Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Xem nhanh
- Chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết tại nhà
- Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ hợp lý:
- Những việc không nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
- Phòng ngừa sốt xuất huyết
Chăm sóc trẻ khi bị sốt xuất huyết tại nhà
Những trẻ được bác sĩ chỉ định chăm sóc tại nhà là những trẻ được phát hiện bệnh sớm, chăm sóc đúng cách trước khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng.
Với sốt xuất huyết cấp độ 1 và 2, trẻ có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết, gia đình phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được nghe theo kinh nghiệm mách bảo để chữa mẹo hoặc dùng tự ý cho trẻ dùng thêm các loại thuốc khác.
Dù chăm sóc tại nhà nhưng vẫn còn theo dõi 24/24 nhiệt độ cơ thể của trẻ. Mẹ có thể sử dụng cặp nhiệt độ ở nách, hậu môn. Tầm vài giờ mẹ lại theo dõi nhiệt độ cơ thể của con, mẹ phải theo sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể bị nặng và sốc nhanh chóng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Giai đoạn này mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, không nên để con chơi đùa nhiều và lưu ý không mặc quần áo quá nóng hay ủ kín trẻ nhé.
Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ hợp lý:
Nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ, cứ 6 giờ/lần nếu trẻ vẫn còn sốt cao. Sau khi uống thuốc hạ nhiệt 1 giờ, cần đo lại nhiệt độ. Tuyệt đối không dùng aspirin vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài rất nguy hiểm cho người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em.
Nếu thân nhiệt của trẻ dưới 38,5 độ thì mẹ không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt, chỉ cần dùng khăn nhúng nước ấm lau cho trẻ. (Chậu nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ vài độ để nhanh làm thoát nhiệt cho trẻ).
Nếu trẻ bị sốt cao trong thời gian dài (trên 39 độ), lúc này trẻ sẽ bị mất nước, mẹ nhớ bổ sung nước điện giải cho trẻ. Nếu trẻ nhỏ không uống được nước điện giải mẹ có thể cho trẻ uống nước cam, nước chanh để bù nước cho trẻ.
Những việc không nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
- Mẹ không cạo gió cho trẻ vì có thể làm con đau, chảy máu và nhiễm trùng cho trẻ.
- Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là do sốt virus nên kháng sinh không có tác dụng. Chỉ dùng khánh sinh khi có bội nhiễm và do bác sĩ chẩn đoán và chỉ định dùng.
- Không cho trẻ bị sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng...
- Không cho trẻ uống những loại nước có màu, có ga, nước ngọt vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Sau khi trẻ khỏi bệnh mẹ cũng không nên chủ quan trong việc phòng ngừa con bị sốt xuất huyết nhé. Phòng ngừa sốt xuất huyết đơn giản là chống muỗi đốt, phòng ngừa con bị muỗi đốt. Cách tốt nhất mẹ có thể diệt muỗi, diệt loăng quăng và chống muỗi đốt.
- Mẹ nên giữ nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa, khô ráo vì tối tăm ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho muỗi cư trú và phát triển.
- Phát quang bụi rậm quanh nhà, dậy kín lu vại, dọn các vũng nước sau mưa, vỏ lon, lọ, lốp xe... vì đó là nơi muỗi tới sinh nở.
- Mọi người phải nằm ngủ trong màn để tránh muỗi đốt. Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc
Trẻ có sức khỏe tốt khi trẻ có một giấc ngủ sâu và đủ dài. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ, chiều cao và sức khỏe của trẻ, khi ngủ đủ giấc sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu mà còn có tác dụng tích cực đến cân nặng, sự thông minh... ngược lại khi bé ngủ không đủ giấc sẽ làm cơ thể mệt mỏi, uể oải, dễ bị bệnh hơn.
- Bổ sung dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Để con có một sức khỏe tốt, hạn chế tối đa tình trạng ốm vặt mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ bằng cách:
+ Bổ sung vitamin C
Vitamin C có tác dụng loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể, hỗ trợ phát triển hệ xương, răng chắc khỏe, đặc biệt những bé đang bị thương, vitamin C giúp làm nhanh lành vết thương. Mẹ có thể bổ sung cho bé một số loại trái cây giàu vitamin C: cam, ổi, đu đủ, kiwi, bưởi, dâu tây... Nếu bé nào lười ăn trái cây mẹ có thể ép lấy nước hoặc làm sinh tố cho bé uống hàng ngày.
+ Bổ sung thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn cho trẻ
Một số thực phẩm giàu lợi khuẩn: sữa chua, thành phần acid lactic có trong sữa chua có tác dụng gia tăng lợi khuẩn và ức chế các vi khuẩn gây hại cho đường ruột giúp quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng trở nên thuận lợi hơn và giúp cơ thể chống lại bệnh tật hiệu quả.
Với những chia sẻ trên, các mẹ sẽ có thêm kiến thức để chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà tốt hơn.
Xem thêm: Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ khi thời tiết giao mùa