Tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi là gì?
Tăng tiết mồ hôi là tình trạng cơ thể tiết ra quá nhiều mồ hôi, ngay cả khi không hoạt động hoặc ở nhiệt độ bình thường. Đổ mồ hôi vào những ngày nóng nực, oi bức hoặc khi tập thể dục chỉ là điều tự nhiên và trên thực tế là tốt cho sức khỏe. Ở những người mắc chứng tăng tiết mồ hôi, tuyến mồ hôi của cơ thể hoạt động quá mức, gây ra mồ hôi nhiều vào những thời điểm người khác chỉ đổ mồ hôi nhẹ hoặc không đổ mồ hôi.
Nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Nguyên nhân gây ra tăng tiết mồ hôi có thể chia thành hai loại chính: nguyên phát và thứ phát.
Nguyên nhân nguyên phát
Tăng tiết mồ hôi nguyên phát là tình trạng tăng tiết mồ hôi không rõ nguyên nhân. Nó thường bắt đầu từ thời ấu thơ và phát triển mạnh ở lứa tuổi dậy thì. Các yếu tố di truyền được cho là có vai trò trong việc kích thích thần kinh quá mức, mặc dù điều này chưa được hiểu rõ.
Thông thường, người mắc chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát sẽ đổ mồ hôi ở một vài bộ phận trên cơ thể chứ không ở trên toàn bộ cơ thể.
Nguyên nhân thứ phát
Không giống tăng tiết mồ hôi thứ phát, tăng tiết mồ hôi thứ phát thường là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn, tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc do ăn uống, căng thẳng. Dưới đây là một số tình trạng liên quan đến chứng tiết mồ hôi thứ phát:
- Rối loạn chuyển hóa (Cường giáp, tiểu đường)
- Nhiễm trùng (lao, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng toàn thân)
- Béo phì
- Bệnh tim
- Parkinson
- Tổn thương tủy sống
- Chấn thương đầu hoặc khối u làm tổn thương thần kinh
- Thay đổi nội tiết khi dậy thì, mang thai hoặc mãn kinh.
- Căng thẳng, lo lắng, hưng phấn, tức giận hoặc sợ hãi.
- Ăn những thực phẩm cay, uống đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu
- Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc hạ đường huyết, thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc giảm đau,...
Triệu chứng của tăng tiết mồ hôi
Triệu chứng chính của tăng tiết mồ hôi là tiết nhiều mồ hôi, xảy ra một cách tự nhiên ngay cả khi không hoạt động hoặc ở nhiệt độ bình thường. Mồ hôi thường trong suốt và không mùi, nhưng có thể trở nên đục và có mùi nếu bị nhiễm vi khuẩn.
Tăng tiết mồ hôi có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách và trán. Tình trạng này có thể gây khó chịu, xấu hổ và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày do việc phải thay quần áo hoặc tắm nhiều lần trong ngày.
Biểu hiện trên lòng bàn tay và lòng bàn chân
- Mồ hôi chảy nhiều trên lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngay cả khi thời tiết mát mẻ.
- Lòng bàn tay và lòng bàn chân thường ẩm ướt và trơn trượt.
- Có thể gây khó khăn khi cầm nắm vật dụng hoặc đi giày.
Biểu hiện tại nách
- Mồ hôi thấm ướt áo ở vùng nách.
- Có thể gây mùi khó chịu.
- Dễ kích ứng da hoặc nhiễm nấm
Biểu hiện trên trán
- Mồ hôi chảy nhiều trên trán, ngay cả khi không hoạt động.
- Có thể gây khó chịu và làm mờ mắt.
- Một số người mắc chứng tăng tiết mồ hôi có cảm giác mặt đỏ bừng bừng
Biến chứng của tăng tiết mồ hôi
Hyperhidrosis có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng da hoặc khiến cho da sần sùi, xanh xao, đổi màu. Ngoài ra, việc tăng tiết mồ hôi liên tục còn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trẻ em thường cảm thấy xấu hổ, tự ti và tìm cách che giấu.
Chẩn đoán tăng tiết mồ hôi
Để chẩn đoán tăng tiết mồ hôi, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và tiền sử gia đình. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhận thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân cơ bản gây tăng tiết mồ hôi như xét nghiệm tinh bột - iot, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, X-quang ngực, xét nghiệm nội tiết,...
Điều trị tăng tiết mồ hôi
Có nhiều phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Điều trị tăng tiết mồ hôi nguyên phát
- Phương pháp điều trị tại chỗ: Thuốc chống mồ hôi không kê đơn hoặc kê toa có chứa nhôm clorua có thể làm giảm mồ hôi một cách hiệu quả khi bôi lên các vùng bị ảnh hưởng như nách, lòng bàn tay hoặc bàn chân.
- Khăn lau glycopyrronium tosylate: Dùng tại chỗ để điều trị chứng đổ mồ hôi.
- Thuốc kháng cholinergic: Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể kế đơn thuốc kháng cholinergic (glycopyrrolate, oxybutynin) để giúp giảm tiết mồ hôi bằng cách ngăn chặn sự kích thích của tuyến mồ hôi.
- Liệu pháp iontophoresis: Đây là một thủ thuật sử dụng dòng điện yếu để ức chế hoạt động của tuyến mồ hôi.
- Tiêm botox: Thuốc tiêm có chứa độc tố Botulinum có thể tạm thời ngăn chặn các dây thần kinh chịu trách nhiệm kích hoạt tuyến mồ hôi, giúp giảm bớt tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều trong vài tháng.
- Liệu pháp vi sóng: Dùng năng lượng nhiệt để phá hủy tuyến mồ hôi vĩnh viễn.
- Phẫu thuật: Trong những trường hợp nặng của bệnh tăng tiết mồ hôi nguyên phát không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, các biện pháp can thiệp phẫu thuật như cắt hạch giao cảm (phẫu thuật thần kinh) hoặc cắt bỏ tuyến mồ hôi có thể được coi là biện pháp cuối cùng.
Điều trị tăng tiết mồ hôi thứ phát
Điều trị tăng tiết mồ hôi thứ phát tập trung vào việc điều trị tình trạng cơ bản gây ra tình trạng tăng tiết mồ hôi. Ví dụ, nếu tăng tiết mồ hôi là do cường giáp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị cường giáp.
Phương pháp điều trị tại nhà
Ngoài các phương pháp điều trị y tế, có một số phương pháp có thể giúp giảm tiết mồ hôi tại nhà, chẳng hạn như:
- Mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
- Dùng phấn rôm hoặc lăn khử mùi để hấp thụ mồ hôi và giảm mùi khó chịu.
- Tắm thường xuyên
- Hạn chế ăn những thực phẩm cay, đồ uống có chứa caffeine và rượu.
- Kiểm soát căng thẳng.
>>> Có thể bạn quan tâm: "12 Cách giảm mùi và tiết mồ hôi nách tại nhà", "Đổ mồ hôi nhiều, nên ăn gì và không ăn gì?"
Kết luận
Tăng tiết mồ hôi là một tình trạng phổ biến có thể gây khó chịu, xấu hổ và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Nếu tình trạng tăng tiết mồ hôi kéo dài, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.