Hội Chứng Sốc Nhiễm Độc: Nguyên Nhân, Triệu Chứng & Cách Điều Trị
phuongchinh-logo
Mục lục
  • Hội chứng sốc nhiễm độc là gì?
  • Nguyên nhân gây hội chứng sốc nhiễm độc
  • Nhiễm trùng tụ cầu vàng
  • Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A
  • Nhiễm Clostridium sordellii

Hội chứng sốc nhiễm độc (TSS)

- Ngày đăng:12/04/2024
Hội chứng sốc nhiễm độc (TSS) có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến là trẻ em, người già và người bị suy giảm miễn dịch. Các triệu chứng ban đầu của hội chứng này tương tự như các bệnh nhiễm trùng khác nhưng có thể tiến triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng.
Mục lục
  • Hội chứng sốc nhiễm độc là gì?
  • Nguyên nhân gây hội chứng sốc nhiễm độc
  • Nhiễm trùng tụ cầu vàng
  • Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A
  • Nhiễm Clostridium sordellii

Hội chứng sốc nhiễm độc là gì?

Hội chứng sốc nhiễm độc (TSS) hay hội chứng sốc độc tố là tập hợp các dấu hiệu, triệu chứng thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và giải phóng độc tố đến các cơ quan khác trong cơ thể. Độc tố này có thể gây ra tình trạng tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây hội chứng sốc nhiễm độc

TSS thường gây ra bởi tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) hoặc liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes). Ở nữ giới, TSS thường liên quan đến việc sử dụng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san. Còn ở nam giới, TSS liên quan nhiều đến chấn thương, nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng sau phẫu thuật, bỏng.

Nhiễm trùng tụ cầu vàng

Vi khuẩn tụ cầu vàng thường sống phổ biến trên da và niêm mạc mũi mà không gây bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp, vi khuẩn này xâm nhập vào máu qua vết thương hở, mụn nhọt, chốc lở. Hoặc có thể phát triển từ một nhiễm trùng khác như viêm phổi, viêm xoang, nhiễm trùng xương,...

Nguyên nhân gây hội chứng sốc nhiễm độc
Sự giải phóng độc tố từ tụ cầu vàng là một trong các nguyên nhân gây hội chứng sốc nhiễm độc.

Nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A

Liên cầu khuẩn nhóm A thường gây các bệnh nhiễm trùng nhẹ như viêm họng hoặc viêm da. Thông thường nhiễm trùng loại này có thể xảy ra sau khi bị thủy đậu, nhiễm khuẩn cấp tính ở da và mô dưới da hoặc ở người có hệ miễn dịch yếu.

Nhiễm Clostridium sordellii

Bệnh nhiễm trùng Clostridium sordellii thường xảy ra sau chấn thương, sinh con và các thủ thuật phụ khoa như nạo phá thai.

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sốc nhiễm độc (TSS) bao gồm:

  • Sử dụng băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san.
  • Tiền sử sinh con, sảy thai hoặc phá thai gần đây.
  • Sử dụng màng ngăn âm đạo hoặc miếng xốp tránh thai.
  • Sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
  • Các bệnh lý về da như chàm, vẩy nến có thể làm tổn thương hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Những người bị HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc TSS cao hơn.

Triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc

Các triệu chứng của TSS thường xuất hiện đột ngột và bao gồm:

  • Sốt cao, thường trên 38,9°C
  • Ớn lạnh
  • Tụt huyết áp
  • Nhịp tim nhanh
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Phát ban dạng ban đỏ toàn thân có thể bong ra
  • Bầm tím
  • Đau đầu, lú lẫn, mất phương hướng
  • Đau nhức cơ
  • Đau họng
  • Đỏ mắt, miệng
  • Suy đa cơ quan (suy thận, suy giảm chức năng gan và phổi).
Triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc
Hội chứng sốc nhiễm độc gây ra tình trạng phát ban đặc biệt trên da.

Biến chứng của hội chứng sốc nhiễm độc

TSS có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như cắt cụt tứ chi, suy da cơ quan (thận, gan hoặc phổi), suy hô hấp, rung thất, thậm chí tử vong.

Chẩn đoán hội chứng sốc nhiễm độc

Chẩn đoán TSS dựa trên các triệu chứng lâm sàng như sốt, phát ban, hạ huyết áp,... và kết quả của một số xét nghiệm sau:

  • Công thức máu: Đo thời gian đông máu và chảy máu, số lượng tế bào, chất điện giải và chức năng gan cùng nhiều xét nghiệm khác.
  • Nuôi cấy máu: Tìm và xác định loại vi khuẩn gây nhiễm
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra chức năng thận.
  • Chọc dò tủy sống: Thực hiện khi bệnh nhân bị sốt và thay đổi trạng thái tâm thần.

Điều trị hội chứng sốc nhiễm độc

Điều trị TSS cần nhập viện ngay lập tức. Các biện pháp điều trị bao gồm:

  • Truyền dịch tĩnh mạch: Điều trị sốc và ngăn ngừa tổn thương cơ quan.
  • Thuốc điều trị huyết áp: Giảm các triệu chứng xây xẩm, chóng mặt, nhịp tim nhanh do huyết áp thấp.
  • Thuốc kháng sinh: Tùy theo vi khuẩn và độ nhạy, bác sĩ sẽ kê kháng sinh phù hợp để tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Thông thường, Penicillin là loại kháng sinh được ưu tiên điều trị liên cầu khuẩn nhóm A. Đối với MSSA (Tụ cầu vàng kháng methicillin), dùng clindamycin cộng với flucloxacillin hoặc nafcillin.
  • Điều trị các biến chứng: Lọc máu ở người suy thận, sử dụng máy thở trong trường hợp suy hô hấp hoặc phẫu thuật làm sạch sâu vết thương bị nhiễm trùng.

Phòng ngừa hội chứng sốc nhiễm độc

Có một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp giảm nguy cơ mắc TSS, bao gồm:

  • Thay băng vệ sinh, tampon thường xuyên (ít nhất bốn giờ một lần) hoặc trong trường hợp dùng cốc nguyệt san thì sau 6-8 giờ để đảm bảo an toàn vệ sinh.
  • Chỉ mở băng vệ sinh khi cần sử dụng ngay lập tức.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi sử dụng băng vệ sinh, tampon hoặc cốc nguyệt san.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân trong thời kỳ kinh nguyệt.
  • Không đeo băng vệ sinh khi không có kinh nguyệt.
  • Làm sạch vết thương hở bằng xà phòng và nước và băng lại đúng cách.

Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.

Chia sẻ
messenger-iconzalo-iconphone-icon
Đã thêm vào giỏ hàng