protein niệu.

Dấu hiệu, triệu chứng protein niệu

Đạm niệu có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ một dấu hiệu nào. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Phù nề ở chân, mắt cá chân hoặc bàn tay.
  • Nước tiểu có bọt hoặc sủi bọt
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Mệt mỏi, yếu sức
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Thèm ăn, thay đổi cân nặng
  • Chuột rút vào ban đêm
  • Xuất hiện bọng mắt khi ngủ dậy
  • Khó thở
  • Đau đầu

Chẩn đoán protein niệu

Bên cạnh việc hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải, bác sĩ sẽ khai thác thêm tiền sử bệnh (tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim,...), tiền sử gia đình và tiền sử sử dụng thuốc để xác định nguyên nhân gây protein niệu. Sau đó sẽ tiến hành khám thực thể để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh và các bệnh lý liên quan như tình trạng phù nề, teo cơ, phát ban, đau bụng,...

Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để xác định mức độ đạm trong nước tiểu. 
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng thận và mức độ đạm trong máu. Nếu có sự tổn thương ở thận, lượng đạm trong máu có thể tăng cao.
  • Siêu âm thận: Kiểm tra cấu trúc và kích thước của thận, xác định xem có tổn thương ở thận gây ra đạm niệu hay không.
  • Sinh thiết thận: Trong trường hợp bệnh nhân có protein niệu trên 1 g mỗi ngày, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện sinh thiết thận để lấy mẫu mô để kiểm tra dưới kính hiển vi, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.
Chẩn đoán protein niệu
Test nhanh tổng phân tích nước tiểu bằng que nhúng (dipsticks) để phát hiện protein niệu.

Điều trị protein niệu

Việc điều trị protein niệu thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ngoài ra, hầu hết các phương thức điều trị đều tập trung vào việc giảm mức độ protein niệu, đặc biệt là albumin niệu. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến cho đạm niệu:

Sử dụng thuốc

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc làm giảm protein niệu, chẳng hạn như thuốc ức chế ACE, thuốc lợi tiểu, thuốc chặn canxi. 

Điều trị bệnh lý liên quan

Nếu protein niệu là do bệnh thận, bệnh tiểu đường hoặc các bệnh lý khác, việc điều trị căn bệnh gốc là cần thiết. Bằng cách điều trị nguyên nhân gây ra đạm niệu, lượng đạm trong nước tiểu sẽ giảm dần.

  • Nếu bệnh thận gây protein niệu: Kế hoạch điều trị là sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn (ít đạm, ít muối, giàu chất xơ) và tập thể dục thường xuyên.
  • Nếu bệnh nhân bị tiểu đường: Kiểm soát lượng đường trong máu và xét nghiệm chỉ độ lọc cầu thận (GFR) hàng năm.
  • Người mang thai có tiền sử tiền sản giật: Khám sức khỏe định kỳ.

Phòng ngừa protein niệu

Không có cách nào có thể phòng ngừa protein niệu. Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến thận và các bệnh lý làm tổn thương thận, bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, vận động thường xuyên. Đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, bao gồm protein niệu.

Kết luận

Trên đây là một số thông tin cơ bản về đạm niệu, từ khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng, các loại, cách chẩn đoán, điều trị đến phòng ngừa bệnh lý này. Việc hiểu rõ về đạm niệu giúp bạn nhận biết và xử lý tình trạng này kịp thời, bảo vệ sức khỏe thận và duy trì sức khỏe tổng thể. Hãy luôn chăm sóc sức khỏe của mình và thực hiện các biện pháp phòng ngừa đạm niệu đề phòng bệnh lý này.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng