Vitamin C có tác dụng gì?
Xem nhanh
- Vitamin C là gì?
- Vitamin C có tác dụng gì?
- Tăng cường khả năng miễn dịch
- Ngăn ngừa lão hóa da
- Kiểm soát huyết áp cao
- Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
- Chống cảm lạnh
- Giảm nồng độ acid uric trong máu và giúp ngăn ngừa các cơn gout
- Giúp ngăn ngừa thiếu sắt
- Giảm nguy cơ thoái hóa hoàng điểm và đục thủy tinh thể
- Những đối tượng nào cần được bổ sung Vitamin C?
- Liều dùng Vitamin C mỗi ngày
- Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể thiếu Vitamin C?
- Sử dụng Vitamin C quá liều sẽ xảy ra chuyện gì?
- Bổ sung Vitamin C cho cơ thể bằng cách nào?
- Dùng thực phẩm giàu Vitamin C
- Vitamin C bổ sung từ chế phẩm
- Một số lưu ý giúp tăng đề kháng cho cơ thể
Vitamin C là gì?
Vitamin C là tên của hợp chất hóa học Acid ascorbic - dễ tan trong nước, ít tan trong rượu và dung môi hữu cơ. Vitamin C tương đối bền với nhiệt, tuy nhiên rất dễ bị oxy hóa bởi oxy không khí.
Vitamin C có nhiều trong các thực phẩm tự nhiên, cơ thể người cũng chủ yếu hấp thu và sử dụng dưỡng chất này từ đây. Vitamin C tham gia vào rất nhiều hoạt động của cơ thể, có vai trò và chức năng quan trọng với hệ miễn dịch, phòng ngừa lão hóa, tăng cường sức khỏe chung.
Ngoài bổ sung từ thực phẩm, Vitamin C cũng được tổng hợp dưới nhiều dạng như bột, viên nén, viên con nhộng, tinh thể,… để bổ sung tăng cường.
Vitamin C có tác dụng gì?
Vai trò của Vitamin C với cơ thể người là rất quan trọng, cụ thể:
Tăng cường khả năng miễn dịch
Vitamin C có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách giúp các tế bào bạch cầu hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường “hệ thống phòng thủ” của làn da và giúp vết thương mau lành.
Vitamin C thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bảo vệ chúng khỏi bị tổn hại bởi các phân tử có khả năng gây hại như các gốc tự do.
Đối với da thì vitamin C là một phần thiết yếu trong hệ thống bảo vệ. Bất cứ khi nào bạn bị thương, vitamin C thúc đẩy sản xuất collagen, rút ngắn thời gian làm lành vết thương.
Ngăn ngừa lão hóa da
Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa, thúc đẩy sản xuất collagen và giúp củng cố sự bảo vệ của làn da.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã kiểm tra mối liên quan giữa hấp thụ dinh dưỡng và lão hóa da ở 4,025 phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 47. Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng vitamin C cao hơn có liên quan đến khả năng xuất hiện nếp nhăn thấp hơn, khô da và xuất hiện lão hóa da.
Kiểm soát huyết áp cao
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp làm giảm cholesterol LDL (có hại), triglyceride, giúp tăng cholesterol HDL (có lợi) và ổn định huyết ở người bị cao huyết áp.
Trường đại học Boston – Mỹ đã từng báo cáo về vai trò quan trọng của vitamin C trong việc giảm cao huyết áp thông qua nghiên cứu trên 39 người bệnh của họ ở độ tuổi khoảng 49 tuổi. Theo đó, những người có bệnh cao huyết áp uống vitamin C mỗi ngày có huyết áp thấp hơn và ổn định hơn.
Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể bằng cách bảo vệ tế bào khỏi các phân tử có hại gọi là gốc tự do. Do đó, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, bệnh tim mạch.
Thực phẩm bổ sung vitamin C có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như làm giảm nồng độ protein phản ứng C (CRP) - một dấu ấn sinh học quan trọng của tình trạng viêm đã được chứng minh là yếu tố dự báo của bệnh tim mạch.
Theo NIH, có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ rằng vitamin C có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Họ tiết lộ: "Hầu hết các nghiên cứu bệnh chứng đã phát hiện ra mối liên hệ nghịch giữa lượng vitamin C trong chế độ ăn uống và ung thư phổi, vú, ruột kết hoặc trực tràng, dạ dày, khoang miệng, thanh quản hoặc hầu họng và thực quản".
Chống cảm lạnh
Nhìn chung các nghiên cứu về việc sử dụng vitamin C phòng chống cảm lạnh có đạt hiệu quả nhưng chưa cao. Tỷ lệ thành công ở nghiên cứu này có sự dao động chênh lệch ở từng đối tượng. Nhưng việc sử dụng vitamin C khi bước và giai đoạn đầu của bệnh thì dường như không có lợi.
Giảm nồng độ acid uric trong máu và giúp ngăn ngừa các cơn gout
Khi có sự gia tăng các tinh thể acid uric trong khớp (do rượu, chế độ ăn nhiều thịt, v.v...), chúng có thể kết tinh, lắng đọng và xuất hiện triệu chứng của bệnh gout liên quan đến khớp như sưng, viêm khớp. Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn đột ngột và dữ dội. Thật may, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp làm giảm acid uric trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Giúp ngăn ngừa thiếu sắt
Có thể bạn đã biết, sắt là một vi chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Mà Vitamin C là thành phần sẽ giúp tăng khả năng hấp thu sắt.
Bổ sung 100 mg vitamin C mỗi ngày có thể cải thiện khả năng hấp thụ sắt lên đến 67%. Vitamin C hỗ trợ chuyển đổi Fe3+ dạng hấp thụ kém thành Fe2+ một dạng dễ hấp thụ hơn, giúp cải thiện sự hấp thụ sắt từ việc ăn uống. Ngoài ra, vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu ở người dễ bị thiếu sắt.
Giảm nguy cơ thoái hóa hoàng điểm và đục thủy tinh thể
Hiện tượng mất thị lực do thoái hóa hoàng điểm (điểm vàng) và đục thủy tinh thể dễ xảy ra ở người cao tuổi. Với khả năng chống oxy hóa các nhà khoa học đã đặt ra giả thiết rằng vitamin C có thể làm giảm nguy cơ mắc 2 bệnh này. Hiện nay, kết quả giữa các nghiên cứu đang xảy ra mâu thuẫn nên khó có thể kết luận được công dụng của vitamin C với 2 loại bệnh này.
Do vậy vitamin C chưa thực sự được công bố có tác dụng ngăn ngừa giảm thấp nguy cơ mắc bệnh thoái hóa hoàng điểm và đục thủy tinh thể. Chúng ta chỉ có thể sử dụng vitamin C để làm chậm lại diễn biến xấu của bệnh tạm thời.
Những đối tượng nào cần được bổ sung Vitamin C?
Những đối có nguy cơ thiếu vitamin C cần được bổ sung bao gồm:
- Người hút thuốc lá và những người tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Người bị chứng bệnh Scorbut và các chứng chảy máu do thiếu vitamin C.
- Những người ăn uống không đầy đủ: nghiện rượu, người cao tuổi, một số người mắc bệnh như: kém hấp thu đường ruột, các bệnh thận ảnh hưởng hấp thu và sử dụng vitamin C.
- Người nhiễm trùng kéo dài, nằm viện kéo dài, chế ăn không có rau xanh.
- Loại vitamin này cũng được kê uống trong trường hợp cơ thể có nhiễm trùng, bệnh ung thư, bệnh dị ứng, trường hợp ngộ độc,…
Liều dùng Vitamin C mỗi ngày
Lượng vitamin C tối đa được đề nghị cho người lớn không nên quá 2.000mg/ngày. Tuy nhiên, liều lượng vitamin C hàng ngày còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, nhu cầu dinh dưỡng và các thay đổi cơ thể đi kèm.
Trung bình, liều vitamin C hàng ngày được đề nghị dựa trên độ tuổi, cụ thể: Sinh ra đến 6 tháng là 40mg; 7-12 tháng: 50mg; 1-3 tuổi: 15mg; 4-8 tuổi: 25mg; 9-13 tuổi: 45mg; 13-18 tuổi: 75mg cho trẻ em trai, 65mg cho trẻ em gái; trên 18 tuổi: 90mg cho nam giới, 75mg cho phụ nữ; 85mg cho phụ nữ mang thai; 120 mg cho phụ nữ cho con bú. Những người hút thuốc nhớ bổ sung thêm 35mg vitamin C mỗi ngày.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể thiếu Vitamin C?
Khi thiếu Vitamin C sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người.
- Bệnh thiếu máu: Vitamin C giúp hấp thu sắt do đó thiếu vitamin C cơ thể không thể hấp thu đủ sắt và gây ra tình trạng thiếu máu.
- Vết thương chậm lành.
- Bệnh loãng xương: người thiếu vitamin C có nguy cơ cao bị gãy xương, loãng xương, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi.
- Bệnh thoái hóa khớp: do vitamin C góp phần tham gia tổng hợp collagen.
- Bệnh tim mạch: Thiếu vitamin C có thể dẫn tới một số bệnh lý về tim mạch như thoát mạch, thành mạch kém bền ,...
- Bệnh Scorbut: Là một trong những căn bệnh điển hình khi cơ thể bị thiếu vitamin C. Các triệu chứng điển hình của bệnh Scorbut gồm có: viêm lợi, răng dễ rụng, sưng khớp, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da,...
- Ung thư: Khi thiếu vitamin C, cơ thể sẽ dễ bị tấn công bởi các gốc tự do và về lâu dài có thể dẫn tới một số bệnh ung thư.
Những yếu tố nguy cơ thường gặp nhất gây thiếu vitamin C là chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, người nghiện rượu, chán ăn, rối loạn tâm thần nghiêm trọng, hút thuốc lá và lọc máu.
Sử dụng Vitamin C quá liều sẽ xảy ra chuyện gì?
Bên cạnh mặt lợi khi bổ sung đủ và đúng thì Vitamin C cũng có mặt hại trong trường hợp sử dụng quá liều. Những tác hại này thông thường không đến từ các thực phẩm có chứa vitamin C mà đến từ việc bổ sung vitamin C ở dạng chất bổ sung như thực phẩm chức năng, v.v...
Bổ sung lượng vitamin C liều cao 1g hàng ngày hoặc lớn hơn có thể dẫn đến các tác dụng phụ trên tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy, v.v... Hơn nữa, sử dụng quá nhiều thực phẩm bổ sung vitamin C có thể làm tăng lượng oxalate trong thận, có khả năng dẫn đến sỏi thận.
Đối với phụ nữ mang thai: Vitamin C đi qua nhau thai. Nếu uống những lượng lớn vitamin C trong khi mang thai có thể làm tăng nhu cầu về vitamin C và dẫn đến bệnh scorbut ở trẻ sơ sinh.
Chính vì thế, bạn cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng Vitamin C, nên khám sức khỏe và tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi dùng.
Bổ sung Vitamin C cho cơ thể bằng cách nào?
Hiện nay có 2 cách bổ sung Vitamin C phổ biến, gồm:
Dùng thực phẩm giàu Vitamin C
Vitamin C chứa nhiều nhất trong các loại rau củ quả như: Ớt chuông, các loại quả họ cam quýt, kiwi, bông cải xanh, cải bruxen và các rau củ họ cải khác, dưa đỏ chuối,...
Vitamin C bổ sung từ chế phẩm
Hiện nay có rất nhiều loại chế phẩm bổ sung Vitamin C, tuy nhiên trước khi dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, đặc biệt là dạng viên nang hàm lượng cao hoặc dung dịch dạng tiêm.
Một số dạng chế phẩm Vitamin C và hướng dẫn bổ sung như sau:
- Viên nang: Nên uống nuốt toàn bộ, không nhai hoặc nghiền nát trước khi uống. Nên uống cùng 1 ly nước đầy.
- Viên ngậm: Đặt viên ngậm trong miệng cho nó tan dần, không nên nhai và nghiền nát.
- Dạng bột: Hòa tan với nước hoặc trộn kỹ trong súp, canh, thức ăn mềm.
- Dạng lỏng: thường cần dụng cụ như muỗng, thìa để đong đếm, lưu ý tránh dùng quá liều.
- Viên nhai: Với Vitamin C bổ sung dạng viên nhai, bạn hãy nhai kỹ trước khi nuốt.
Một số lưu ý giúp tăng đề kháng cho cơ thể
Bổ sung Vitamin C rất quan trọng, nhưng các Vitamin khác, các khoáng chất và chế độ sinh hoạt cũng quan trọng không kém. Vì thế bạn cần chú ý:
- Bổ sung đầy đủ các loại thành phần thiết yếu khác cho cơ thể như Vitamin A, E, D, sắt, kẽm,…
- Uống đủ nước cho cơ thể 2-2,5 lít và tùy thời tiết cũng như hoạt động thể lực của cơ thể.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Thực hiện lối sống lành mạnh tích cực: hạn chế rượu bia và thuốc lá; tăng cường các hoạt động thể lực phù hợp với thể trạng từng người (có thể vận động khoảng 30 phút/ngày và từ 5 - 7 ngày/tuần).
- Ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, thư giãn và tránh căng thẳng quá mức.
Qua bài viết có thể thấy, Vitamin C rất cần thiết cho sự hoạt động bình thường của cơ thể. Vì thế, cần bổ sung đúng và đủ để đảm bảo sức khỏe luôn trong trạng thái tốt nhất.