Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp là tình trạng áp lực của máu lên thành động mạch tăng cao hơn so với mức bình thường. Áp lực máu cao và không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ và đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong sớm.
Phân loại | Huyết áp tâm thu đơn độc (HATT:mmHg) | Huyết áp tâm trương (HATTr) |
Huyết áp tối ưu | <120 | <80 |
Huyết áp bình thường | <130 | <85 |
Huyết áp bình thường cao | 130-139 | 85-89 |
Tăng huyết áp độ 1 (nhẹ) | 140-159 | 90-99 |
Tăng huyết áp độ 2 (trung bình) | 160-179 | 100-109 |
Tăng huyết áp độ 3 (nặng) | ≥ 180 | ≥ 110 |
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc | ≥ 140 | <90 |
Huyết áp được ghi nhận bởi hai con số: huyết áp tâm thu (số cao hơn) và huyết áp tâm trương (số thấp hơn). Huyết áp tâm thu đo áp lực động mạch khi tim đập, còn huyết áp tâm trương là áp lực động mạch khi nghỉ giữa các nhịp đập.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp
Nguyên nhân gây tăng huyết áp thường không rõ ràng, nhưng một số yếu tố như tuổi cao, lối sống không lành mạnh, béo phì, căng thẳng,... cũng góp phần làm tăng tỉ lệ mắc bệnh. Cụ thể:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh: Nếu trong gia đình có người mắc tăng huyết áp thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người không có tiền sử này.
- Tuổi cao: Theo thời gian, các động mạch dần bị cứng và dày hơn, làm cho máu khó đi qua và dẫn đến tăng huyết áp.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn phụ nữ bị tăng huyết áp.
- Chủng tộc: Người da đen có nguy cơ cao hơn người da trắng bị tăng huyết áp.
- Béo phì: Người béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp cao gấp 12 lần so với người có cân nặng bình thường.
- Lối sống ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp. Việc tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể duy trì sự cân bằng và giảm nguy cơ bị tăng huyết áp.
- Chế độ ăn uống nhiều muối: Muối có khả năng giữ nước trong cơ thể, làm tăng áp lực trong động mạch và dẫn đến tăng huyết áp.
- Hút thuốc lá: Khói độc trong thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm tăng tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch, lâu dần làm cản trở lưu thông máu.
- Sử dụng nhiều rượu bia: Việc uống quá nhiều rượu bia cũng có thể làm tăng huyết áp.
- Bệnh lý: Khoảng 1 trên 10 trường hợp, huyết áp xảy ra sau khi mắc bệnh thận, bệnh tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, lupus...
- Căng thẳng mãn tính: Lo âu, stress cũng có làm tăng huyết áp mặc dù mối liên hệ này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Triệu chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng, do đó có 46% người trưởng thành không biết mình đang bị bệnh. Khi huyết áp cao tăng cao hoặc rất cao, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau đầu, chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng, khó đi lại
- Nhìn mờ hoặc thay đổi thị lực
- Đau ngực
- Khó thở
- Tim đập nhanh
- Đổ mồ hôi
- Lo lắng
- Buồn nôn, nôn mửa
- Lú lẫn
- Ù tai
- Chảy máu cam
Biến chứng của tăng huyết áp
Nếu không được điều trị, tăng huyết áp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Đột quỵ: Đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tăng huyết áp. Đột quỵ xảy ra khi máu không thể lưu thông đến não do các động mạch bị tắc nghẽn hoặc vỡ.
- Đau tim và bệnh tim: Tăng huyết áp có thể gây ra các vấn đề về tim bao gồm đau tim, đau thắt ngực, suy tim, nhồi máu cơ tim.
- Suy thận: Tăng huyết áp có thể làm hỏng các mạch máu trong thận, dẫn đến suy thận và các vấn đề liên quan.
- Suy giảm thị lực: Huyết áp cao khiến các mạch máu võng mạc dày lên và thu hẹp, làm giảm lưu lượng máu. Tình trạng này cũng làm sưng võng mạc và dây thần kinh thị giác.
Chẩn đoán tăng huyết áp
Tăng huyết áp được chẩn đoán bằng cách đo huyết áp. Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg). Ngoài việc đo huyết áp, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số khác như cholesterol, đường huyết và chức năng thận.
Điều trị tăng huyết áp
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp. Điều này bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên, khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Ăn chế độ ăn lành mạnh, ít muối.
- Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá
- Tích cực giảm cân trong các trường hợp thừa cân, béo phì.
- Giảm căng thẳng, stress.
- Đi ngủ và thức dậy đúng giờ.
Thuốc điều trị
Nếu tăng huyết áp không được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp điều trị bệnh. Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): Captopril, Enalapril, Fosinopril, Lisinopril, Moexipril,...
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB):
- Thuốc chẹn kênh canxi: Azilsartan, Candesartan, Eprosartan, Losartan, Olmesartan,...
- Thuốc lợi tiểu: Lợi tiểu quai (Furosemide, Torsemide, Bumetanide, Axit ethacrynic), lợi tiểu giữ kali (Amiloride, Eplerenone, Spironolactone, Triamterene), lợi tiểu Thiazide và thuốc lợi tiểu giống thiazide
- Thuốc chẹn beta: Acebutolol, Atenolol, Betaxolol, Bisoprolol, Carteolol hydrochloride,...
Tùy theo từng tình trạng bệnh cụ thể (huyết áp mục tiêu, tuổi tác, các bệnh lý đi kèm, tác dụng phụ,...), bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc cùng mức liều phù hợp. Người bệnh nên tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, không tự ý tăng, giảm liều hoặc ngưng thuốc đột ngột khiến cho bệnh diễn tiến xấu hơn.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc đều đặn, người bệnh cũng nên kiểm tra huyết áp thường xuyên bằng cách trang bị thêm các loại máy đo huyết áp tại nhà. Đồng thời tái khám định kỳ để biết tình trạng bệnh hiện tại đang được kiểm soát tốt hay chưa.
Phòng ngừa tăng huyết áp
Để phòng ngừa cao huyết áp, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Nên ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế ăn quá nhiều đồ ăn mặn, thực phẩm giàu chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
- Hoạt động thể chất nhiều hơn, có thể bao gồm đi bộ, chạy, bơi lội, khiêu vũ hoặc các hoạt động tăng cường sức mạnh, như nâng tạ. Hạn chế ngồi nhiều.
- Nên duy trì cân nặng ở mức tốt cho sức khỏe.
- Không hút thuốc và sử dụng quá nhiều rượu bia.
- Giải tỏa căng thẳng, stress bằng các biện pháp hữu ích.
- Khám sức khỏe hàng năm.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.