Suy tuyến thượng thận
Suy tuyến thượng thận là gì?
Suy tuyến thượng thận là một rối loạn xảy ra khi tuyến thượng thận không thể sản xuất đủ một số hormone nhất định. Những hormone này cần thiết cho nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như kiểm soát nhịp tim, huyết áp, cân bằng điện giải và phản ứng với căng thẳng.
Nguyên nhân suy tuyến thượng thận
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận, cụ thể:
Phân loại | Nguyên nhân |
Suy tuyến thượng thận nguyên phát |
|
Suy tuyến thượng thận thứ phát |
|
Dấu hiệu, triệu chứng suy tuyến thượng thận
Triệu chứng của suy tuyến thượng thận có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sụt cân không chủ ý
- Yếu cơ
- Huyết áp thấp, khi đứng lên gây chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Buồn nôn và nôn
- Đau đầu
- Đau khớp và cơ
- Đau bụng
- Hạ đường huyết
- Đổ mồ hôi
- Mất nước
- Thèm muối
- Tăng sắc tố, da sạm màu hoặc xám
- Mất lông nách và lông mu
- Khó chịu, trầm cảm
- Rối loạn kinh nguyệt
- Giảm ham muốn
Chẩn đoán suy tuyến thượng thận
Để chẩn đoán suy tuyến thượng thận, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh và thực hiện khám sức khỏe. Bệnh nhân có thể được yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán như:
Xét nghiệm thông thường
- Công thức máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu đa nhân trung tính.
- Đường huyết khi đói: Thường thấp (60-65mg/dL).
- Điện giải đồ: Natri máu giảm, kali máu tăng.
- Calci huyết: Tăng từ nhẹ đến đến trung bình.
- Chức năng thận: Tăng ure máu, tăng creatinine máu.
- Điện tâm đồ: Điện thế thấp
Định lượng hormone
- Cortisol huyết tương lúc 8 giờ: Giảm
- 17 OH corticosteroid trong nước tiểu: Thấp
- 17 cetosteroid trong nước tiểu: Giảm
- Aldosteron và tetrahydroaldosteron: Giảm
- ACTH tăng (suy tuyến thượng thận nguyên phát) và ACTH giảm (suy tuyến thượng thận thứ phát).
Nghiệm pháp kích thích
- Nghiệm pháp kích thích ACTH
- Nghiệm pháp Metyrapon
- Phương pháp gây hạ đường huyết bằng Insulin
Xét nghiệm hình ảnh
- X-quang tim phổi.
- X-quang bụng không chuẩn bị.
Điều trị suy tuyến thượng thận
Thay thế hormone
Suy tuyến thượng thận được điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc nhằm thay thế các hormone bị thiếu. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh nhân có thể phải dùng những loại thuốc này suốt đời. Một số loại thuốc điều trị:
- Hydrocortisone, Prednisone hoặc Methylprednisolone để thay thế cortisol.
- Fludrocortisone axetat để thay thế aldosterone.
Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng của từng loại thuốc để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Điều trị các tình huống đặc biệt
Phẫu thuật
Nếu bệnh nhân cần thực hiện bất kỳ loại phẫu thuật nào sử dụng gây mê toàn thân, bệnh nhân có thể được điều trị bằng corticosteroid tiêm tĩnh mạch và nước muối. Điều trị qua đường tĩnh mạch bắt đầu trước khi phẫu thuật và tiếp tục cho đến khi bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo sau phẫu thuật và có thể uống thuốc bằng đường uống.
Sốt cao hoặc ốm yếu
Trong trường hợp sốt cao, bệnh nhân cần báo bác sĩ tăng liều. Sau khi bệnh nhân hồi phục, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng trở lại mức bình thường trước khi bị bệnh.
Hoặc trong trường hợp nhiễm trùng nặng, tiêu chảy, nôn mửa và không thể uống thuốc corticosteroid cũng cần liên hệ bác sĩ để được đưa phương án điều trị phù hợp.
Chấn thương hoặc hôn mê
Nếu bệnh nhân bị chấn thương nặng hoặc đột ngột bất tỉnh, hôn mê cũng có thể cần dùng liều corticosteroid cao hơn.
Thai kỳ
Trong trường hợp bệnh nhân có thai và bị suy tuyến thượng thận thì dùng liều thuốc tương tự như trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu buồn nôn và nôn trong thời kỳ đầu mang thai khiến bệnh nhân khó uống thuốc, bác sĩ có thể cần tiêm corticosteroid.
Trong quá trình sinh nở, việc điều trị cũng tương tự như những người cần phẫu thuật. Sau khi sinh, bác sĩ sẽ giảm liều từ từ và trở lại liều thông thường khoảng 10 ngày sau khi sinh con.
Các khuyến nghị điều trị khác
Để để giảm nguy cơ mắc biến chứng, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Mang theo thuốc điều trị bên người để tránh quên uống.
- Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ triệu chứng mới hoặc xấu đi nào.
- Tránh các tình huống căng thẳng hoặc tăng cường tập luyện.
- Mang theo thẻ hoặc vòng đeo tay cảnh báo y tế nếu có nguy cơ bị suy thượng thận cấp.
- Mang theo bộ dụng cụ tiêm glucocorticoid để dùng trong trường hợp khẩn cấp.
- Bổ sung muối vào chế độ ăn uống, đặc biệt khi tập thể dục nặng, thời tiết nắng nóng hoặc sau khi bị rối loạn tiêu hoá.
Biến chứng suy tuyến thượng thận
Nếu không được điều trị, suy tuyến thượng thận có thể dẫn đến cơn suy thượng thận cấp tính, làm tăng nguy cơ tử vong. Do đó, khi đau đột ngột, dữ dội ở lưng dưới, bụng hoặc chân, nôn mửa, tiêu chảy, yếu đuối, lú lẫn, mất ý thức người bệnh cần nhập viện cấp cứu.
Phòng ngừa suy tuyến thượng thận
Trong hầu hết các trường hợp, suy tuyến thượng thận không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, lạm dụng corticoid giảm đau nhức xương khớp, viêm mũi cũng là một trong các nguyên nhân phổ biến gây suy tuyến thượng thận. Do đó, người bệnh nên chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý tăng liều và ngừng sử dụng thuốc đột ngột.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.