Tác dụng & tác hại của hoa đậu biếc
Xem nhanh
- Hoa đậu biếc là hoa gì?
- Tác dụng của hoa đậu biếc
- Tác dụng làm đẹp
- Duy trì sức khỏe của mắt
- Công dụng giảm cân
- An thần, giảm lo âu, ngừa trầm cảm
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
- Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư
- Tốt cho tim mạch
- Tác dụng kháng khuẩn
- Tăng cường miễn dịch
- Tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, mệt mỏi
- Tác hại của hoa đậu biếc
- Một số cách dùng hoa đậu biếc
- 1. Cách pha trà hoa đậu biếc khô
- 2. Trà detox hoa đậu biếc tươi, táo và hạt chia
- 3. Trà hoa đậu biếc matcha
- 4. Trà hoa đậu biếc nước cốt dừa
- 5. Cách làm trà hoa đậu biếc macchiato
- 6. Cách làm trà sữa hoa đậu biếc
- 7. Cách làm trân châu đậu biếc
- 8. Rau câu hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc là hoa gì?
Hoa đậu biếc hay còn gọi là Đậu hoa tím, Bông biếc… là một loài cây leo, thân thảo, sống nhiều năm, thường được trồng làm hàng rào hoặc thành giàn hoa trông rất đẹp mắt. Hoa có màu xanh tím, xanh lam đậm hoặc màu trắng, nhưng phổ biến nhất là màu xanh tím.
Ở Việt Nam trước đây cây đậu biếc thường mọc hoang với những bông hoa leo ở bờ rào và để lấy quả. Có nơi họ trồng hoa dùng làm cây phân xanh, cây che phủ đất và cải tạo đất. Cây chịu nắng và hạn được trồng bằng hạt. Bộ phận chứa chất độc của cây đậu biếc là hạt và rễ. Trong thành phần của hạt chứa các acid amin và một loại dầu độc dùng làm thuốc tẩy. Rễ có vị chát, đắng, chứa các chất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.
Ngày nay, trong menu tại các quán bán thức uống thường xuất hiện một loại thức uống có màu xanh xanh, tim tím, hồng hồng,... và thu hút được rất nhiều khách hàng. Đó là trà làm từ hoa đậu biếc, một loại trà vừa có màu tuyệt đẹp và có nhiều công dụng đối với sức khỏe.
Trà hoa đậu biếc có nguồn gốc từ Thái Lan, sau đó sang Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam và một số nước vùng Đông Nam Á. Trong những công trình nghiên cứu khoa học, người ta đã phân tích được từ hoa Đậu biếc nhiều hợp chất hóa học hữu cơ, đáng chú ý là 2 hoạt chất: anthocyanin (một loại flavonoid) tạo nên màu xanh rực rỡ của hoa và cliotide.
Thực tế, hai hoạt chất này không chỉ giúp cho thực phẩm có màu sắc tự nhiên đẹp mắt, mà nó còn giúp cho hoa đậu biếc phát huy nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người.
Tác dụng của hoa đậu biếc
Khi nhắc đến hoa, người ta thường nghĩ đến màu sắc, vẻ đẹp và hương thơm của nó. Nhưng đối với đậu biếc thì nó không thơm nhưng lại có màu lạ mắt và rất đẹp, vẻ đẹp đó không chỉ thể hiện ở sắc hoa, hình dạng mà còn đẹp ở công dụng tuyệt vời của nó đối với sức khỏe con người. Cụ thể:
Tác dụng làm đẹp
Uống nước hoặc trà hoa đậu biếc có tác dụng làm đẹp da, ngăn ngừa rụng tóc và làm cho tóc đen bóng mượt.
Trong thành phần của hoa đậu biếc có chứa một số hoạt chất có thể giúp cải thiện sức khỏe tế bào. Đồng thời cũng giúp máu lưu thông được tốt hơn từ đó giúp làm đẹp hiệu quả.
Duy trì sức khỏe của mắt
Đậu hoa biếc có thể giúp cải thiện, bảo vệ và tăng tầm nhìn của mắt thông qua cơ chế tăng cường máu đến cơ quan giúp cho dòng chảy máu qua các mao mạch mắt từ đó giúp cải thiện và bảo vệ mắt hữu hiệu.
Việc mắt được bảo vệ sẽ giúp tránh những tổn thương do các gốc tự do nên làm chậm sự tiến triển của đục thủy tinh thể, giúp điều trị những tổn thương của võng mạc.
Công dụng giảm cân
Hoa đậu biếc có chứa thành phần anthocyanin - loại chất có thể ức chế phản ứng peroxy hóa lipid, ngăn ngừa việc tích tụ chất béo trong nội tạng. Do đó, uống nước làm từ bông biếc có thể giúp duy trì vóc dáng thon thả, phòng tránh bệnh béo phì hiệu quả.
Nếu muốn kiểm soát cân nặng, bạn có thể thưởng thức loại thức uống sau bữa ăn để thanh lọc cơ thể và tăng cường trao đổi chất.
An thần, giảm lo âu, ngừa trầm cảm
Theo các tài liệu cổ (từ lý luận của Ayurveda Ấn Độ và Trung Y), hoa đậu biếc có tác dụng an thần, giảm lo âu, ngừa trầm cảm giúp tinh thần thoải mái và ngủ ngon giấc hơn là do anthocyanin - chất tạo nên màu xanh của hoa.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Hoa đậu biếc có thể làm tăng tiết insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, làm giảm một phần nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nhờ đó, sử dụng loài hoa này có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư
Trong hoa đậu biếc có chứa thành phần có khả năng chống oxy hóa cao nên có thể giảm được tối đa việc hình thành các gốc tự do, giúp ngăn chặn các tác động có hại của các gốc tự do gây ra.
Không những thế, nó còn có tác dụng trong việc bảo vệ màng tế bào, ổn định di thể trong nhân tế bào, tăng khả năng nhận diện ung thư của bạch cầu và thực bào, từ đó hạn chế được sự phát triển của tế bào ung thư và đồng thời bảo vệ bệnh nhân trong quá trình xạ trị.
Tốt cho tim mạch
Với khả năng giúp lưu thông máu tốt, người dùng hoa đậu biếc sẽ có hệ tim mạch tốt hơn. Sử dụng loại hoa này có thể giảm huyết áp, bảo vệ thành mạch, ngừa xơ cứng mạch máu và giảm thuyên tắc máu ngăn ngừa huyết khối não, từ đó làm giảm nguy cơ tử vong do động mạch vành.
Tác dụng kháng khuẩn
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần cliotide trong hoa đậu biếc có khả năng kháng khuẩn In Vitro chống lại E. coli, K. pneumoniae, và P. aeruginosa. Nhờ đó, làm tăng khả năng kháng khuẩn của cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Tăng cường miễn dịch
Hoạt chất anthocyanin trong hoa đậu biếc có tác dụng bảo vệ DNA và lipid peroxidation khỏi các tổn thương và tăng cường sản xuất cytokine để tăng miễn dịch cho cơ thể.
Tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, mệt mỏi
Với hàng loạt những công dụng đã nêu trên cũng có thể thấy việc sử dụng đồ ăn, thức uống làm từ hoa đầu biếc hiển nhiên sẽ giúp cơ thể tăng cường sức khỏe, bớt mệt mỏi.
Với sắc xanh, sắc tím, sắc hồng đẹp mắt người dùng thực phẩm chế biến từ hoa đậu biếc sẽ cảm thấy khoan khoái, thư giãn mỗi khi thưởng thức và khi nhìn thấy những màu sắc tươi đẹp này.
Để hiểu rõ hơn về hoa đậu biếc, mời bạn tham khảo thêm video sau:
Tác hại của hoa đậu biếc
Như chúng ta đã biết, bất cứ điều gì cũng có 2 mặt của nó, sử dụng đúng cách, đúng liều lượng sẽ giúp phát huy tốt công dụng, ngược lại sẽ rước họa vào thân.
Vì hoa đậu biếc có chứa anthocyanin có tác dụng ức chế sự kết tụ tiểu cầu, tăng lưu thông máu, thúc đẩy sự co bóp tử cung nên lưu ý cẩn thận hạn chế dùng trong các trường hợp: Có thai, đang hành kinh, đang chuẩn bị phẫu thuật, đang dùng thuốc chống đông máu...
Theo BSCKII, Hoàng Thanh Hiền Khoa Y học Cổ truyền, bệnh viện Quận 11, TPHCM, cây hoa đậu biếc rễ và hạt có chứa một lượng nhỏ chất độc để điều chế thuốc tẩy, thuốc xổ, thuốc hay trị rắn cắn, thuốc trị côn trùng cắn,... Do đó, việc ăn nhầm hạt hoa có thể gây khó chịu và buồn nôn.
Đối với trẻ nhỏ vì sức khỏe còn non yếu, trong hạt giống hoa đậu biếc lại chứa nhiều hợp chất mà trẻ em không kịp hấp thụ được dễ gây ra tác dụng phụ. Trẻ ăn phải hạt đậu biếc dễ gây xổ tả, buồn nôn.
Những tác hại này được nếu ra nhằm mục đích nhắn nhủ với bạn rằng: khi sử dụng bất kỳ thứ gì cũng cần phải tìm hiểu thật kỹ mặt lợi và hại của nó, cần chú ý đến liều lượng và cách dùng đồng thời không lạm dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Một số cách dùng hoa đậu biếc
Hiện nay, các loại đồ ăn thức uống được chế biến từ hoa đậu biếc khá đa dạng. Sau đây là một số cách thực hiện khá đơn giản mà hiệu quả tại nhà:
1. Cách pha trà hoa đậu biếc khô
Hoa đậu biếc khô và nước cốt chanh là cách pha đơn giản, dễ thực hiện và được nhiều người áp dụng nhất hiện nay. Để pha trà bạn cần:
Chuẩn bị:
30g bông đậu biếc khô, 2 lát chanh tươi, 200ml nước lọc (tùy theo số lượng cần dùng mà tăng giảm nguyên liệu thích hợp theo công thức trên).
Cách làm:
- Đun sôi 200ml nước đã chuẩn bị sẵn rồi tắt bếp.
- Tiếp theo cho bông đậu biếc vào ngâm cho ra màu rồi vớt bông ra.
- Lấy nước trà đậu biếc, để nguội, rồi vắt 2 lát chanh vào rồi thưởng thức.
- Để tăng thêm độ ngọt, bạn có thể cho thêm đường hoặc bỏ đá lạnh vào dùng cho mát.
2. Trà detox hoa đậu biếc tươi, táo và hạt chia
Trà detox thanh lọc cơ thể đang là xu hướng được nhiều chị em áp dụng để thanh lọc cơ thể, làm đẹp da và ngăn ngừa lão hóa. Khác với các loại trà truyền thống, trà detox là sự kết hợp hài hòa giữa thảo mộc và các loại trái cây, rau củ, tạo nên 1 bình trà thơm ngon, bổ dưỡng.
Nguyên liệu:
Hoa đậu biếc tươi 5 bông, táo đỏ 1 quả, hạt chia 1 muỗng, chanh 1/3 quả, mật ong nguyên chất 1 muỗng (có thể ít, nhiều tùy theo khẩu vị).
Cách làm:
- Rửa sạch táo, thái lát khoảng 0,5cm rồi ngâm vào trong nước lạnh (có thể pha nước chanh để khỏi thâm).
- Hãm hoa đậu biếc trong khoảng 250ml nước nóng cho đến khi ra hết màu thì vớt bỏ xác hoa, sau đó cho mật ong vào nước hoa khuấy đều.
- Cho táo cắt lát và hạt chia vào nước trà hoa đậu biếc vừa pha.
- Khuấy đều rồi sử dụng ngay hoặc có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh để dùng ngon hơn.
3. Trà hoa đậu biếc matcha
Matcha vốn là nguyên liệu dùng để làm thức uống vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng, kết hợp với hoa đậu biếc sẽ giúp độ ngon tăng lên nhiều lần.
Chuẩn bị nguyên liệu:
Hoa đậu biếc tươi 10 bông, bột matcha 1 muỗng cà phê, đường trắng 1 muỗng (tăng giảm tùy khẩu vị).
Cách làm:
- Ngâm hoa đậu biếc tươi trong 60ml nước nóng, đánh tan đường trắng trong 1 ly nước nóng khác.
- Khi cốc nước đường ấm thì cho bột matcha vào khuấy đều.
- Đổ hỗn hợp matcha đường trắng vào ly nước đậu biếc, cho thêm đá và thưởng thức thành quả.
4. Trà hoa đậu biếc nước cốt dừa
Nước cốt dừa béo ngậy, hoa đậu biếc bổ dưỡng và đẹp mắt sẽ giúp cho bạn có một ly nước uống ngon lành, mát lạnh xua tan ngày hè nóng bức.
Chuẩn bị: Hoa đậu biếc 10 bông, nước cốt dừa 50ml, đường trắng 50g (tăng giảm tùy khẩu vị).
Cách làm: Ngâm hoa đậu biếc tươi vào 600ml nước nóng cho đến khi ra hết màu thì bỏ xác hoa. Cho đường vào nước hoa đậu biếc vừa pha, khuấy đều cho tan hết rồi cho nước cốt dừa vào. Thêm đá lạnh và thưởng thức.
5. Cách làm trà hoa đậu biếc macchiato
Đây là thức uống xuất hiện thường xuyên trên các menu của quán nước và rất được giới trẻ yêu thích.
Nguyên liệu:
10g bông đậu biếc khô, 80ml kem whipping nặng, 20ml sữa tươi không đường, 20ml topping cream, 30g đường trắng và 2g muối trắng.
Cách làm:
- Đun sôi khoảng 300 - 350ml nước. Sau đó đem đổ toàn bộ vào ấm trà đã có sẵn đậu biếc khô. Đợi khoảng 15 phút để màu của trà ra hết.
- Tiếp đến, vớt hoa ra và cho thêm đường nếm cho vừa miệng.
- Cho kem whipping, sữa tươi không đường cùng topping cream vào 1 cái tô lớn. Rồi dùng dụng cụ đánh trứng đánh cho đến khi chúng tạo hỗn hợp và bông lên. Sau đó cho hỗn hợp vào lò vi sóng trong vòng 30 giây ở nhiệt độ trung bình.
- Cuối cùng đổ thành phẩm thu được lên cốc trà ban đầu và từ từ thưởng thức. Có thể cho thêm đá nếu bạn muốn uống lạnh.
Lưu ý chung: Chỉ nên sử dụng trà hoa đậu biếc với lượng 1-2 ly trong ngày (khoảng 5-10 bông, tương đương 1-2 gam hoa khô) là hợp lý và không gây hại cho cơ thể.
6. Cách làm trà sữa hoa đậu biếc
Trà sữa - món uống yêu thích của học sinh, sinh viên. Để làm được thức uống này bạn cần:
Chuẩn bị:
2g bông đậu biếc khô, 15g búp trà xanh khô, 100g đường phèn, 300g đường trắng, 100g bột sữa thái.
Cách làm:
- Ngâm bông đậu biếc đã chuẩn bị sẵn trong 500ml nước sôi, đợi khoảng 15 phút. Sau đó, vớt bã trà ra, chỉ lấy nước.
- Tiếp đến, cho đường và bột sữa thái vào, khuấy đều cho tan hết. Như vậy là đã có một ly trà sữa đậu biếc rồi. Nếu bạn muốn uống lạnh thì có thể cho thêm đá vào hoặc cho thêm thạch, trân châu,...
7. Cách làm trân châu đậu biếc
Có trà sữa đậu biếc rồi, có thêm trân châu đậu biết thì "tuyệt cú mèo". Viên trân châu xanh như ngọc, ngon ngọt cùng với trà sữa hoa đậu biếc thơm béo sẽ là một thức uống tuyệt vời cho bạn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Để làm trân châu đậu biếc bạn cần:
Chuẩn bị:
150g bột năng, 100g đường và 8-10 hoa đậu biếc tươi hoặc 2g đậu biếc khô.
Cách làm:
- Rửa sạch hoa, cho vào bình thủy tinh rồi đổ nước sôi vào (200ml) và đậy nắp để hoa ra màu.
- Dùng 200ml nước hoa đậu biếc với 50g đường nấu thật sôi rồi đổ vào bột (không dùng hết nước nhé)nhồi bột thành khối dẻo mịn không dính tay.
- Vò bột thành những viên nhỏ. Nấu nước sôi, bột đã vò lên luộc 10 phút. Vẫn giữ bột trong nồi cho đến khi nguội rồi vớt ra.
- Dùng 200ml nước hoa đậu biếc nấu sôi với 50g đường rồi cho trân châu vào ngâm.
Như vậy chúng ta đã cho ra thành quả rồi đấy!
8. Rau câu hoa đậu biếc
Rau câu - món tráng miệng thơm ngon, hấp dẫn dễ làm và dễ dùng là món ăn yêu thích của rất nhiều gia đình.
Chuẩn bị nguyên liệu:
Hoa đậu biếc (5-10 bông), nước 500ml, đường 20g, sữa đặc 35g, bột agar giòn 5g, lá dứa 2 nhánh.
Cách làm:
- Hãm nước màu hoa đậu biếc: Nấu 500ml nước, khi nước sôi cho lá dứa đã chuẩn bị vào nồi để tạo mùi thơm.
- Tiếp đó, cho hoa đậu biếc vào, hạ lửa nhỏ đậy nắp đợi trong vòng 1 phút để hoa ra màu.
- Tắt bếp đợi khoảng 5 phút rồi chắt lấy nước.
- Cho vào nồi 450ml nước. Trộn đều agar, đường và sữa để khi nấu lên agar không bị vón cục.
- Tiếp đến, cho hỗn hợp nguyên liệu vừa trộn vào nồi nước nấu, luôn khuấy đều tay để agar không bị vón cục, tan hoàn toàn.
- Đến khi nước agar và đường sôi, thì cho nước hoa đậu biếc vào, vừa cho vừa khuấy đều cho đến khi hỗn hợp sôi rồi tắt bếp. Đổ vào khay, để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh rồi sử dụng.
Ngoài ra, để rau câu có thêm màu sắc đẹp hơn và ngon hơn bạn có thể nấu thêm rau câu sữa dừa rồi đổ thành từng lớp xen kẽ với rau câu hoa đậu biếc đã nấu trước đó.
Ngoài những công thức đã giới thiệu trên thì còn rất nhiều món được chế biến từ hoa đậu biếc ví dụ như: xôi hoa đậu biếc, bánh flan hoa đậu biếc, sữa chua hoa đậu biếc, bánh mousse hoa đậu biếc, bánh bao hoa đậu biếc, mứt hoa đậu biết,... để thực hiện những món ăn này bạn có thể đọc hướng dẫn trên nhiều nguồn thông tin khác nhau như youtube, google,... Hãy tham khảo để nấu những đồ ăn và thức uống mà mình yêu thích từ loại hoa "thần kỳ" này nhé.
Trên đây là toàn bộ bài viết về tác dụng và tác hại của hoa đậu biếc cùng một số thông tin liên quan. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Cuối cùng, chúc bạn dồi dào sức khỏe, luôn vui vẻ và hạnh phúc!