Thai trứng (chửa trứng)
Thai trứng là gì?
Thai trứng là một tình trạng bất thường của thai kỳ xảy ra khi trứng sau khi được thụ tinh không phát triển thành phôi hoặc thai nhi. Thay vào đó, mô nhau thai bất thường phát triển và tạo thành những búi nho hoặc túi chứa đầy chất dịch.
Có hai loại thai trứng chính:
- Thai trứng hoàn toàn: Đây là loại thai trứng phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp. Trong thai trứng hoàn toàn thì có nhau thai bất thường và không có thai nhi.
- Thai trứng một phần: Có thai nhi phát triển không bình thường cùng với các mô nhau thai bất thường.
Nguyên nhân thai trứng
Nguyên nhân chính xác của thai trứng vẫn chưa được biết rõ, nhưng người ta tin rằng nó có liên quan đến các bất thường về di truyền trong quá trình thụ thai. Ở thai kỳ bình thường, phôi sẽ nhận 23 nhiễm sắc thể (NST) từ tinh trùng của bố và 23 NST từ trứng của mẹ với tổng NST là 46.
Tuy nhiên, mang thai trứng có sự mất cân bằng về NST. Thai trứng hoàn toàn xảy ra khi một quả trứng được thụ tinh bởi hai tinh trùng, lúc này phôi có tới 69 NST. Mặt khác, thai trứng một phần xảy ra khi một tinh trùng thụ tinh với một quả trứng rỗng (không có NST) thì phôi chỉ có 23 NST.
Đối tượng nguy cơ
Thai trứng (chửa trứng) có thể gặp ở bất kỳ ai nhưng thường phổ biến ở nhóm đối tượng sau:
- Mang thai quá sớm (dưới 20 tuổi) hoặc mang thai quá muộn (trên 40 tuổi).
- Có tiền sử bị thai trứng trước đó.
- Sảy thai nhiều lần.
- Người gốc Á.
- Mang thai nhiều lần.
- Thể trạng yếu, hệ miễn dịch kém.
Dấu hiệu, triệu chứng của thai trứng
Các dấu hiệu, triệu chứng của thai trứng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại thai trứng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Trong một vài trường hợp, người bệnh không có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào.
Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Chảy máu âm đạo khi mang thai 3 tháng đầu, thường là nhiều và có màu đen sẫm hoặc đỏ loãng.
- Buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng
- Thể trạng xanh xao, mệt mỏi, niêm mạc nhạt nhợt do thiếu máu.
- Đau bụng hoặc đau ở vùng chậu.
- Tử cung phát triển bất thường
- Triệu chứng tương tự như tiền sản giật xảy ra vào tam cá nguyệt thứ nhất hoặc đầu tam cá nguyệt thứ hai bao gồm huyết áp cao, sưng tấy ở bàn chân, mắt cá chân.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) gây ra tình trạng lo lắng, bồn chồn, nhịp tim nhanh, run tay, dễ đổ mồ hôi,...
Chẩn đoán thai trứng
Thai trứng có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, thăm khám vùng chậu và xét nghiệm. Các xét nghiệm có thể được sử dụng để chẩn đoán thai trứng bao gồm:
- Xét nghiệm máu hCG: Nhau thai khỏe mạnh sản sinh hCG trong thai kỳ. Trường hợp mang thai trứng, nồng độ hCG được sản xuất ở mức cao bất thường.
- Siêu âm tử cung: Quan sát các mô nhau thai bất thường, có hoặc không có sự phát triển của em bé.
Điều trị thai trứng
Việc điều trị thai trứng thường liên quan đến việc loại bỏ mô nhau thai bất thường bằng các phương pháp sau:
- Hút thai bằng chân không: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với thai trứng hoàn toàn, được thực hiện bằng cách sử dụng ống hút chân không để hút các mô ra khỏi tử cung.
- Nạo thai: Nạo thai là một thủ thuật phẫu thuật được thực hiện để cạo hoặc hút các mô ra khỏi tử cung. Nạo thai thường được sử dụng để điều trị những trường hợp thai trứng một phần có mô thai nhi hoặc nhau thai xâm lấn.
- Cắt bỏ tử cung: Hiếm xảy ra, trừ trường hợp chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung, phụ nữ lớn tuổi không có ý định mang thai.
- Theo dõi hCG: Sau khi loại bỏ mô, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của người phụ nữ để đảm bảo rằng hCG trở về mức bình thường và không có dấu hiệu tái phát thai trứng.
Biến chứng thai trứng
Các biến chứng liên quan đến thai trứng có thể bao gồm:
- Mất máu, suy dinh dưỡng.
- Sẩy thai gây băng huyết nặng.
- Thai trứng xâm lấn có thể gây thủng tử cung.
- Trường hợp hiếm gặp, thai trứng có thể phát triển là ung thư biểu mô màng đệm ở trong tử cung và có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Phòng ngừa thai trứng
Không có cách nào có thể phòng ngừa được thai trứng, nhưng nếu đã có tiền sử mang thai trứng thì nên tránh mang thai trong vòng 1 năm để giảm nguy cơ mắc và chủ động khám thai sớm trong những lần mang thai tiếp theo.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.