Tê bì chân tay
Tê bì chân tay là gì?
Tê bì chân tay là tình trạng tê, mất cảm giác hoặc châm chích, ngứa ran ở các đầu ngón tay, ngón chân, bàn chân, cánh tay. Điều này có thể xảy ra ở tư thế ngủ gây áp lực lên thần kinh (ngủ đè lên cánh tay), do máu lưu thông kém hoặc các bệnh lý tiềm ẩn.
Nguyên nhân tê bì chân tay
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê bì tay chân, trong đó có thể kể đến:
Nguyên nhân thần kinh
- Tổn thương thần kinh ngoại biên: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tê bì tay chân. Tổn thương có thể do chấn thương, áp lực liên tục hoặc chèn ép thần kinh.
- Bệnh lý thần kinh trung ương: Các bệnh lý như đột quỵ, chấn thương não hoặc tủy sống có thể dẫn đến tổn thương thần kinh trung ương, gây tê bì tay chân.
Nguyên nhân tuần hoàn
- Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): Bệnh lý này khiến cho các động mạch ngoại biên bị thu hẹp, dẫn đến lưu thông máu kém đến tay và chân. Hầu hết bệnh nhân PAD đều có thể gặp phải các triệu chứng tê chân khi nghỉ ngơi, ngứa ran, mỏi cơ chân, đau dữ dội khi nâng chân.
- Bệnh Raynaud: Các mạch máu ở ngón tay và ngón chân bị co thắt khi tiếp xúc với lạnh hoặc căng thẳng.
Nguyên nhân khác
Thiếu vitamin B12, kali, canxi hoặc natri, chấn thương, áp lực khi mang giày chật, tư thế ngủ không đúng, bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường, thoát vị đĩa đệm cột sống,... đều có thể dẫn đến tê bì chân tay.
Triệu chứng của tê bì chân tay
Triệu chứng của tê bì tay chân có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Tê buốt: Cảm giác như có kim châm chích vào tay chân.
- Ngứa ran: Cảm giác như có kiến bò trên da.
- Mất cảm giác: Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác ở tay chân.
- Yếu cơ: Khó khăn khi cử động hoặc cầm nắm đồ vật.
- Đau nhức: Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở tay chân.
Nếu như tê bì chân tay xảy ra trong một thời gian dài và/hoặc kèm theo bất kỳ triệu chứng như co thắt cơ bắp, phát ban, đau nặng hơn,... thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Tác động của tê bì chân tay
Tê bì tay chân không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng. Một số tác động có thể kể đến như:
- Giảm khả năng vận động: Tê bì tay chân có thể khiến việc cử động, cầm nắm đồ vật trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hằng ngày.
- Rối loạn giấc ngủ: Tê bì tay chân vào ban đêm có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn, gây mệt mỏi vào ngày hôm sau.
- Thay đổi tâm trạng: Tình trạng tê bì tay chân dai dẳng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, gây căng thẳng, lo lắng và trầm cảm.
- Tăng nguy cơ tai nạn: Trong một số trường hợp, tê bì tay chân có thể khiến người bệnh mất cảm giác ở tay chân, tăng nguy cơ bị thương hoặc tai nạn.
Chẩn đoán tê bì chân tay
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây tê bì tay chân, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, kiểm tra sức khỏe tổng quát và làm các xét nghiệm cần thiết. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp xác định tình trạng thiếu vitamin B12 hoặc các bệnh lý tiềm ẩn.
- Điện cơ: Xét nghiệm này giúp kiểm tra hoạt động của dây thần kinh và cơ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có thể giúp phát hiện các tổn thương ở não, tủy sống hoặc dây thần kinh.
- Chụp mạch máu: Chụp mạch máu có thể giúp phát hiện các vấn đề về mạch máu, như bệnh động mạch ngoại biên hoặc bệnh Raynaud.
Điều trị tê bì tay chân
Phương pháp điều trị tê bì tay chân tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
Điều trị nguyên nhân
Điều trị nguyên nhân gây tê bì tay chân là phương pháp hiệu quả nhất. Ví dụ, nếu tê bì tay chân do hội chứng ống cổ tay, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật giải phóng ống cổ tay.
Thuốc
Một số loại thuốc có thể giúp giảm tê bì tay chân như thuốc giảm đau (Paracetamol), thuốc chống viêm (NSAIDS, thuốc chống viêm chứa steroid), thuốc giãn mạch, thuốc chống trầm cảm để điều trị chứng đau cơ xơ hóa.
Phương pháp điều trị thay thế
Một số biện pháp điều trị thay thế phổ biến bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Giúp phục hồi khả năng sử dụng bàn tay, cổ tay, bàn chân, giảm đau và tê.
- Châm cứu: Là một phương pháp y học cổ truyền có thể giúp giảm đau và cải thiện lưu thông máu.
- Massage: Giảm đau cơ, giảm cảm giác tê ở chân tay, giảm căng thẳng.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Tập thể dục thường xuyên, giảm cân, bỏ hút thuốc có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm tê bì tay chân. Với các trường hợp chân thương có thể chườm lạnh để giảm đau hoặc tê.
Phòng ngừa tê bì chân tay
Để ngăn ngừa tê bì chân tay, cần duy trì tuần hoàn tốt bằng cách tập thể dục thường xuyên, giãn cơ, nghỉ ngơi thường xuyên trong thời gian ngồi hoặc đứng kéo dài. Bên cạnh đó, cần tránh các tư thế gây áp lực lên thần kinh và chú ý nhiều hơn đến sức khỏe cột sống. Khi cột sống lệch có thể gây áp lực lên dây thần kinh, gây tê và nhiều triệu chứng khác.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.