Hội chứng gan thận
Hội chứng gan thận là gì?
Hội chứng gan thận là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh gan tiến triển (thường là xơ gan mất bù). Tình trạng này đặc trưng bởi lưu lượng máu đến thận giảm và chức năng lọc cầu thận suy giảm, dẫn đến tích tụ các chất độc trong máu và suy thận.
Nguyên nhân gây hội chứng gan thận
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng gan thận vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có nhiều yếu tố được cho là đóng vai trò:
- Giảm lưu lượng máu đến thận: Bệnh gan mạn tính có thể gây ra tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận và suy giảm chức năng thận theo thời gian.
- Co mạch thận: Tăng áp lực tĩnh mạch cửa cũng kích thích giải phóng các chất co mạch thận, như angiotensin II và noradrenaline, làm co mạch máu thận, giảm lưu lượng máu và chức năng lọc cầu thận.
- Độc tố trong máu: Những chất độc tích tụ trong máu do suy gan có thể trực tiếp làm tổn thương các tế bào thận.
- Nhiễm trùng thứ phát: Bệnh gan mạn tính thường làm suy giảm khả năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát, góp phần vào tình trạng suy thận.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như aminoglycoside và NSAID, nếu sử dụng kéo dài có thể gây ra độc tính thận, trầm trọng hơn ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính.
Yếu tố nguy cơ của hội chứng gan thận
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng gan thận bao gồm:
- Xơ gan mất bù
- Suy gan cấp
- Viêm gan do rượu
- Nhiễm trùng.
- Cổ trướng
- Xuất huyết dạ dày
- Huyết áp không ổn định.
Triệu chứng của hội chứng gan thận
Ngoài các triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn thì người mắc hội chứng gan có thể gặp phải một số triệu chứng liên quan đến bệnh gan tiến triển hoặc suy gan như:
- Da và mắt có màu vàng (vàng da) do có quá nhiều bilirubin trong máu
- Sự tích tụ chất lỏng bất thường ở bụng (cổ trướng)
- Dễ bị bầm tím và chảy máu
- Nhầm lẫn, mất phương hướng (bệnh não gan)
- Phân có màu sáng, nước tiểu sẫm màu
- Da ngứa
- Lách to
- Lượng nước tiểu ít trong trường hợp suy thận.
Chẩn đoán Hội chứng gan thận
Chẩn đoán hội chứng gan thận dựa trên tiền sử bệnh, khám sức khỏe và các xét nghiệm khác nhau để đánh giá chức năng gan, thận cũng như loại trừ các nguyên nhân khác gây suy thận. Một trong những xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán hội chứng gan thận là xét nghiệm creatinine huyết thanh. Xét nghiệm đo mức creatinine trong máu và kết quả phản ánh mức độ hoạt động của thận. Người mắc hội chứng gan thận sẽ có nồng độ creatinine trong máu cao bất thường.
Điều trị hội chứng gan thận
Bệnh gan là nguyên nhân gốc rễ gây ra hội chứng gan thận, do đó ghép gan là phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể áp dụng biện pháp này vì thời gian sống ngắn và thiếu người hiến tặng.
Trong quá trình chờ đợi ghép gan, tùy theo tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ áp dụng thêm một số biện pháp nhằm phục hồi và bảo tồn chức năng thận như:
- Truyền dịch tĩnh mạch để điều trị mất cân bằng điện giải
- Ngừng sử dụng thuốc lợi tiểu để tránh gây mất dịch
- Dùng kháng sinh để điều trị bất kỳ bệnh nhiễm trùng liên quan
- Chọc dịch và truyền albumin trong trường hợp cổ trướng
- Chạy thận nhân tạo để loại bỏ chất độc và chất lỏng dư thừa khỏi máu
- Sử dụng thuốc co mạch (terlipressin, midodrine, octreotide hoặc noradrenline) để làm giảm các mạch máu giãn nở bất thường, tăng lưu lượng máu đến thận.
- Shunt cửa chủ trong gan xuyên tĩnh mạch cảnh (TIPS) giúp cải thiện chức năng thận.
Phòng ngừa Hội chứng gan thận
Không có biện pháp phòng ngừa cụ thể nào được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa hội chứng gan thận. Tuy nhiên, một số biện pháp có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh gan và giảm nguy cơ mắc hội chứng gan thận, bao gồm:
- Hạn chế uống rượu bia.
- Tiêm phòng viêm gan A và B.
- Tránh dùng thuốc gây độc cho thận.
- Theo dõi chức năng thận thường xuyên.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.