Hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping là gì?
Hội chứng Dumping là tập hợp các triệu chứng xảy ra khi dạ dày đưa thức ăn nhanh chóng xuống ruột non. Việc đưa một lượng thức ăn kém tiêu hóa xuống ruột non sẽ gây đầy bụng, đau quặn bụng và tiêu chảy. Bên cạnh đó, nó cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Các triệu chứng có thể xuất hiện sớm 10 đến 30 phút sau ăn hoặc muộn từ 1 giờ đến 3 giờ. Trường hợp bình thường, hội chứng Dumping không ảnh nguy hiểm và đe dọa tính mạng, nhưng có thể gây giảm cân nhanh chóng và thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Nguyên nhân hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping là một biến chứng sau phẫu thuật dạ dày hoặc thực quản. Các phẫu thuật này nhằm điều trị loét dạ dày, béo phì, ung thư thực quản, ung thư dạ dày và các bệnh khác. Khoảng 20-30% người sau phẫu thuật cắt dạ dày mắc phải hội chứng này.
Bình thường dạ dày sẽ đưa thức ăn từ từ và có kiểm soát xuống ruột non. Tuy nhiên, sau phẫu thuật làm giảm kích thước dạ dày gây lên một số tình trạng mất kiểm soát sự phối hợp giữa các cơ, dây thần kinh và hormone, dạ dày chưa kịp tiêu hóa thức ăn đã mở môn vị, đưa thức ăn xuống ruột non.
Triệu chứng hội chứng Dumping
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Dumping thường chia làm hai giai đoạn gồm giai đoạn sớm và giai đoạn muộn dựa trên thời điểm xảy ra. Một số người có cả dấu hiệu và triệu chứng sớm và muộn.
Giai đoạn sớm: Thường diễn ra từ 10 đến 30 phút sau ăn những bữa ăn giàu đường đơn (fructose), đường đôi (sucrose). Xảy ra khi một lượng thức ăn đột ngột đưa tới ruột. Nó sẽ cố gắng điều chỉnh và thích ứng bằng cách tiết thêm dịch tiêu hóa và giải phóng hormon. Một lượng chất lỏng dư thừa gây nên tình trạng đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn và chuột rút bụng do tích tụ khí. Bên cạnh đó, để hấp thu lượng lớn thức ăn, tim sẽ hoạt động nhiều hơn, tăng nhịp tim để tăng lượng máu cho tiêu hóa. Kéo theo một số trường hợp không đủ máu cho não gây lên tình trạng tụt huyết áp sau ăn với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt.
Giai đoạn muộn: Diễn ra sau ăn từ 1 giờ đến 3 giờ, xuất hiện tình trạng hạ đường huyết sau ăn. Nguyên nhân là do gia tăng lượng tinh bột và đường trong ruột dẫn đến đường hấp thu vào máu tăng lên. Tuyến tụy phải tiết insulin để di chuyển đường từ máu vào tế bào. Với lượng insulin tăng thêm này khiến đường trong máu giảm xuống.
Để khắc phục tình trạng tụt đường huyết này, cơ thể sẽ tiết ra adrenalin ức chế tiết insulin, làm tim đập nhanh, người bệnh sẽ đổ mồ hôi, mặt đỏ bừng, hoa mắt, chóng mặt.
Chẩn đoán hội chứng Dumping
Khám lâm sàng: dựa trên các triệu chứng xuất hiện sau ăn, tiền sử bệnh nhân từng cắt bỏ dạ dày hoặc thực quản.
Xét nghiệm chẩn đoán:
- Thử nghiệm làm rỗng dạ dày: thêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào bữa ăn, theo dõi quá trình di chuyển của thức ăn thông qua máy quét đặc biệt.
- Nội soi: kiểm tra hệ thống thực quản, dạ dày và tá tràng, xem xét các vấn đề về cấu trúc.
- Chụp X-quang: cho người bệnh uống thêm dung dịch cản quang để quan sát được đường đi chuyển của dung dịch diễn ra nhanh như thế nào.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: đo lượng đường trong máu của trước và sau một đến ba giờ khi bạn uống dung dịch glucose xem có tình trạng giảm hay không.
- Xét nghiệm hơi thở hydro: kiểm tra nồng độ hydro trong hơi thở sau khi uống dung dịch glucose, nếu kết quả dương tính chứng tỏ glucose không được hấp thụ tốt trong ruột non.
Điều trị hội chứng Dumping
Đa phần người bệnh có thể điều trị hội chứng Dumping thành công bằng việc thay đổi chế độ ăn uống. Một số các triệu chứng nghiêm trọng không đáp ứng với chế độ ăn kiêng sẽ sử dụng thuốc. Nếu tất cả các phương pháp điều trị đều không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Thay đổi chế độ ăn uống
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, thay vì ăn ba bữa lớn có thể chia ra thành 5 đến 6 bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ.
- Tránh sử dụng đường đơn, carbohydrate và các sản phẩm từ sữa. Thay vào đó có thể sử dụng đồ ăn,thức uống không đường, các loại thức ăn giàu protein và chất béo lành mạnh, giàu chất xơ để làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Nằm ngửa 30 phút sau ăn: làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, duy trì huyết áp ổn định.
- Không dùng thức uống đặc biệt là cà phê, rượu bia trong vòng 30 phút trước hoặc sau ăn.
- Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung thêm các chất cần thiết khác.
Điều trị bằng thuốc
- Octreotide với tác dụng làm chậm quá trình rỗng của dạ dày, ngăn chặn giải phóng insulin. Thuốc gây một số tác dụng phụ như thay đổi lượng đường trong máu, buồn nôn, đau vị trí tiêm, phân có mùi hôi.
- Một loại thuốc khác là Acarbose, thuốc này kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách làm chậm tốc độ cơ thể bạn hấp thụ carbohydrate, giảm hạ đường huyết trong giai đoạn muộn.
- Các loại thuốc đều ảnh hưởng đến đường huyết trong cơ thể và gây một số tác dụng phụ, vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phẫu thuật
Phẫu thuật hiếm khi được sử dụng. Phương pháp này dùng để tái tạo hoặc sửa đổi một phần dạ dày với mục đích hoạt động tốt hơn.
Phòng ngừa hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping ảnh hưởng lên những người sau phẫu thuật cắt dạ dày. Không có cách nào để phòng ngừa bệnh. Mặc dù vậy, thực hiện một số thay đổi chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thực hiện thay đổi lối sống
Thực hiện thay đổi lối sống là một trong những cách đơn giản nhất để giảm nguy cơ phát triển hội chứng Dumping. Điều này bao gồm việc tăng cường hoạt động thể chất và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.
Kiểm soát cân nặng
Việc kiểm soát cân nặng có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng Dumping. Nếu bạn bị thừa cân hoặc béo phì, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về các phương pháp giảm cân an toàn và hiệu quả.
Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh
Điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn để bao gồm nhiều protein và chất xơ và ít đường và tinh bột có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng Dumping.
Điều trị các bệnh liên quan
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh dạ dày, điều trị các bệnh này có thể giúp giảm nguy cơ phát triển hội chứng Dumping.
Tuân thủ chỉ đạo của bác sĩ
Nếu bạn đã phẫu thuật hoặc đang trong quá trình điều trị các vấn đề liên quan đến dạ dày hoặc tiêu hóa, tuân thủ các chỉ đạo của bác sĩ là rất quan trọng để giảm nguy cơ phát triển hội chứng Dumping.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.