Rối loạn dung nạp glucose
Rối loạn dung nạp glucose là gì?
Rối loạn dung nạp glucose (Impaired Glucose Tolerance - IGT) có nghĩa là lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường nhưng không đủ cao để chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Người mắc IGT có nguy cơ cao phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2, một căn bệnh mạn tính với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, IGT cũng liên quan mật thiết đến các bệnh lý liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Nguyên nhân gây rối loạn dung nạp glucose
Kháng insulin
Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn dung nạp glucose. Khi tế bào đích của insulin, ví dụ như như tế bào cơ và tế bào mỡ, không phản ứng hiệu quả với insulin, cơ thể sẽ cần sản xuất nhiều insulin hơn để duy trì mức đường huyết bình thường. Tuy nhiên, sự kháng insulin kéo dài có thể làm giảm hiệu quả của insulin và dẫn đến tình trạng đường huyết tăng cao.
Suy giảm chức năng tế bào beta
Tế bào beta của tụy chịu trách nhiệm sản xuất insulin. Khi các tế bào này không sản xuất đủ insulin hoặc sản xuất insulin không hiệu quả, cơ thể sẽ không thể điều chỉnh mức đường huyết một cách thích hợp, dẫn đến tình trạng rối loạn dung nạp glucose.
Yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể góp phần vào sự phát triển của rối loạn dung nạp glucose. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ thường gặp
- Di truyền: Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh đái tháo đường hoặc IGT, nguy cơ bạn mắc IGT sẽ cao hơn.
- Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều đường, chất béo, thiếu rau quả và ngũ cốc nguyên hạt có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, làm tăng nguy cơ rối loạn dung nạp glucose. Hoặc lối sống ít vận động có thể làm giảm hiệu quả của insulin và dẫn đến tình trạng kháng insulin.
- Béo phì: Đặc biệt là béo bụng có liên quan chặt chẽ đến tình trạng kháng insulin và IGT.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có xu hướng có mức đường huyết cao hơn và khả năng kháng insulin cũng cao hơn.
- Bệnh lý kèm theo: Huyết áp cao, mức cholesterol và triglyceride cao cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng của IGT.
Triệu chứng của rối loạn dung nạp glucose
Người mắc rối loạn dung nạp glucose thường không có triệu chứng rõ ràng và dễ bị bỏ qua. Những dấu hiệu như mệt mỏi kéo dài, khát nước, đi tiểu nhiều, mờ mắt, giảm cân không rõ nguyên nhân, vết thương lâu lành,… có thể là những cảnh báo sớm. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose
Để chẩn đoán rối loạn dung nạp glucose (IGT), các bác sĩ thường sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose. Đây là một phương pháp tiêu chuẩn để xác định tình trạng này. Quy trình xét nghiệm bao gồm các bước sau:
- Đường huyết lúc đói: Trước khi bắt đầu nghiệm pháp, bệnh nhân sẽ phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Sau đó, một mẫu máu sẽ được lấy để đo mức đường huyết lúc đói.
- Uống glucose: Bệnh nhân sẽ uống một dung dịch chứa 75g glucose.
- Đo đường huyết sau 2 giờ: Sau khi uống dung dịch glucose, bệnh nhân sẽ nghỉ ngơi và không ăn uống thêm. Sau 2 giờ, một mẫu máu khác sẽ được lấy để đo mức đường huyết.
Kết quả được xem là rối loạn dung nạp glucose nếu mức đường huyết sau 2 giờ nằm trong khoảng từ 140 đến 199 mg/dL (7.8 - 11 mmol/L). Nếu mức đường huyết sau 2 giờ cao hơn 200 mg/dL (11.1 mmol/L), bệnh nhân có thể được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Điều trị rối loạn dung nạp glucose
Thay đổi lối sống
- Giảm đường và tinh bột: Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột nhanh như bánh mì trắng, kẹo, nước ngọt. Thay vào đó, nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu chất xơ.
- Tăng cường rau quả: Rau xanh và trái cây giàu chất xơ giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn. Lựa chọn các loại rau quả ít đường và giàu dinh dưỡng.
- Giảm cân, tập luyện thể dục đều đặn: Khuyến khích tập luyện với cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần và duy trì cân nặng. Việc này giúp cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Thuốc
Trong một số trường hợp, việc thay đổi lối sống có thể không đủ để kiểm soát IGT. Khi đó, một số loại thuốc như Metformin có thể được sử dụng để cải thiện độ nhạy của cơ thể với insulin và giảm mức đường huyết.
Kiểm tra đường huyết định kỳ
Kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp bác sĩ có thể đánh giá hiệu quả của các biện pháp điều trị và điều chỉnh kịp thời.
Phòng ngừa rối loạn dung nạp glucose
Một số biện pháp sau có thể giúp ngăn ngừa rối loạn dung nạp glucose:
- Giảm cân nếu bạn thừa cân và duy trì cân nặng khoẻ mạnh thông qua chế độ ăn uống khoa học đồng thời tập luyện thể dục đều đặn.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng quá nhiều rượu bia.
- Thực hiện các xét nghiệm định kỳ cho các nhóm có nguy cơ cao như người béo phì, người có tiền sử gia đình mắc đái tháo đường hoặc người trên 45 tuổi.
Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không có ý nghĩa thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.