Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là một tình trạng phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt ở các nước thu nhập cao. Bệnh xảy ra khi quá nhiều chất béo tích tụ trong gan, về lâu dài nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tổn thương gan.
Thông thường, gan vẫn có chứa một lượng ít chất béo, tuy nhiên ở bệnh gan nhiễm mỡ chất béo chiếm từ 5% trọng lượng gan trở lên và tăng theo từng cấp độ của bệnh, cấp độ 3 có thể chiếm trên 30%.
Nguyên nhân gan nhiễm mỡ
Bệnh có thể được chia thành hai loại chính: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Như tên gọi, gan nhiễm mỡ do rượu xảy ra do uống quá nhiều rượu. Trong khi đó, gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng gan nhiễm mỡ do các nguyên nhân khác như béo phì, tiểu đường, cholesterol máu cao.
Gan nhiễm mỡ do rượu
Khi uống quá nhiều rượu (lạm dụng rượu bia) có thể làm tổn thương gan và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo. Lúc này, gan không thể xử lý hết lượng chất béo cung cấp từ thức ăn làm tăng tích tụ chất béo ở gan. Ngoài ra, rượu bia còn làm tăng huy động mỡ từ các mô dự trữ.
Gan nhiễm mỡ không do rượu
Các nguyên nhân khác gây gan nhiễm mỡ:
- Béo phì: Những người bị béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh lý gan nhiễm mỡ.
- Tiểu đường: Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu rất phổ biến ở bệnh đái tháo đường tuýp 2, nguyên nhân có thể đến từ việc thiếu insulin làm tăng mỡ máu.
- Cholesterol cao: Khi có quá nhiều cholesterol trong máu, nó có thể tích tụ trong gan và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
- Nguyên nhân ít phổ biến hơn: tuyến giáp hoạt động kém, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc sử dụng thuốc có tác dụng phụ lên gan và quá trình chuyển hóa.
Triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, gan nhiễm mỡ có thể gây ra các triệu chứng như:
- Gan to ra, gây chướng bụng ở bên phải
- Mệt mỏi, chán ăn
- Khi gan bị tổn thương có thể gây vàng da, vàng mắt, nước tiểu có màu đậm do tích tụ bilirubin trong máu.
Biến chứng của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ do rượu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:
Xơ gan
Khi gan bị tổn thương, các tế bào gan sẽ bị thay thế bằng sợi collagen, dẫn đến việc gan bị sẹo và xơ cứng. Ngoài đau bụng, mệt mỏi, vàng da còn có thêm triệu chứng phù nề chân, ngứa da, xuất huyết tiêu hóa, lá lách to.
Suy gan
Suy gan là tình trạng gan không còn hoạt động bình thường. Khi gan bị tổn thương quá nặng, các tế bào gan sẽ không còn hoạt động được, dẫn đến suy giảm chức năng gan.
Ung thư gan
Gan nhiễm mỡ do rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan. Ung thư gan thường không gây ra triệu chứng trong giai đoạn đầu, khiến cho việc phát hiện và điều trị trở nên khó khăn.
Điều trị và phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, việc điều trị và phòng ngừa gan nhiễm mỡ có thể được thực hiện thông qua các biện pháp sau:
- Thay đổi lối sống: Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
- Giảm cân: Việc giảm cân ở những người béo phì sẽ giúp giảm nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.
- Kiểm soát tiểu đường và cholesterol: Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát các chỉ số ở mức tốt.
- Hạn chế uống rượu: Giảm làm tổn thương tế bào gan.
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp giảm lượng chất béo tích tụ trong gan hoặc điều trị các triệu chứng khác như tiểu đường hoặc cholesterol cao.
- Điều trị các biến chứng: Nếu người bệnh đã có các biến chứng xơ gan, ung thư gan, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như thuốc hoặc phẫu thuật.
Câu hỏi liên quan
Câu 1: Gan nhiễm mỡ nên ăn gì?
Bệnh nhân nên ăn nhiều chất xơ (rau xanh, yến mạch, trái cây), protein nạc, ăn chất béo lành mạnh có trong cá, dầu thực vật và các loại hạt.
Câu 2: Gan nhiễm mỡ nên kiêng gì?
Gan nhiễm mỡ nên kiêng dùng một số thực phẩm sau:
- Đường: Tránh ăn thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt,... làm tăng lượng đường trong máu.
- Rượu bia: Nguyên nhân chính gây ra các bệnh về gan.
- Thực phẩm chiên rán: Đây là những thực phẩm giàu chất béo và calo gây tích tụ mỡ thừa.
- Thịt đỏ: Giàu protein, phụ gia, muối làm tăng gánh nặng cho gan.
Câu 3: Gan nhiễm mỡ uống giải độc gan được không?
Có thể sử dụng. Gan khỏe mạnh có khả năng tự làm sạch, trong trường hợp người bệnh bị gan nhiễm mỡ, quá trình làm sạch, giải độc gan có thể bị ảnh hưởng. Một số thảo dược như kế sữa, nghệ, bồ công anh sẽ hỗ trợ gan hoạt động tốt, hạn chế tổn thương gan.
>> Xem thêm: Top 10 sản phẩm bổ gan, giải độc gan
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.