Liệt Dây Thần Kinh Số 6: Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Cách Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Liệt dây thần kinh số 6 là gì?
  • Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 6
  • Triệu chứng liệt dây thần kinh số 6
  • Mắt lệch (lác mắt)
  • Nhìn đôi
  • Các triệu chứng khác
  • Sử dụng thuốc
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật
  • Các biện pháp tự chăm sóc

Liệt dây thần kinh số 6

- Ngày đăng:15/04/2024
Liệt dây thần kinh số 6 có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các vấn đề sức khỏe thông thường đến những bệnh lý nghiêm trọng như xuất huyết não, đột qụy. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh, mời bạn đọc theo dõi các phần tiếp theo của bài viết này.
Mục lục
  • Liệt dây thần kinh số 6 là gì?
  • Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 6
  • Triệu chứng liệt dây thần kinh số 6
  • Mắt lệch (lác mắt)
  • Nhìn đôi
  • Các triệu chứng khác
  • Sử dụng thuốc
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật
  • Các biện pháp tự chăm sóc

Liệt dây thần kinh số 6 là gì?

Dây thần kinh số 6 (dây thần kinh vận nhãn ngoài) là dây thần kinh sọ não chịu trách nhiệm kiểm soát các cử động của mắt (nhìn sang bên phải, trái, lên và xuống). Liệt dây thần kinh số 6 là tình trạng dây thần kinh này bị tổn thương hoặc hư hỏng, làm gián đoạn chuyển động và sự liên kết của mắt.

Bất kỳ ai cũng có thể bị liệt dây thần kinh số 6, tuy nhiên người lớn (đặc biệt sau 50 tuổi) thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn trẻ em.

Liệt dây thần kinh số 6 là gì

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 6

Trong một số trường hợp, liệt dây thần kinh số 6 là vô căn, nghĩa là bệnh xảy ra không có nguyên nhân cụ thể. Còn lại đa phần sẽ đến từ một trong số các nguyên nhân dưới đây:

  • Chấn thương đầu: Đặc biệt là ở vùng gần mắt hoặc não (chấn thương sọ não, vỡ xương sọ) có thể gây ra tổn thương cho dây thần kinh số 6 và dẫn đến tình trạng liệt.
  • Nhiễm trùng: Viêm màng não do virus hoặc vi khuẩn cũng có thể gây tổn thương cho dây thần kinh số 6 và dẫn đến tình trạng liệt.
  • Bệnh về mạch máu: Thiếu máu não mạch máu nhỏ, đột quỵ, phình động mạch não, xuất huyết nội sọ có thể làm tổn thương dây thần kinh số 6.
  • Tình trạng toàn thân, viêm và trao đổi chất: Bệnh tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, bệnh đa xơ cứng, lupus, hội chứng Wernicke-Korsakoff, bệnh tuyến giáp,... cũng có thể gây ra chứng liệt dây thần kinh số 6.
  • Rối loạn máu, ung thư và khối u: Bệnh bạch cầu, khối u não, ung thư hạch, ung thư di căn lên não có thể làm tăng áp lực bên trong hộp sọ. Điều này khiến các mô não xung quanh đè lên và gây tổn thương.
  • Nguyên nhân khác: Ngoài ra, một số bệnh lý như đau nửa đầu, tăng huyết áp nội sọ vô căn, não úng thủy, rò rỉ dịch não tủy (CSF) ... cũng có thể gây ra liệt dây thần kinh số 6 trong một số trường hợp đặc biệt. Hoặc trong trường hợp chọc dò tủy sống, gây tê ngoài màng cứng, phẫu thuật não hoặc xạ trị làm tổn thương dây thần kinh số 6.

Triệu chứng liệt dây thần kinh số 6

Liệt dây thần kinh số 6 có thể gây ra một loạt các triệu chứng đặc biệt liên quan đến chức năng của mắt và các cơ xung quanh. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến mà người bệnh có thể gặp khi mắc phải tình trạng này:

Mắt lệch (lác mắt)

Một mắt nhìn theo hướng khác với mắt còn lại, những người xung quanh có thể quan sát được điều này.

Nhìn đôi

Một trong những triệu chứng chính của liệt dây thần kinh số 6 là nhìn đôi hay song thị (nhìn thấy hai hình ảnh của một vật thể). Điều này có thể làm cho hình ảnh trở nên mờ mịt hoặc không rõ ràng, gây ra khó khăn trong việc nhìn thấy một cách chính xác.

Triệu chứng liệt dây thần kinh số 6

Các triệu chứng khác

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng kèm như:

  • Đau nhức quanh mắt
  • Đau đầu
  • Mờ mắt tạm thời khi đột ngột di chuyển
  • Sụp mi mắt
  • Mất thị lực
  • Mất thính giác
  • Tê mặt và miệng
  • Buồn nôn hoặc nôn

Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 6

Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 6 là bước quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và lập kế hoạch điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán thông thường được sử dụng:

  • Lâm sàng: Triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải (nhìn đôi, mắt lệch,...), thời điểm phát hiện bệnh, tiền sử bệnh.
  • Khám mắt: Kiểm tra thị lực, đo nhãn áp, đo thị trường và đo độ lồi của mắt, kiểm tra khả năng của chuyển động của mắt, soi đáy mắt kiểm tra các vấn đề mạch máu,...
  • Xét nghiệm: Siêu âm mắt, chụp X-quang, chụp cắt lớp CT hoặc MRI, điện cơ đồ (EMG) , chọc dò thắt lưng, xét nghiệm máu.

Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 6

Điều trị liệt dây thần kinh số 6

Điều trị liệt dây thần kinh số 6 phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong một số trường hợp, liệt dây thần kinh số 6 có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, cần phải điều trị để cải thiện chức năng mắt. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

Sử dụng thuốc

Thuốc men có thể được sử dụng để điều trị các nguyên nhân cơ bản của liệt dây thần kinh số 6. Trong trường hợp liệt dây thần kinh số 6 được gây ra bởi nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra nhiễm trùng và giảm thiểu các triệu chứng liên quan

Hoặc Corticosteroid được sử dụng để giảm viêm và phản ứng miễn dịch trong các trường hợp liệt dây thần kinh số 6 do viêm. Đôi khi bác sĩ có thể chỉ định tiêm OnabotulinumtoxinA (Độc tố botulinum) để làm tê liệt tạm thời cơ ở phía bên kia của mắt và giúp căn chỉnh mắt ở người có chứng lác mắt.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể được sử dụng để cải thiện phạm vi chuyển động của mắt và tăng cường các cơ xung quanh mắt.

Phẫu thuật

Trong trường hợp liệt dây thần kinh số 6 được gây ra bởi một khối u ác tính hoặc lành tính, phẫu thuật hoặc hóa trị liệu có thể được áp dụng để loại bỏ hoặc giảm kích thước của khối u và giảm áp lực lên dây thần kinh.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật lác mắt trong trường hợp một hoặc cả hai mắt hướng ra ngoài về phía tai, một hoặc cả hai mắt hướng vào trong mũi, một mắt hướng lên trên hoặc xuống dưới so với mắt còn lại, nhược thị, rung giật nhãn cầu.

Các biện pháp tự chăm sóc

Ngoài phương pháp điều trị trên, có một số biện pháp tự chăm sóc mà người bệnh có thể thực hiện để giúp cải thiện các triệu chứng liệt dây thần kinh số 6, bao gồm:

  • Nghỉ ngơi nhiều giúp giảm căng thẳng cho mắt và cải thiện chức năng mắt.
  • Che một mắt có thể giúp giảm nhìn đôi và cải thiện chức năng mắt.
  • Đeo kính chỉnh thị có thể giúp cải thiện thị lực và giảm mệt mỏi mắt.
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng chói khiến mắt khó chịu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 6

Mặc dù không có cách nào nào có thể ngăn ngừa được bệnh lý này, tuy nhiên việc kiểm soát một số yếu tố nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh số 6 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:

  • Trang bị các thiết bị bảo vệ đầu: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đeo các thiết bị bảo vệ đầu và mặt trong quá trình lao động sản xuất, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro gây chấn thương đầu.
  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một trong những yếu tố chính gây ra đột quỵ và liệt dây thần kinh số 6. Bằng cách duy trì mức huyết áp trong giới hạn bình thường, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và hệ tuần hoàn, từ đó giảm nguy cơ đột quỵ và các vấn đề liên quan.
  • Giảm cân: Béo phì có thể tăng áp lực lên hệ tuần hoàn và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ. Giữ cân nặng ở mức lý tưởng là một phần quan trọng của phòng ngừa.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống giàu rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo không bão hòa lành mạnh có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Kiểm soát sức khỏe định kỳ: Thăm bác sĩ định kỳ để kiểm tra sức khỏe, đo lường các chỉ số sức khỏe cơ bản như huyết áp, cholesterol và đường huyết.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng