Hội chứng kiệt sức (Burnout)
Hội chứng kiệt sức là gì?
Hội chứng kiệt sức (burnout) là trạng thái suy giảm năng lượng kéo dài, xuất phát từ căng thẳng công việc liên tục. Người gặp phải tình trạng này thường cảm thấy cạn kiệt cả về thể lực, cảm xúc lẫn tinh thần.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp burnout vào nhóm hiện tượng liên quan đến nghề nghiệp trong phân loại bệnh quốc tế ICD-11. Điều đó cho thấy mức độ phổ biến và nghiêm trọng của hội chứng này trong xã hội hiện đại.
Nguyên nhân phổ biến gây Burnout
Burnout không đến từ một nguyên nhân duy nhất, mà là sự tích tụ lâu dài từ nhiều yếu tố:
- Khối lượng công việc vượt quá khả năng xử lý
- Áp lực thành tích, deadline dồn dập
- Thiếu thời gian nghỉ ngơi hoặc phục hồi năng lượng
- Thiếu ghi nhận từ đồng nghiệp và cấp trên
- Mất cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc
- Làm việc trong môi trường căng thẳng kéo dài
Đặc biệt, giới văn phòng – nhóm lao động trí óc thường xuyên làm việc máy tính, tiếp xúc môi trường khép kín – là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Dấu hiệu nhận biết
Những biểu hiện của burnout thường phát triển âm thầm và tăng dần theo thời gian:
- Kiệt sức về thể chất: Luôn cảm thấy mệt mỏi, dù đã ngủ đủ. Đau đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hóa
- Cạn kiệt về cảm xúc: Không còn hứng thú với công việc từng yêu thích. Cảm thấy vô vọng, tiêu cực, hoặc tách biệt
- Giảm sút hiệu quả công việc: Giảm tập trung, dễ mắc lỗi. Trì hoãn, chán nản, thiếu sáng tạo
Việc nhận diện sớm các dấu hiệu này sẽ giúp bạn chủ động điều chỉnh trước khi tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Burnout khác gì với trầm cảm?
Dù có nhiều điểm tương đồng, burnout và trầm cảm không hoàn toàn giống nhau.
Tiêu chí | Burnout | Trầm cảm |
Nguyên nhân chính | Áp lực từ công việc | Đa dạng: công việc, gia đình, sinh học |
Phạm vi ảnh hưởng | Chủ yếu ở lĩnh vực nghề nghiệp | Mọi mặt trong cuộc sống |
Mức độ nghiêm trọng | Nhẹ đến trung bình | Trung bình đến nặng |
Phản ứng cảm xúc | Chán công việc, tiêu cực | Vô cảm, buồn bã kéo dài |
Tác hại nếu không can thiệp kịp thời
Hội chứng burnout nếu bị bỏ qua có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng:
- Suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần
- Giảm hiệu suất làm việc, tăng nguy cơ nghỉ việc
- Gây ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân và gia đình
- Tăng khả năng mắc bệnh tâm lý như trầm cảm, lo âu
Khi một người bị kiệt sức (burnout) nghiêm trọng và kéo dài, tình trạng căng thẳng, mệt mỏi và suy kiệt cảm xúc có thể trở nên mất kiểm soát. Lúc đó, để tìm cách thoát khỏi cảm giác bế tắc hoặc đau khổ, họ có thể:
- Lạm dụng chất gây nghiện: dùng rượu, thuốc lá, ma túy hoặc các chất kích thích để giải tỏa tâm trạng.
- Tự cô lập: tránh giao tiếp với người khác, thu mình lại, không muốn chia sẻ hay tương tác xã hội.
- Mất kiểm soát cảm xúc: dễ cáu gắt, nổi nóng, khóc lóc không rõ lý do hoặc phản ứng thái quá với những tình huống nhỏ.
Giải pháp hiệu quả để vượt qua Burnout
Đối với cá nhân:
- Học cách sắp xếp công việc hợp lý, biết việc nào cần làm trước – việc nào có thể làm sau. Đừng cố làm tất cả cùng lúc, cũng đừng gồng gánh quá nhiều việc vượt sức mình.
- Khi hết giờ làm, hãy dành thời gian cho bản thân, gia đình, nghỉ ngơi hoặc sở thích cá nhân. Tránh mang việc về nhà hay làm việc quá giờ thường xuyên.
- Chăm sóc sức khỏe thể chất giúp cơ thể và tinh thần phục hồi tốt hơn. Chỉ cần vận động nhẹ nhàng mỗi ngày, ăn uống đủ chất.
- Đừng giữ mọi căng thẳng trong lòng. Hãy nói chuyện với người thân, bạn bè đáng tin cậy, hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy quá mệt mỏi hay bế tắc.
Đối với doanh nghiệp:
- Tạo ra không gian làm việc thoải mái, cởi mở và tích cực. Nhân viên cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.
- Cho phép nhân viên nghỉ phép đúng lúc, có thể làm việc từ xa hoặc điều chỉnh giờ làm việc phù hợp để cân bằng cuộc sống và công việc.
- Tổ chức các buổi tư vấn tâm lý, workshop thư giãn, hoặc hoạt động giúp nhân viên giảm stress như yoga, thiền, nói chuyện với chuyên gia…
- Tạo môi trường mà mọi người biết quan tâm, cảm thông với nhau. Khi nhân viên làm tốt, cần có lời khen hay phần thưởng để họ cảm thấy được trân trọng.