Sa sút trí tuệ (Dementia)
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ không phải là một căn bệnh cụ thể mà là một thuật ngữ chung để chỉ sự suy giảm về nhận thức, trí nhớ và chức năng xã hội. Trên thực tế có hơn 100 bệnh khác nhau có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ.
Nguyên nhân sa sút trí tuệ
Chứng sa sút trí tuệ là do tổn thương hoặc thay đổi trong não. Nguyên nhân phổ biến của bệnh sa sút trí tuệ là:
- Bệnh Alzheimer: Bệnh thoái hóa thần kinh mãn tính, phá hủy các tế bào não khiến khả năng tư duy và trí nhớ suy giảm theo thời gian.
- Sa sút trí tuệ mạch máu: Điều này có thể xảy ra ở những người bị huyết áp cao lâu dài, xơ cứng động mạch nghiêm trọng hoặc bị đột quỵ nhỏ.
- Bệnh Parkinson: Sa sút trí tuệ thường gặp ở những người mắc bệnh này.
- Sa sút trí tuệ thể Lewy: Nó có thể gây mất trí nhớ ngắn hạn.
- Sa sút trí tuệ thùy trán thái dương: Đây là một loại sa sút trí tuệ hiếm gặp gây ra các vấn đề về hành vi và ngôn ngữ.
- Chấn thương nặng ở đầu: Chấn thương sọ não nặng hoặc lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ít phổ biến hơn bao gồm:
- Bệnh Huntington
- Bệnh bò điên (Creutzfeldt-Jakob)
- Não úng thủy áp lực bình thường
- Một số trường hợp mắc bệnh đa xơ cứng (MS) hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS).
- Bệnh teo đa hệ thống (MSA)
- Nhiễm trùng giang mai giai đoạn cuối
- Chứng sa sút trí tuệ liên quan đến HIV
- Sử dụng rượu trong một thời gian dài
- Căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ đã được xác định liên quan đến sự phát triển của chứng sa sút trí tuệ, bao gồm:
Tuổi tác
Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra bệnh sa sút trí tuệ. Theo thống kê, nguy cơ mắc bệnh tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm sau 65 tuổi.
Di truyền
Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh Alzheimer, nhưng ít ảnh hưởng hơn đối với các loại sa sút trí tuệ khác. Một số gen đã được xác định có liên quan đến bệnh Alzheimer, đặc biệt là gen APOE-e4.
Sức khỏe tim mạch kém
Các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh động mạch vành và đột quỵ có thể làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ do mạch máu.
Chấn thương đầu
Những người từng bị chấn thương đầu, đặc biệt là chấn thương sọ não, có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ cao hơn.
Lối sống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể chất, hút thuốc, uống nhiều rượu và béo phì đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Dấu hiệu, triệu chứng sa sút trí tuệ
Triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh và giai đoạn phát triển. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:
Mất trí nhớ
Mất trí nhớ thường là một trong những triệu chứng đầu tiên và dễ nhận biết nhất của bệnh sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể bị khó nhớ lại thông tin gần đây, quên các cuộc hẹn quan trọng, đặt nhầm đồ vật hoặc đi lang thang, đi lạc trong những con đường quen thuộc.
Suy giảm nhận thức
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc suy nghĩ rõ ràng, tập trung, đưa ra quyết định hoặc học hỏi những điều mới. Họ cũng có thể trở nên lú lẫn hoặc định hướng kém, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc bình thường hàng ngày.
Thay đổi hành vi và tính cách
Thay đổi hành vi và tính cách cũng là một triệu chứng phổ biến của bệnh sa sút trí tuệ. Người bệnh có thể trở nên hung hăng, kích động, lo lắng hoặc thờ ơ. Họ cũng có thể mất hứng thú với những hoạt động trước đây yêu thích.
Khó giao tiếp
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, đọc, viết hoặc giao tiếp bằng ngôn ngữ. Họ cũng có thể nói lắp, đặt nhầm từ hoặc nói ra những câu không mạch lạc.
Khó khăn trong các hoạt động hàng ngày
Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày như tắm rửa, mặc quần áo hoặc nấu ăn. Họ cũng có thể gặp khó khăn khi lái xe hoặc quản lý tiền bạc.
Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ
Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ dựa trên tiền sử bệnh, khám sức khỏe và các xét nghiệm chẩn đoán. Cụ thể:
Kiểm tra thể chất và tiền sử bệnh
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, các triệu chứng và các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ cũng sẽ thực hiện kiểm tra thể chất để đánh giá sức khỏe tim mạch và thần kinh của bạn.
Thử nghiệm nhận thức
Các thử nghiệm nhận thức đánh giá trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, sự tập trung, kỹ năng ngôn ngữ, tính toán, khả năng giữ thăng bằng, phản xạ. Các thử nghiệm này có thể giúp xác định các bất thường về nhận thức gợi ý đến bệnh sa sút trí tuệ.
Chụp hình ảnh não bộ
Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể tạo ra hình ảnh não để tìm kiếm các bất thường liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ. Ví dụ như teo não hoặc sự tích tụ mảng bám amyloid.
Đánh giá tâm thần
Nếu bệnh nhân vừa trải qua những thay đổi về hành vi hoặc tâm trạng, đánh giá tâm thần để xác định xem trầm cảm hay tình trạng sức khỏe tâm thần nào khác ảnh hưởng đến bệnh sa sút trí tuệ hay không.
Xét nghiệm di truyền
Trong trường hợp hiếm gặp, xét nghiệm di truyền để tìm kiếm biến thể di truyền ảnh hưởng đến chứng sa sút trí tuệ.
Xét nghiệm dịch não tủy (CFS)
Đo mức độ protein và các chất khác có trong dịch não tủy có thể sử dụng thể chẩn đoán bệnh Alzheimer và một số loại sa sút trí tuệ khác.
Xét nghiệm máu
Đo đo mức beta-amyloid, một loại protein tích tụ bất thường ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Điều trị sa sút trí tuệ
Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh sa sút trí tuệ, nhưng có một số phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị này bao gồm:
Thuốc
Thuốc ức chế acetylcholinesterase (donepezil, rivastigmine, galantamine) và thuốc đối kháng NMDA (memantine) có thể giúp cải thiện các triệu chứng nhận thức của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ do mạch máu. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc trầm cảm, thuốc an thần, thuốc động kinh để điều trị các triệu chứng trầm cảm, mất ngủ, lo âu, kích động.
Liệu pháp hành vi
Liệu pháp hành vi có thể giúp cải thiện các vấn đề về hành vi và tính cách liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ. Các liệu pháp này có thể bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp kích thích nhận thức (CST) và liệu pháp hồi tưởng.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện sức khỏe não bộ và làm chậm sự tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ. Các thay đổi này có thể bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và quản lý căng thẳng.
Phòng ngừa sa sút trí tuệ
Mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ, nhưng một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, hạn chế rượu bia, thuốc lá đều có thể giúp cải thiện sức khỏe não bộ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
- Kiểm soát các bệnh mãn tính như bệnh tim, bệnh tiểu đường và cholesterol cao có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ mạch máu.
- Thường xuyên kích thích trí não bằng các hoạt động như đọc sách, giải câu đố và học các kỹ năng mới có thể giúp cải thiện sức khỏe của não, làm giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
- Học cách giải tỏa tâm lý căng thẳng lo lắng.
Kết luận
Trên đây là một số thông tin về bệnh sa sút trí tuệ, từ nguyên nhân, triệu chứng đến phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa. Nếu bạn hoặc người thân của bạn có những dấu hiệu hay triệu chứng gì liên quan đến sa sút trí tuệ, hãy nhanh chóng đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc can thiệp sớm có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm tiến trình của bệnh.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.