Mãn kinh sớm
Mãn kinh sớm là gì?
Mãn kinh sớm được định nghĩa là suy buồng trứng trước 40 tuổi. Mãn kinh sớm có thể là kết quả của các can thiệp y tế (hóa trị), can thiệp phẫu thuật (cắt bỏ buồng trứng) hoặc bất kỳ nguyên nhân gì khiến cho người phụ nữ bị thiếu hụt estrogen ở độ tuổi sớm hơn so với tình trạng mãn kinh tự nhiên.
Nguyên nhân của mãn kinh sớm
Mãn kinh sớm có thể tự xảy ra mà không có lý do rõ ràng hoặc xảy ra do một số phẫu thuật, thuốc hoặc tình trạng sức khỏe nhất định.
Rối loạn phát triển buồng trứng
Rối loạn phát triển buồng trứng xảy ra do dị tật nhiễm sắc thể giới tính nữ, thường gặp ở phụ nữ mắc hội chứng Turner (Mất một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc X) khiến cho buồng trứng không hình thành bình thường, tăng nguy cơ mãn kinh sớm.
Di truyền
Di truyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mãn kinh sớm. Phụ nữ có người thân trong gia đình mắc mãn kinh sớm có nguy cơ mắc cao hơn.
Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
Phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng mãn kinh sớm. Kinh nguyệt sẽ ngừng sau cuộc phẫu thuật này và lượng hormone sẽ giảm nhanh chóng.
Cắt bỏ tử cung
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng suy buồng trứng xảy ra sớm hơn 4 năm so với mãn kinh tự nhiên sau cắt tử cung. Điều này là có thể do sự suy giảm nguồn cung cấp mạch máu buồng trứng hoặc do tử cung mất đi một số đóng góp nội tiết quan trọng cho buồng trứng.
Các bệnh tự miễn dịch
Một số bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp có thể khiến cho hệ miễn dịch tấn công nhầm buồng trứng, gây tổn thương tế bào và làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone sinh dục nữ.
Các bệnh tuyến giáp
Các bệnh tuyến giáp cũng có thể dẫn đến mãn kinh sớm. Điều này do các bệnh này ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, gây ra sự mất cân bằng trong các hormone và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trứng.
Các bệnh nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng như quai bị, rubella có thể gây tổn thương buồng trứng và dẫn đến mãn kinh sớm. Các bệnh nhiễm trùng này cũng có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone và gây ra các biến đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các phương pháp điều trị ung thư
Các phương pháp xạ trị và hóa trị có thể làm tổn thương buồng trứng và khiến cho kinh nguyệt bị ngừng một khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên không phải tất cả phụ nữ trải qua hóa trị hoặc xạ trị đều bị mãn kinh sớm.
Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Phụ nữ mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính có nhiều khả năng bị mãn kinh sớm.
Các yếu tố môi trường
Tiếp xúc với các hóa chất độc hại và hút thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc mãn kinh sớm. Các chất độc hại trong môi trường có thể gây hại cho các tế bào trong buồng trứng và làm gián đoạn quá trình sản xuất hormone. Mặt khác, theo một số nghiên cứu, phụ nữ hút thuốc có thể đến tuổi mãn kinh sớm hơn hai năm so với người không hút thuốc.
Triệu chứng mãn kinh sớm
Các triệu chứng của mãn kinh sớm tương tự như mãn kinh bình thường nhưng có thể nặng hơn và khởi phát chậm hơn. Một số triệu chứng phổ biến gồm có:
Bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm
Cảm giác nóng đột ngột ở cổ và ngực kèm theo thay đổi nhịp tim. Đây là triệu chứng phổ biến và xảy ra ở 75% phụ nữ bị mãn kinh sớm. Những cơn bốc hỏa thường khởi phát đột ngột, không đoán trước được và kéo dài từ 2-5 phút. Tần suất sẽ khác nhau ở mỗi người.
Đổ mồ hôi ban đêm thường đi kèm với bốc hỏa. Phụ nữ có thể bị đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm, khiến cho giấc ngủ bị gián đoạn, gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng.
Mất kinh
Một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của mãn kinh sớm là mất kinh. Khi buồng trứng ngưng sản xuất trứng, các chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị gián đoạn và cuối cùng dẫn đến mất kinh hoàn toàn.
Khô âm đạo
Niêm mạc âm đạo trở nên mỏng hơn và khô hơn, gây ra cảm giác khó chịu, đau rát khi quan hệ tình dục.
Thay đổi tâm trạng
Do sự thay đổi hormone trong cơ thể, phụ nữ có thể trở nên dễ cáu gắt, lo lắng hoặc buồn bã hơn thường lệ.
Loãng xương
Mãn kinh sớm cũng làm tăng nguy cơ loãng xương, xương dễ gãy và dễ bị tổn thương.
Chẩn đoán mãn kinh sớm
Mãn kinh sớm thường được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, tuổi tác, triệu chứng vô kinh trên 12 tháng liên tục và các dấu hiệu thiếu hụt estrogen mà người bệnh gặp phải. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone và loại trừ bệnh tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp.
Điều trị mãn kinh sớm
Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn tác động mãn kinh sớm. Mục tiêu điều trị chủ yếu là kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý khác.
Liệu pháp thay thế hormone
Liệu pháp thay thế hormone là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho các triệu chứng mãn kinh sớm ở bệnh nhân chưa cắt tử cung. Phương pháp này sử dụng các thuốc chứa estrogen hoặc chứa đồng thời hormone estrogen và progesterone để bù đắp lại sự thiếu hụt của các hormone này trong cơ thể.
Nhược điểm của liệu pháp hormone là làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư vú, đột quỵ. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng phù hợp với cơ địa mỗi người và đánh giá sức khỏe người bệnh thường xuyên để đảm bảo lợi ích cao hơn rủi ro.
Dùng thuốc chống loãng xương
Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh loãng xương do mãn kinh sớm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung canxi, thuốc chống hủy xương, thuốc tăng cường tạo xương để giảm khả năng gãy xương.
Sử dụng thuốc chống trầm cảm
Sự thay đổi tâm trạng, lo âu, căng thẳng là các triệu chứng phổ biến của mãn kinh sớm. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm để giúp cải thiện tâm trạng.
Cách ngăn ngừa mãn kinh sớm
Mãn kinh sớm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc không rõ nguyên nhân. Vì vậy, không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn tình trạng mãn kinh sớm. Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống mang lại nhiều tác động tích cực cho sức khỏe. Phụ nữ nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc lá và rượu để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.