Mẹ bầu ăn gì cho con khỏe mạnh, thông minh?
Xem nhanh
- 4 nguyên tắc ăn uống “vàng” cho mẹ bầu
- 1. Chia nhỏ bữa ăn
- 2. Ăn đa dạng, đủ chất
- 3. Uống đủ nước
- 4. Nhai chậm, nhai kỹ
- Những thức ăn phù hợp cho bà bầu
- Mẹ bầu không nên ăn gì?
- Một số thói quen ăn uống có hại cho mẹ và bé mẹ nên tránh
4 nguyên tắc ăn uống “vàng” cho mẹ bầu
1. Chia nhỏ bữa ăn
Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ: trong giai đoạn mang thai các mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn hàng ngày thành 6 bữa: 3 bữa chính + 3 bữa phụ. Việc chia nhỏ bữa ăn không chỉ giúp cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho thai nhi mà còn giúp mẹ khắc phục tình trạng nghén, kén ăn trong những tháng đầu và kiểm soát được cân nặng trong những tháng tiếp theo.
2. Ăn đa dạng, đủ chất
Giai đoạn này không phải mẹ ăn cho mình mẹ nữa mà là ăn cho hai người. Vì vậy mẹ cần ăn uống đủ chất và nhiều hơn bình thường, đặc biệt là ở các tháng cuối, để đảm bảo sức khỏe của mẹ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi và dự trữ năng lượng tạo sữa nuôi con sau này. Mẹ cần ăn đủ 4 nhóm thức ăn: Bột đường, chất đạm, chất béo và không thể thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
3. Uống đủ nước
Nước là thành phần không thể thiếu trong cơ thể mỗi con người. Đối với các mẹ mang bầu nước đôi khi biện pháp cứu cánh cho cơn đói làm phiền, nước sẽ ngăn chặn được cảm giác đói và thèm ăn. Mẹ có thể uống nước lọc, nước canh, nước hoa quả để tốt cho thai nhi mà không lo tăng cân.
4. Nhai chậm, nhai kỹ
Do những thay đổi hoocmon trong giai đoạn thai kỳ khiến phụ nữ có cảm giác nhanh đói hơn. Vì thế, thay vào việc ăn nhanh, ăn vội, vừa ăn vừa xem điện thoại các mẹ bầu nên ăn ở không gian yên tĩnh, ăn chậm, nhai kỹ để có cảm giác no lâu và tốt cho dạ dày. Thói quen này còn kiềm chế mẹ ăn nhiều hơn, tạo cảm giác ngon miệng trong suốt bữa ăn.
Những thức ăn phù hợp cho bà bầu
- Nhóm thức ăn cung cấp năng lượng dồi dào cho mẹ: Gạo, bột mì, đường, dầu – mỡ
- Nhóm thức ăn giúp hình thành và phát triển thai nhi: Thịt, trứng, sữa, tôm, cua, cá và các nguồn đạm thực vật như đậu hạt, vừng, lạc sẽ cung cấp các chất đạm và chất béo.
- Nhóm thức ăn giàu vitamin và muối khoáng giúp bé phát triển và mẹ khỏe mạnh: Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, sữa, đậu tương tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi.
Mẹ cũng nên nắm được các thành phần quan trọng: Sắt, kẽm, axit folic, vitamin C có trong những thực phẩm nào để bổ sung hàng ngày:
- Sắt có nhiều trong thịt đỏ, cá, trứng, sữa, đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm, sẽ tham gia vào quá trình tạo máu. Ngoài việc sử dụng các món ăn giàu sắt mẹ nên bổ sung thêm viên sắt hoặc vitamin tổng hợp cho bà bầu vì sắt bổ sung từ nguồn thức ăn thường không đáp ứng được nhu cầu rất lớn trong quá trình mang thai của mẹ.
- Kẽm trong thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là ốc, hến, ngao, trai sẽ tham gia vào quá trình phát triển chiều cao cao của trẻ từ trong bào thai và tăng khả năng miễn dịch cho trẻ.
- Axit folic có nhiều trong trái cây, rau xanh, trứng tham gia tạo máu, hình thành ống thần kinh, phòng ngừa dị tật ống thần kinh cho bé. Cùng với việc ăn các loại thức ăn nói trên, mẹ cần bổ sung axit folic trong thời kỳ mang thai.
- Vitamin C có trong trái cây (táo, đu đủ) và rau xanh (rau muống, rau ngót...) làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ thực phẩm, phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
>> Bà bầu nên ăn quả gì và không nên ăn quả gì??
Mẹ bầu không nên ăn gì?
- Không nên sử dụng một số loại củ, quả mọc mầm (như khoai tây) vì chứa nhiều chất độc.
- Không nên ăn một số loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: tiết canh, thịt, cá tái sống, sushi thực phẩm quá hạn sử dụng, chưa qua tiệt trùng vì chúng có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
- Các sản phẩm sữa, bơ, phomat chưa qua tiệt trùng. Không giống như nhiều mầm bệnh do thực phẩm khác, Listeria - một loài vi khuẩn gây sẩy thai - có thể phát triển ở nhiệt độ trong tủ lạnh. Vì lý do này, phụ nữ mang thai nên tránh những loại thịt dễ bị hỏng và phải lưu trữ trong tủ lạnh như thịt nguội và xúc xích. Nếu vẫn muốn ăn thịt nguội và xúc xích, mẹ nên nấu chín, hấp hoặc nướng trước khi dùng.
- Sò, ốc, hàu sống là có thể nguồn ký sinh trùng và vi khuẩn. Do đó, mẹ nhớ phải nấu hàu, trai và hến chín cho đến khi vỏ mở, nếu không mở thì bạn không nên dùng.
Một số thói quen ăn uống có hại cho mẹ và bé mẹ nên tránh
- Giảm lượng muối ăn: Thực đơn ăn uống mẹ nên chú ý đến lượng muối, vì ăn nhiều muối sẽ dẫn đến huyết áp cao và phù, không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Không nên hoặc hạn chế sử dụng các loại cá có nguy cơ chứa thủy ngân cao (cá thu, cá mập, cá kiếm...) vì thủy ngân nhiễm trong cá nếu tích lũy quá nhiều có thể gây tổn thương đến não của thai nhi.
- Đồ uống có ga, cafein, cocain là những thành phần có hại với phôi thai, có khả năng sẽ gây sảy thai. Ngoài ra cafein có thể làm phá vỡ các vitamin dẫn đến việc thiếu vitamin B1 biểu hiện là mệt mỏi, chán ăn, táo bón. Cafein kìm hãm sự hấp thu của sắt và kẽm làm giảm sự hấp thu của sắt và kẽm, làm nặng hơn tình trạng thiếu máu của phụ nữ có thai. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý hạn chế sử dụng các chất kích thích: ớt, hạt tiêu, thức ăn chế biến công nghiệp trong thời gian mang thai.
Giai đoạn mang thai, những gì mình bổ sung vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Một chế độ ăn uống nhiều vitamin C, chất đạm, chất béo lành mạnh, sữa ít béo và ngũ cốc nguyên hạt là điều cần thiết để hỗ trợ sợ phát triển của mỗi cơ quan bao gồm cả não. Mẹ cũng nên lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để an toàn cho mẹ và bé.