Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu là tình trạng nồng độ cholesterol toàn phần, lipoprotein mật độ thấp (LDL), chất béo trung tính (Triglyceride) trong máu tăng cao và/hoặc nồng độ lipoprotein mật độ cao (HDL) giảm hơn mức bình thường.
Loại mỡ trong máu | Chỉ số bình thường | Chỉ số gây hại cơ thể |
Cholesterol toàn phần | Dưới 200 mg/dL (< 5,2 mmol/L) | Trên 240 mg/dL (< 6,2 mmol/L) |
LDL Cholesterol | Dưới 130 mg/dL (< 3,3 mmol/L) | Trên 160 mg/dL (< 4,1 mmol/L) |
HDL Cholesterol | Trên 50 mg/dL (> 1,3 mmol/L) | Dưới 40 mg/dL (< 1,0 mmol/L) |
Triglyceride | Dưới 160 mg/dL (< 2,2 mmol/L) | Trên 200 mg/dL (<2,3 mmol/L) |
Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu nguyên phát
- Nguyên nhân do di truyền (Thiếu hụt lipase axit lysosomal, rối loạn gen tổng hợp HDL-c,...) hoặc do đột biến gen (tăng tổng hợp hoặc giảm ly giải cholesterol, triglyceride, LDL-c)
- Chiếm tỉ lệ thấp, thường phát hiện sớm từ tuổi thiếu niên.
- Trong gia đình có nhiều người mắc rối loạn lipid và tuổi thọ thấp.
Rối loạn lipid máu thứ phát
- Vấn đề cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu.
- Ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có thể làm tăng mức cholesterol trong máu.
- Lười vận động: Ít vận động làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu.
- Bệnh lý: Người bị tiểu đường, suy giáp, hội chứng thận hư, HIV,... thường có nguy cao mắc rối loạn lipid máu.
- Tuổi tác: Nguy cơ rối loạn lipid máu tăng lên theo tuổi tác.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ rối loạn lipid máu cao hơn phụ nữ.
- Một số loại thuốc: Thuốc corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc ngừa thai,... có thể làm tăng mức cholesterol trong máu.
- Nguyên nhân khác: Rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng, thiếu ngủ.
Triệu chứng của rối loạn lipid máu
Ở giai đoạn đầu, rối loạn lipid máu thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Xuất hiện các vết u, nốt sần màu vàng (Xanthomas) ở khuỷa tay, đầu gối, bàn tay, mông.
- Ban vàng vùng quanh mắt, một số ít trường hợp gặp phải tình trạng mỡ máu võng mạc (mạch máu võng mạc có màu trắng hoặc kem).
- Đau ngực, khó thở, đánh trống ngực.
- Da vàng, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu.
- Mệt mỏi, suy nhược, ăn không ngon miệng.
- Buồn nôn, nôn.
Biến chứng rối loạn lipid máu
Nếu không được điều trị, rối loạn lipid máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Bệnh tim mạch: Rối loạn lipid có thể làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trong thành mạch máu (xơ vữa động mạch) thu hẹp động mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não và các cơ quan khác. Lâu dài dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, đau tim.
- Bệnh thận: Cholesterol cao có thể làm hỏng các mạch máu trong thận, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận, gây tổn thương thận và suy thận.
- Bệnh gan: Cholesterol cao có thể làm tích tụ chất béo trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.
- Đái tháo đường: Cholesterol cao có thể làm giảm khả năng sử dụng insulin của cơ thể, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
- Bệnh tuyến tụy: Triglyceride cao có thể kích hoạt tuyến tụy sản xuất quá nhiều enzyme, dẫn đến viêm tuyến tụy.
Chẩn đoán rối loạn lipid máu
Để chẩn đoán rối loạn lipid máu, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Kiểm tra sức khỏe: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và lối sống của bạn.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể đo mức cholesterol, chất béo trung tính và các chất béo khác trong máu.
- Các xét nghiệm khác: Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm khác để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như xét nghiệm điện tâm đồ, siêu âm tim.
Điều trị rối loạn lipid máu
Mục tiêu của điều trị rối loạn lipid máu là làm giảm mức cholesterol và chất béo trong máu, phòng ngừa biến cố tim mạch. Tùy theo tình trạng bệnh cụ thể (tăng cholesterol máu, tăng Triglyceride), tiền sử gia đình, độ tuổi và các bệnh lý liên quan mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm có:
- Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giảm cân có thể giúp làm giảm mức cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt.
- Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để làm giảm mức cholesterol và chất béo trong máu. Một số nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu phổ biến bao gồm statin, ezetimibe, niacin, fibrate.
>> Có thể bạn quan tâm: Review 10 sản phẩm giúp giảm mỡ máu và cholesterol hiệu quả
Phòng ngừa rối loạn lipid máu
Để phòng ngừa rối loạn lipid máu, bạn nên:
- Ăn uống lành mạnh: Ăn chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
- Hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy giảm cân đến mức cân nặng khỏe mạnh.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể làm tăng mức cholesterol trong máu.
- Hạn chế uống rượu bia: Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng mức chất béo trung tính trong máu.
- Quản lý căng thẳng: Căng thẳng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu. Học cách quản lý căng thẳng bằng các phương pháp như tập yoga, thiền hoặc dành thời gian cho sở thích yêu thích.
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu. Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện rối loạn lipid máu sớm và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.