Trẻ sơ sinh được mấy tháng thì cho ăn dặm?
Xem nhanh
- Nên cho trẻ ăn dặm khi nào?
- Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách
- Cho bé ăn từ ít đến nhiều
- Cho bé ăn từ lỏng đến đặc
- Chế biến đồ ăn dặm cho bé đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh
- Không ép bé ăn
- Thực đơn ăn dặm phù hợp với độ tuổi
- Thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 - 12 tháng
- Thực đơn ăn dặm cho bé từ 1 - 2 tuổi
- Thực đơn ăn dặm cho bé từ 2 - 3 tuổi
- Lưu ý khi cho bé ăn dặm
- Lưu ý khi chế biến món ăn dặm cho bé
- Kết luận
Nên cho trẻ ăn dặm khi nào?
Theo khuyến cáo, sau 6 tháng tuổi là thời gian tốt nhất cho trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bé tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao đồng nghĩa với nhu cầu dinh dưỡng cũng tăng lên. Sữa mẹ khi ấy không đủ đáp ứng dinh dưỡng cho trẻ, nhất là sau 6 tháng, sữa mẹ bắt đầu loãng và ít dần đi. Chính vì thế, trẻ cần được bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách ăn dặm để có thể phát triển tốt và khỏe mạnh.
Tác hại của việc cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn
Nhiều cha mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, thậm chí từ khi bé mới được 3 - 4 tháng, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như:
- Khiến bé dễ chán sữa mẹ, bú mẹ ít dần đi từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu, quan trọng từ sữa mẹ. Điều này làm bé giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển.
- Nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt, chưa thích nghi được với một số loại thức ăn.
- Thức ăn không đảm bảo, khó tiêu hóa khiến trẻ bị tiêu chảy, táo bón.
- Ngoài ra, khi trẻ bú mẹ ít đi sẽ gây tăng nguy cơ mang thai sớm cho mẹ.
Đối với việc cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 9 tháng) sẽ khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trưởng, dẫn đến đứng cân, tăng trưởng chậm, tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu...
Nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách
Để tập cho bé ăn dặm trước hết mẹ cần cho bé tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc gần giống với sữa công thức để bé quen dần với “những thức ăn mới lạ”. Nên tuân thủ nguyên tắc “ngọt - mặn” khi bắt đầu giai đoạn cho bé ăn dặm, thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên khi tập cho trẻ ăn dặm vì mùi vị “tương tự” với sữa mẹ, trẻ được cho ăn dặm bằng bột ngọt trước rồi sẽ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
Tiếp theo, để cho việc ăn dặm của bé trở nên dễ dàng, giúp bé ăn ngon và phát triển tốt mẹ sẽ cần phải tuân thủ các nguyên tắc ăn dặm đúng cách cho bé như:
Cho bé ăn từ ít đến nhiều
Thời gian đầu cho bé ăn dặm, cha mẹ nên tập cho bé ăn từng chút một. Và tăng lượng ăn dần dần để dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian làm quen và thích nghi với một loại thức ăn mới không phải sữa mẹ.
Cho trẻ ăn dặm 1 bữa/ngày. Khi trẻ đã quen dần có thể tăng lên 2 bữa/ngày và thêm bữa phụ như hoa quả, sữa chua, váng sữa...
Cho bé ăn từ lỏng đến đặc
Nên cho trẻ ăn bột loãng từ 2 - 3 ngày sau đó tăng dần độ đặc lên. Tăng độ thô dần dần, từ bột đến cháo rây, cháo nguyên hạt, cơm nát... để trẻ có thể nhanh chóng ăn được các loại thức ăn như người lớn.
Cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt vì lúc này trẻ chưa mọc răng hoặc mọc rất ít răng.
Chế biến đồ ăn dặm cho bé đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh
Thời gian đầu trẻ tập ăn chỉ nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo và các loại rau, củ, quả. Tuy nhiên, từ 9-11 tháng cần cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn gồm: gạo; thịt, trứng; cá, tôm, cua; rau, củ và dầu hoặc mỡ... Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bổ sung các loại vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp trẻ mau lớn, phát triển khỏe mạnh hơn.
Không ép bé ăn
Khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 - 7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.
Thực đơn ăn dặm phù hợp với độ tuổi
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 - 12 tháng
Từ 6 - 8 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, trẻ đang tập ăn, vì thế nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm và dễ tiêu. Hệ tiêu hóa của trẻ cũng đang làm quen dần với thức ăn, nên cho trẻ ăn từng chút một, mỗi tuần tăng lượng ăn của trẻ lên một chút. Đầu tiên nên ăn 1 bữa/ngày, rồi tăng lên 2 bữa/ngày, đồng thời tăng độ đặc của cháo.
Một số món ăn cho bé từ 6 – 8 tháng có thể là: Bột tôm, Bột đậu xanh + Bí đỏ, Bột trứng, Bột thịt, Bột cá, Cháo cà rốt nghiền, Súp sữa bí đỏ, Cháo rau chân vịt, Súp khoai tây sữa, Cháo thịt heo nấm rơm, Cháo thịt heo rau cải ngọt, Súp thịt bò bí đỏ, Súp gà ngô ngọt,…
Thực đơn | Buổi sáng | Buổi chiều |
1 | Bột gạo, sữa, bí đỏ | Bơ trộn sữa |
2 | Súp thịt gà, cà rốt | Bột gạo, tôm, rau ngót |
3 | Bột gạo, chuối, sữa | Bột gạo, thịt gà, bông cải |
4 | Bột gạo, cá, rau dền | Bơ, chuối trộn sữa |
5 | Bột gạo, thịt heo, cà rốt | Bột gạo, sữa công thức, đậu Hà Lan |
6 | Khoai tây, bông cải, sữa | Bột gạo, trứng, cà chua |
7 | Bột gạo, tôm, rau mồng tơi | Bột gạo, chuối, sữa |
Mẫu thực đơn ăn dặm cho bé từ 6 tháng tuổi.
Trẻ từ 9 - 12 tháng: Giai đoạn này có thể cho trẻ ăn 3 - 4 bữa bột đặc/ngày. Ngoài rau củ quả, nên cho trẻ ăn thêm trứng, thịt, cá, hải sản và đặc biệt là dầu hoặc mỡ. Vẫn duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức hàng ngày.
Thực đơn ở giai đoạn này hầu như tương tự với thực đơn cho trẻ từ 6-8 tháng, tuy nhiên cần tăng số lượng lên nhiều hơn và nấu đặc hơn.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 1 - 2 tuổi
Khi trẻ được 1 tuổi, có thể ăn đa dạng các loại thức ăn và ăn 4 bữa/ngày. Trong một bữa cần cho trẻ ăn đầy đủ tinh bột; trứng hoặc thịt, cá; rau và dầu mỡ.
Ở độ tuổi này này có thể cho bé ăn các món như: Cháo lạc, Cháo đậu xanh hoặc đậu đen, Cháo cá, Cháo thịt, Cháo tôm, Cháo trứng, Cháo lươn…
7h | 11h | 14h30 | 18h30 | |
Thứ 2 | Súp khoai lang, đậu đen |
Cơm nát Đậu hũ non sốt cà chua Canh sườn nấu khoai tây, cà rốt, súp lơ xanh |
Việt quất nghiền trộn sữa chua |
Cháo yến mạch, thịt bò, bí đỏ Măng tây |
Thứ 3 | Phở gà | Cháo tôm chùm ngây | Táo, Lê cắt thanh |
Cơm nát thanh Lươn xào nghệ Canh bí xanh nấu sườn |
Thứ 4 | Bún sườn mọc |
Cơm nát, trứng rán đúc thịt, canh ngao nấu mồng tơi |
Chuối cắt nhỏ trộn sữa chua | Cháo trai, hành phi |
Thứ 5 | Phở bò hành tây | Cháo gạo, chim bồ câu, đậu xanh. | Đậu hũ non yến mạch sốt thanh long đỏ |
Cơm nát Thịt bò xào giá Canh tôm mướp |
Thứ 6 | Bún riêu cua |
Cơm nát Cá quả xào hành lá Canh cải bó xôi thịt băm |
Xoài cắt nhỏ trộn sữa chua | Cháo mực, cà rốt, cải ngọt |
Thứ 7 | Cháo yến mạch sữa | Nui nấu thịt bò, cà chua | Dưa hấu cắt nhỏ, bánh yến |
Cơm nát Thịt kho trứng Su su hấp Canh rau ngót thịt băm |
Chủ nhật | Cháo gà |
Cơm nát Tim xào cà chua nấm xoài hương Canh tôm nấu bầu Củ cải hấp |
Sinh tố bơ | Cháo cá hồi bí đỏ |
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 1 đến 2 tuổi.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 2 - 3 tuổi
Giai đoạn này trẻ đã có thể ăn cơm với các loại thức ăn như người lớn. Tuy nhiên cần tránh những thức ăn quá cứng và dai, thức ăn có khả năng gây nghẹn, hóc.
Từ 2 tuổi trở đi, nhiều trẻ đã không còn bú mẹ. Vì thế bữa ăn cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Ngoài 3 - 4 bữa ăn chính mỗi ngày có thể cho trẻ ăn thêm 1 - 2 bữa phụ.
Ví dụ:
2 bữa cơm nát ăn với các loại thức ăn chế biến từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, lạc, vừng, đậu đỗ, rau xanh và dầu mỡ.
2 bữa: cháo hoặc súp, bún, phở, mỳ, sữa.
Ăn hoa quả chín sau các bữa ăn theo nhu cầu của trẻ.
Đồng thời, cần cho trẻ ngồi ăn cơm chung với cả gia đình để trẻ học cách ăn uống, gắp đồ ăn và nhai kỹ thức ăn.
Lưu ý khi cho bé ăn dặm
Để bé ăn ngon thì không nên cho bé xem các chương trình hay sử dụng đồ chơi vì chúng sẽ làm cho bé mất tập trung, không cảm nhận được mùi vị thức ăn, giảm chất lượng bữa ăn, bé lười ăn hơn.
Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì dễ làm cho trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít đi.
Mặc dù ăn dặm giúp bổ sung dưỡng chất cho bé, giúp bé khỏe mạnh, cứng cáp hơn. Tuy nhiên, nó không có tác dụng thay thế sữa mẹ chính vì vậy mẹ vẫn cần cho bé bú đầy đủ. Nếu mẹ không có đủ sữa thì cần bổ sung thêm sữa bột công thức cho trẻ.
Để tìm hiểu loại sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ có thể tham khảo bài viết top 10 sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh được Nhà thuốc Phương Chính giới thiệu trước đó, đây những loại sữa được nhiều bà mẹ ưa chuộng và tin dùng nhất hiện nay.
Lưu ý khi chế biến món ăn dặm cho bé
Nguyên liệu cần sạch và an toàn: Nguyên liệu làm thức ăn cho bé ăn dặm cần đảm bảo sạch và an toàn, không có bất kỳ sinh vật gây bệnh nào, không sử dụng các hóa chất có hại hoặc chất độc. Nếu thực đơn ăn dặm của bé có cá hay tôm thì cần đảm bảo gỡ hết xương (cá phải gỡ thịt, tôm phải cắt râu, xay và băm nhuyễn) hoặc các miếng cứng có thể làm bé bị thương.
Vệ sinh thực phẩm khi chế biến: Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hằng ngày đều có thể cho trẻ ăn được. Những dụng cụ làm bếp và đồ đựng thức ăn của bé cần được rửa và giữ sạch; thức ăn sau khi nấu cần cho bé ăn ngay trong vòng hai giờ.
Không thêm mì chính vào thức ăn dặm của trẻ.
Nên thêm 1 chút dầu ăn khi nấu món ăn dặm cho bé: Mỡ/dầu ăn dễ tiêu hóa, giàu năng lượng và có khả năng hòa tan các chất khác, giúp hệ tiêu hóa dễ hấp thu hơn. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cơ thể bé hấp thu tốt canxi và vitamin D.
Khi bé chưa tròn 1 tuổi, không nên thêm gia vị/nước mắm vào món ăn dặm vì việc thêm mắm muối vào đồ ăn dặm sẽ không tốt cho thận của bé điều này sẽ khiến thận của bé phải hoạt động quá sức gây hại cho thận.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ bài viết về thời gian bắt đầu cho trẻ ăn dặm và những kiến thức liên quan, hy vọng qua bài viết này mẹ sẽ biết và thực hiện đúng cách ăn dặm cho bé để giúp bổ sung đầy đủ và nhanh chóng những dưỡng chất cần thiết cho bé, giúp bé phát triển một cách toàn diện, bé khỏe mạnh, thông minh, cao lớn và hoạt bát.