Hăm tã
Hăm tã là gì?
Hăm tã là tình trạng da đỏ, kích ứng và có thể viêm nhiễm hình thành ở vùng mặc tã của trẻ. Đây là một vấn đề phổ biến thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 4 đến 15 tháng tuổi, do làn da của bé còn mỏng và nhạy cảm hơn so với người lớn.
Nguyên nhân hăm tã
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hăm tã ở trẻ, phổ biến bao gồm:
- Độ ẩm và nhiệt độ cao trong khu vực tã tạo ra môi trường ẩm ướt lý tưởng cho vi khuẩn (Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes) và nấm Candida phát triển gây ra tình trạng viêm nhiễm và kích ứng da
- Sử dụng tã không phù hợp (quá chật, cọ sát vào da) hoặc thay tã quá ít cũng có thể làm tăng nguy cơ hăm tã, khiến da bé tiếp xúc trực tiếp với chất dịch tiểu và phân trong thời gian dài.
- Phản ứng dị ứng với chất liệu làm tã hoặc xà phòng và các sản phẩm khác dùng để làm sạch tã vải.
Hăm tã có nhiều khả năng xảy ra ở những em bé:
- Không được giữ sạch sẽ và khô ráo
- Trẻ đang dùng thuốc kháng sinh hoặc có mẹ đang dùng thuốc kháng sinh khi đang cho con bú
- Đi đại tiện thường xuyên hơn
- Tiêu chảy
- Bắt đầu ăn dặm.
>> Có thể bạn quan tâm: Sai lầm "chết người" của các mẹ trong việc mặc bỉm cho con
Dấu hiệu hăm tã
Khi trẻ gặp phải vấn đề hăm tã, dấu hiệu và biểu hiện thường rất dễ nhận ra ở khu vực mặc tã:
- Phát ban đỏ tươi và ngày càng lớn hơn
- Các vùng rất đỏ và có vảy trên bìu và dương vật ở bé trai
- Các vùng đỏ hoặc có vảy trên môi âm hộ và âm đạo ở bé gái
- Mụn nhọt, mụn nước, vết loét, vết sưng lớn hoặc vết loét đầy mủ
- Các mảng đỏ nhỏ hơn phát triển và hòa trộn với các mảng khác
- Trẻ lớn hơn có thể gãi khi cởi tã.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể trở nên quấy khóc hơn trong thời gian thay tã hoặc khó ngủ hơn bình thường do sự đau đớn từ vùng da bị tổn thương.
Chẩn đoán hăm tã
Các bác sĩ thường sẽ kiểm tra kỹ lưỡng vùng da dưới tã của bé để xác định mức độ viêm nhiễm và tổn thương. Họ cũng có thể yêu cầu cha mẹ cung cấp thông tin về thói quen chăm sóc da của bé và cách thay tã hàng ngày để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán hỗ trợ như thu thập mẫu da để kiểm tra vi khuẩn và nấm có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân cụ thể gây ra hăm tã cho bé. Khi đã có chẩn đoán hăm tã chính xác, cha mẹ sẽ được hướng dẫn về cách điều trị và phòng tránh tình trạng này để giúp làn da nhạy cảm của bé luôn khỏe mạnh và mịn màng.
Điều trị hăm tã
Mục tiêu điều trị hăm tã: Chữa lành vết thương và ngăn ngừa hăm tã tái phát. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Vệ sinh khu vực mặc tã bằng nước hoặc xà phòng không chứa chất kích ứng.
- Giảm tiếp xúc với phân và nước tiểu bằng việc thay tã thường xuyên và sử dụng tã siêu thấm
- Sử dụng kem chống hăm để bảo vệ da bé khỏi sự kích ứng và tạo ra một lớp bảo vệ chống lại tác động của ẩm ướt và vi khuẩn.
- Trong trường hợp viêm da do tã lót không cải thiện, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng kem bôi chứa corticoid trong một thời gian ngắn.
- Với các trường hợp nhiễm trùng, thuốc chống nấm tại chỗ hoặc thuốc kháng sinh tại chỗ cũng có thể cần thiết cho quá trình điều trị.
Phòng ngừa hăm tã
Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng để điều giảm nguy cơ phát sinh hăm tã cho bé của mình:
- Thay tã cho bé đúng cách và đều đặn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa hăm tã. Đảm bảo tã của bé luôn khô ráo và sạch sẽ bằng cách thay tã sau khi tã của bé ướt.
- Chọn lựa tã chất lượng, có khả năng thấm hút tốt và không chứa hóa chất gây kích ứng. Tã phải phản ánh chính xác kích cỡ của bé để tránh tạo ra áp lực và ma sát lên da.
- Để da bé luôn khô ráo và thông thoáng
- Sử dụng kem chống hăm tã mỗi lần thay tã có thể bảo vệ da bé khỏi sự kích ứng và tạo ra một lớp bảo vệ chống lại tác động của ẩm ướt và vi khuẩn.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.