Tắc tia sữa
Tắc tia sữa là gì?
Tắc tia sữa thường gặp ở những ngày đầu sau sinh, khi lượng sữa mẹ đang tăng lên và các ống dẫn sữa, nơi sữa mẹ chảy qua bị tắc nghẽn gây cản trở dòng sữa. Điều này có thể làm cho các mô xung quanh ống dẫn có thể trở nên cứng và dày, khi chạm sẽ cảm thấy đau.
Nguyên nhân gây tắc tia sữa
Ống dẫn sữa bị tắc xảy ra khi dòng sữa bị tắc nghẽn, gây ra áp lực tích tụ phía sau ống dẫn và kích thích các mô xung quanh nó. Các yếu tố góp phần gây cho dòng sữa bị tắc nghẽn bao gồm:
- Áp lực lên vú: Việc mặc áo ngực quá chật hoặc nằm sấp khi ngủ đè lên vú có thể gây chèn ép các ống sữa, ngăn cản dòng chảy của sữa.
- Sản xuất sữa quá nhiều: Ở một số phụ nữ, lượng sữa mẹ sản xuất ra quá nhiều so với nhu cầu của trẻ, khiến các ống sữa không thể xử lý kịp, dẫn đến tắc nghẽn.
- Cho con bú không đúng cách: Khi trẻ không ngậm vú đúng hoặc mẹ không cho con bú thường xuyên, sữa sẽ tích tụ nhiều trong ống, dẫn đến tắc nghẽn.
- Nhiễm trùng vú: Vi khuẩn xâm nhập vào vú qua vết nứt núm vú có thể gây nhiễm trùng và tắc nghẽn các ống sữa.
- Sau phẫu thuật sinh thiết vú: Khu vực phẫu thuật có thể cản trở lưu thông sữa và gây tắc nghẽn ống dẫn sữa.
Dấu hiệu, triệu chứng của tắc tia sữa
Những dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của tắc tia sữa bao gồm:
- Xuất hiện cục cứng kích thước bằng hạt đậu hoặc lớn hơn trên vú. Sau khi hút sữa hoặc cho con bú, cục u có thể di chuyển hoặc nhỏ đi.
- Cảm giác nóng hoặc sưng quanh cục u.
- Đau tức vú, đặc biệt là khi cho con bú hoặc chạm vào.
- Giảm lượng sữa chảy ra từ đầu núm vú ở phía vú bị tắc, em bé có thể trở nên quấy khóc khi bú ở bên bú đó.
- Sữa có nhiều hạt, dạng sợi hoặc đặc hơn bình thường, có thể quan được khi hút sữa ra.
Hậu quả của tắc tia sữa
Nếu tắc tia sữa không được điều trị kịp thời và kéo dài, nó có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Tổn thương mô tuyến vú: Tắc tia sữa nhiều lần hoặc không được điều trị đúng cách có thể làm tổn thương các mô tuyến vú, ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa sau này.
- Viêm tuyến vú: Tắc tia sữa kéo dài có thể gây nhiễm trùng các tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến vú với các triệu chứng phổ biến như sốt, đau nhức toàn thân, ớn lạnh, sưng đau toàn bộ tuyến vú.
- Áp xe vú: Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể tạo thành khối mủ trong vú, được gọi là áp xe vú.
Cách thông tắc tia sữa
Trong hầu hết trường hợp tắc tia sữa, mẹ có thể tự xử lý tại nhà mà không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, khi tình trạng tắc tia sữa không cải thiện sau một vài ngày, mẹ bị sốt cao, ớn lạnh, cục cứng ở vú ngày càng lớn, đau nhiều hơn hơn thì lúc này cần phải đi khám để chẩn đoán và điều trị.
Một số biện pháp thông tắc sữa tại nhà phổ biến:
- Cho con bú thường xuyên, đặc biệt là ở phía vú có ống dẫn sữa bị tắc để giúp hút sữa ra khỏi vú và giảm tắc nghẽn.
- Kỹ thuật cho con bú đúng cách, đảm bảo trẻ ngậm vú sâu và bú hết sữa ở cả hai bên vú.
- Nếu trẻ không trực tiếp bú được, mẹ có thể vắt sữa thủ công hoặc sử dụng máy hút sữa để lấy sữa ra khỏi vú. Quá trình vắt sữa nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương núm vú hoặc bầu vú.
- Chườm nóng bằng khăn ấm hoặc túi chườm nóng lên vùng vú bị tắc có tác dụng làm mềm cục cứng, giảm đau và kích thích thông sữa.
- Massage nhẹ nhàng vùng vú bị tắc theo hướng từ bên ngoài vú và di chuyển về phía đầu núm vú giúp thúc đẩy dòng chảy của sữa.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên giữ cho bầu ngực luôn sạch sẽ và thoáng mát bằng việc thay áo ngực thường xuyên. Sử dụng nước ấm và khăn mềm để lau sạch bầu ngực, tránh dùng xà phòng hoặc chất tẩy rửa mạnh. Để ngực khô tự nhiên hoặc lau nhẹ bằng khăn sạch.
Mẹo dân gian chữa tắc tia sữa
Ngoài các phương pháp điều trị y học hiện đại, một số mẹo dân gian cũng có thể hỗ trợ giảm tắc tia sữa, bao gồm:
- Hơ nóng lá cải bắp, lá mít hoặc lá đu đủ đắp lên vùng vú bị tắc kết hợp xoa bóp.
- Hành tím cắt lát, đắp lên bầu ngực, sau đó phủ khăn giấy mềm lên và băng lại.
- Giã nhỏ lá diếp cá, lá đinh lăng hoặc lá tía tô, đắp lên bầu ngực rồi băng lại.
- Giã nhỏ lá bồ công anh, lá gấc, sau đó trộn với ít rượu, cũng đắp và băng lại.
- Chườm ấm ngực bằng khăn chứa xôi nếp nóng.
- Đắp men rượu kết hợp một ít rượu trắng lên ngực và ủ lại.
- Đun xơ mướp và uống.
Cách phòng ngừa tắc tia sữa
Để phòng ngừa tắc tia sữa, bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Đảm bảo cho con bú đúng cách (có thể nhờ chuyên gia tư vấn).
- Cho trẻ bú hoặc hút sữa thường xuyên để tránh tích tụ sữa trong vú.
- Khi lịch sinh hoạt của trẻ thay đổi, không ăn nhiều như bình thường hoặc làm việc ở xa con, nên vắt sữa bằng tay hoặc hút sữa để giảm bớt áp lực.
- Massage nhẹ nhàng bầu ngực trước và sau khi cho con bú để kích thích thông tia sữa.
- Tránh mặc áo ngực quá chật hoặc nằm ngủ đè lên vú.
- Uống nhiều nước để duy trì lượng sữa và kích thích thông tia.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và thúc đẩy quá trình hồi phục.
- Tránh hút thuốc lá hoặc uống rượu vì các chất này có thể làm giảm lượng sữa và gây tắc tia.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.