Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là gì?
Loét dạ dày tá tràng là một tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng xuất hiện các vết loét hình tròn hoặc bầu dục, đáy nhẵn. Bệnh gặp phổ biến ở lứa tuổi trung niên.
Nguyên nhân loét dạ dày tá tràng
Cơ chế loét dạ dày tá tràng đến từ sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và các yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng này bao gồm có:
- Vi khuẩn Helicobacter pylori
- Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài hoặc sử dụng các loại thuốc khác như Corticosteroid, Bisphosphonates, Kali clorua và Fluorouracil.
- Bệnh Crohn
- Hội chứng Zollinger-Ellison
- Hút thuốc lá
- Uống rượu bia
- Căng thẳng
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
Triệu chứng của loét dạ dày tá tràng
Trong một số trường hợp vết loét nhỏ thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và tự khỏi theo thời gian. Đại đa số người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng điển hình nhất của bệnh loét dạ dày tá tràng là đau bụng âm ỉ. Cơn đau thường tập trung ở vùng bụng trên rốn và dưới xương sườn. Đau do loét dạ dày có thể nặng hơn khi đói hoặc sau khi ăn, còn loét tá tràng không gây đau khi ăn.
Ngoài ra, bệnh loét dạ dày tá tràng còn có thể gây ra các triệu chứng khác như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, đầy hơi, chướng bụng, chán ăn, sút cân, mệt mỏi, đi ngoài ra máu.
Biến chứng của loét dạ dày tá tràng
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Xuất huyết đường tiêu hóa.
- Thủng dạ dày gây nhiễm trùng ổ bụng đe dọa tính mạng.
- Hẹp môn vị gây cản trở thức ăn đi vào ruột.
- Tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Chẩn đoán loét dạ dày tá tràng
Để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, khám thực thể và có thể yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:
- Nội soi dạ dày tá tràng: Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất, trong đó bác sĩ sử dụng một ống nội soi được đưa vào dạ dày và tá tràng để quan sát trực tiếp niêm mạc, trong một số trường hợp có thể lấy mẫu sinh thiết nếu cần.
- X-quang thực quản cản quang với Barium khi nuốt: Chẩn đoán các vấn đề về cấu trúc hoặc chức năng của đường tiêu hóa trên
- Xét nghiệm Helicobacter pylori: Xét nghiệm máu, xét nghiệm hơi thở ure, xét nghiệm kháng nguyên trong phân.
Điều trị loét dạ dày tá tràng
Mục tiêu điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng là làm lành vết loét và ngăn ngừa tái phát. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của loét.
Điều trị dùng thuốc
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Các loại thuốc này giúp giảm lượng axit sản xuất trong dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lành vết loét.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng để diệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori, nếu đó là nguyên nhân gây bệnh.
- Thuốc kháng axit: Thuốc kháng axit giúp trung hòa axit trong dạ dày, làm giảm đau và khó chịu.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Các loại thuốc này tạo ra một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp chống lại tác động của axit và các chất kích thích khác.
Thay đổi lối sống
Bên cạnh dùng thuốc, người bệnh nên kết hợp thêm lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các thực phẩm không tốt cho dạ dày (đồ ăn cay nóng, giàu chất béo, khó tiêu hóa,...) để gia tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật có thể cần thiết để cắt bỏ phần dạ dày hoặc tá tràng bị loét.
Phòng ngừa loét dạ dày tá tràng
Để ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Sử dụng thuốc NSAID theo hướng dẫn của chuyên gia y tế, tránh lạm dụng trong thời gian dài.
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, đồ uống có chứa caffein.
- Ăn chậm nhai kỹ, hạn chế ăn đồ ăn cay, nóng.
- Không vận động mạnh sau ăn.
- Giải tỏa căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.