Hạ Đường Huyết: Dấu Hiệu, Triệu Chứng, Chẩn Đoán, Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Hạ đường huyết là gì?
  • Nguyên nhân hạ đường huyết
  • Triệu chứng hạ đường huyết
  • Chẩn đoán hạ đường huyết
  • Điều trị hạ đường huyết

Hạ đường huyết

- Ngày đăng:22/09/2023
Hạ đường huyết thường có các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan đến huyết áp, tai biến, máu não. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời. Cùng nhà thuốc uy tín 35 năm tìm hiểu ngay dấu hiệu, triệu chứng, cách xử trí khi hạ đường huyết thông qua bài viết bên dưới.
Mục lục
  • Hạ đường huyết là gì?
  • Nguyên nhân hạ đường huyết
  • Triệu chứng hạ đường huyết
  • Chẩn đoán hạ đường huyết
  • Điều trị hạ đường huyết

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là khi lượng glucose trong máu giảm xuống dưới mức có lợi cho sức khỏe. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, điều này có nghĩa là chỉ số đường huyết thấp hơn 3,9 mmol/l (<70 mg/dL). Nếu không được điều trị nhanh chóng có thể gây ra các tác hại nguy hiểm.

Nguyên nhân hạ đường huyết

Hạ đường huyết thường xảy ra trên những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 hoặc đái tháo đường tuýp 2 có sử dụng insulin hoặc sulfonylurea trong điều trị bệnh. Một số nguyên nhân thường gặp:

  • Ăn quá ít hoặc không ăn sau khi tiêm.
  • Tiêm quá liều hoặc sai loại insulin.
  • Người già, suy dinh dưỡng, hoạt động thể chất quá mức, uống rượu và các bệnh lý nền gan thận, suy thượng thận, rối loạn chức năng tuyến giáp cũng làm tăng nguy cơ gây hạ đường huyết khi sử dụng thuốc điều trị.

Đối với những trường hợp không mắc bệnh đái tháo đường, nguyên nhân có thể do:

  • Cơ thể giải phóng quá nhiều insulin sau ăn
  • Ăn uống không điều độ, thường xuyên bỏ bữa
  • Biến chứng thai kỳ
  • Cắt bỏ dạ dày

Nguyên nhân hạ đường huyết

Triệu chứng hạ đường huyết

Mức độ hạ đường huyết sẽ ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người, các dấu hiệu thường gặp của hạ đường huyết bao gồm cảm thấy đói, mệt mỏi, chóng mặt, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, người run rẩy, mặt tái nhợt. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở môi, lưỡi, má, cảm giác hồi hộp, lo lắng.

Nếu không được điều trị sẽ xuất hiện tình trạng mờ mắt, giảm khả năng tập trung, có các hành vi bất thường như nói lắp, tê và buồn ngủ. Glucose trong máu thấp quá lâu, làm não đói glucose, có thể dẫn đến co giật, hôn mê.

Ngoài ra, hạ đường huyết còn có thể xảy ra khi ngủ, một số triệu chứng:

  • Tỉnh giấc 
  • Gặp ác mộng hoặc khóc thét
  • Đổ mồ hôi đủ làm ướt quần áo hoặc ga trải giường
  • Cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc bối rối sau khi thức dậy.

Chẩn đoán hạ đường huyết

Phương pháp chẩn đoán hạ đường huyết dựa trên các triệu chứng lâm sàng được cải thiện sau khi bổ sung glucose, tuy nhiên một số bệnh nhân tuy hạ đường huyết nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành đo nồng độ Glucose trong máu.

Điều trị hạ đường huyết

Mục tiêu điều trị: Phát hiện sớm, điều trị kịp thời đưa đường nhanh chóng về mức bình thường, tránh làm tăng đường huyết.

"Quy tắc 15-15" áp dụng cho người lớn: Dùng một lượng thức ăn tương đương 15g carbohydrate ( 2-3 viên đường, 1/2 ly nước trái cây hoặc nước ngọt, 1 ly sữa, 5-6 viên kẹo, 1 thìa mật ong). Sau đó kiểm tra lại lượng đường sau 15 phút, nếu vẫn dưới 70 mg/dL, ăn một khẩu phần khác. Lặp lại cho đến khi lượng đường bình thường. Ngoài ra, hãy ăn một bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ để đảm bảo đường huyết không giảm trở lại.

Trường hợp hạ đường huyết làm bệnh nhân rơi vào tình trạng lú lẫn, co giật, hôn mê:

Xử lý tại nhà:

  • Trường hợp ngất, hôn mê: Đưa bệnh nhân về vị trí hồi phục, giúp đường thở thông thoáng. Không cho bất cứ thứ gì vào miệng bệnh nhân để tránh nghẹn.
  • Trường hợp co giật: ngăn bệnh nhân tự làm tổn thương họ, đưa họ tránh xa các vật nguy hiểm.
  • Gọi cấp cứu.
  • Nếu bệnh nhân tỉnh lại hoặc sau cơn co giật, có thể cho bệnh nhân dùng các thức ăn có đường.

Tại bệnh viện: Tiêm truyền tĩnh mạch đường glucose

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí và biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết, mời bạn đọc tham khảo thêm video bên dưới:

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng