Hạ canxi máu
Hạ canxi máu là gì?
Hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp hơn mức bình thường (Giá trị bình thường trong khoảng 2,1 đến 2,6 mmol/L). Mọi lứa tuổi đều có khả năng bị hạ canxi máu, kể cả trẻ sơ sinh.
Canxi có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như co cơ, điều hòa nhịp tim, truyền tín hiệu thần kinh, giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương. Do đó, tụt canxi máu có thể làm cản trở chức năng bình thường của hầu hết các tế bào cơ thể, đặc biệt là tế bào thần kinh và cơ.
Nguyên nhân hạ canxi máu
Nguyên nhân gây hạ canxi máu có thể được chia thành 3 loại chính: thiếu PTH, PTH cao và các nguyên nhân khác.
Thiếu hụt PTH
Vai trò của PTH là tăng cường tái hấp thu xương và tái hấp thu canxi ở ống lượn xa. Bên cạnh đó, PTH cũng kích thích bài tiết phospho qua thận và quá trình chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động. Do đó, nồng độ PTH thấp làm ảnh hưởng quá trình điều hòa và tái hấp thu canxi, gây hạ canxi huyết.
Nguyên nhân nồng độ PTH thấp có thể do tuyến cận giáp bị phá hủy (sau phẫu thuật hoặc tự miễn dịch), suy tuyến cận giáp, cường cận giáp, ung thư tuyến cận giáp,...
Mức PTH cao
- Thiếu vitamin D tuyệt đối hoặc tương đối: Vitamin D giúp duy trì lượng canxi bình thường bằng cách tăng cường hấp thu canxi ở ruột và tái hấp thu xương. Kết quả là hạ canxi máu dẫn đến tăng tiết PTH để bù đắp (cường tuyến cận giáp thứ phát).
- Bệnh thận mãn tính: Làm suy giảm bài tiết phosphat và suy giảm quá trình chuyển hóa vitamin D, điều này cũng thúc đẩy bài tiết PTH. Do nồng độ phospho và canxi trong máu cao dẫn đến canxi huyết thanh thấp mặc dù PTH cao.
- Giả suy tuyến cận giáp (PHP): Rối loạn di truyền này gây ra sự đề kháng của cơ quan đích đối với hoạt động của PTH và được đặc trưng bởi hạ canxi máu, tăng phosphat máu và tăng nồng độ PTH.
Nguyên nhân khác
- Nhiễm toan/kiềm.
- Viêm tụy cấp.
- Nhiễm trùng huyết nặng.
- Chấn thương và sốc nặng.
- Hạ magie máu hoặc tăng magie máu.
- Tăng phosphat cấp tính.
- Sử dụng thuốc thải canxi (Citrate trong truyền máu), chất ức chế tiêu xương (bisphosphonates, calcitonin), thuốc làm giảm calci huyết (Foscarnet, Pentamidin) hoặc các loại thuốc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa vitamin D (Phenytoin, Ketoconazol).
- Truyền máu số lượng lớn.
- Mang thai.
- Đa u tủy xương, ung thư di căn xương.
- Hội chứng sốc độc tố
- Nhiễm COVID-19
Triệu chứng hạ canxi máu
Hạ canxi máu có thể phát triển từ không có triệu chứng ở mức độ nhẹ (2,00 đến 2,12 mmol/L) đến các triệu chứng cấp tính kích thích thần kinh cơ (< 1,9 mmol/L) như dị cảm ngón tay, ngón chân hoặc quanh miệng, tetany (cứng, co thắt cơ bắp), co thắt cổ tay, chuột rút cơ bắp.
Dấu hiệu hạ canxi máu
- Dấu hiệu Chvostek: Sự co giật của cơ mặt khi chạm vào dây thần kinh mặt phía trước tai, bên dưới vòm xương gò má.
- Dấu hiệu Trousseau: Sự uốn cong của ngón tay cái, cổ tay và các khớp bàn ngón tay khi duỗi các ngón tay khi máy đo huyết áp được bơm cao hơn huyết áp tâm thu trong 2 đến 3 phút.
- Co giật.
- Khoảng QT kéo dài có thể tiến triển thành rung tâm thất (VF) hoặc block tim.
- Co thắt thanh quản.
- Co thắt phế quản.
Với tình trạng hạ canxi máu kéo dài:
- Đục thủy tinh thể dưới bao.
- Phù nề.
- Răng bất thường.
- Vôi hóa lạc chỗ.
- Chứng mất trí và nhầm lẫn.
Chẩn đoán hạ canxi máu
Hạ canxi máu được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng và xét nghiệm nồng độ canxi trong máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây hạ canxi máu, chẳng hạn như:
- Chụp X-quang ngực
- Đo điện giải, nitơ urê máu (BUN), creatinine, phosphate, PTH, phosphatase kiềm, 25(OH)D và điện di miễn dịch protein huyết thanh.
- Đo canxi có bài tiết qua nước tiểu hay không
Điều trị hạ canxi máu
Điều trị hạ canxi máu tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do thiếu hụt vitamin D, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bổ sung vitamin D. Mặt khác nguyên nhân đến từ bệnh lý, bác sĩ sẽ điều trị bệnh lý đó.
Một số thuốc thường sử dụng cho tình trạng hạ canxi máu bao gồm:
- Canxi đường uống: Nếu có triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể kê các loại canxi đường uống cho bệnh nhân như Canxi Carbonat, Canxi Citrate, Canxi Lactate,... Liều dùng khoảng từ 1500-2000mg chia làm 2-3 lần mỗi ngày.
- Canxi tiêm tĩnh mạch: Dành cho bệnh nhân có triệu chứng nặng hoặc có khoảng QTC kéo dài.
- Thuốc bổ sung vitamin D: Calcitriol (đường uống), Calcifediol (Đường uống)
- Tiêm hormone tuyến cận giáp: Kiểm soát tình trạng hạ canxi huyết do suy tuyến cận giáp.
- Các loại thuốc khác: Kiểm soát triệu chứng hoặc điều trị nguyên nhân gây ra bệnh.
Phòng ngừa hạ canxi huyết
Vì canxi huyết gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nên việc phòng ngừa bệnh hoàn toàn là không thể. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt canxi trong chế độ ăn uống thướng không ảnh hưởng lượng canxi trong máu. Tuy nhiên vẫn cần ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm giàu canxi để phòng ngừa các bệnh lý về xương.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.