Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ là gì?
Tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp tăng (>140/90 mmHg) xảy vào nửa sau của thai kỳ (sau tuần thứ 20) nhưng không ảnh hưởng đến chức năng gan thận hoặc sự có mặt của protein trong nước tiểu. Bệnh lý này thường biến mất sau khi sinh con.
Nguyên nhân huyết áp cao khi mang thai
Nguyên nhân chính xác gây ra tăng huyết áp thai kỳ vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, bao gồm:
- Lần đầu mang thai hoặc có mẹ, chị em gái bị tăng huyết áp thai kỳ
- Mang thai ở độ tuổi nhỏ hơn 20 tuổi hoặc lớn hơn 40
- Đa thai (sinh đôi, sinh ba)
- Tiền sử tăng huyết áp hoặc tiền sản giật trong thai kỳ trước
- Béo phì
- Bệnh thận
- Bệnh tự miễn
- Bệnh huyết khối
- Bệnh đái tháo đường
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp thai kỳ nhẹ không có triệu chứng rõ ràng và ở mỗi người là khác nhau. Một số triệu chứng có thể gặp bao gồm:
- Đau đầu
- Tầm nhìn mờ
- Chóng mặt
- Tức ngực
- Khó thở
- Đau bụng trên bên phải hoặc đau quanh bụng
- Phù (sưng), tăng cân đột ngột
- Buồn nôn, ói mửa
Chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ được chẩn đoán bằng cách đo huyết áp phòng khám và ngoài phòng khám (bệnh nhân tự đo hoặc theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ). Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm đông máu, chức năng gan thận để loại trừ tiền sản giật.
- Huyết áp tăng cao (huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc tâm trương ≥ 90 mmHg).
- Huyết áp trước đây bình thường.
- Không có protein trong nước tiểu
- Không có biểu hiện tiền sản giật.
Biến chứng tăng huyết áp thai kỳ
Mặc dù nhiều phụ nữ mang thai bị huyết áp cao sinh con khỏe mạnh mà không gặp vấn đề gì nghiêm trọng nhưng bệnh lý này vẫn có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng khi chỉ số huyết áp cao hơn 160/110 mmHg. Cụ thể:
Biến chứng cho mẹ
- Tiền sản giật
- Sản giật
- Nhau bong non (nhau bong ra khỏi thành tử cung)
- Suy thận
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim
Biến chứng cho thai nhi
- Thai nhi kém phát triển
- Sinh non, nhẹ cân
- Ngạt, tử vong thai nhi.
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh, mức độ nghiêm trọng và đáp ứng của cơ thể với thuốc điều trị. Trường hợp tăng huyết áp nhẹ có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống như nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, giữ cân nặng khỏe mạnh bằng cách ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên. Trường hợp nặng hơn có thể yêu cầu sử dụng thuốc để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng.
Trong quá trình điều trị, sẽ tiếp tục theo dõi huyết áp, sức khỏe thai nhi, xét nghiệm máu, nước tiểu thường xuyên để sớm phát hiện các dấu hiệu tăng huyết áp tiến triển đến tiền sản giật.
Phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa tăng huyết áp thai kỳ, nhưng một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Kiểm soát căng thẳng
- Hạn chế uống rượu bia
- Theo dõi huyết áp tại nhà
- Khám thai định kỳ.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.