Zona thần kinh có để lại sẹo không?
Xem nhanh
- Những biến chứng của Zona thần kinh có thể để lại sẹo
- Biến chứng thường gặp của bệnh
- Biến chứng nặng
- Cách chăm sóc ngăn ngừa biến chứng sẹo cho bệnh nhân Zona thần kinh
Những biến chứng của Zona thần kinh có thể để lại sẹo
Zona là sự tái phát của virus gây bệnh thủy đậu ngủ yên trong các dây thần kinh, đối với những người đã mắc bệnh thủy đậu trước đó. Nguyên nhân chưa được xác định cụ thể nhưng có thể do sự căng thẳng, mệt mỏi, chấn thương dài hạn, hoặc suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh mà virus có cơ hội bùng phát.
Người càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao bị bệnh Zona thần kinh, những người 60 tuổi có nguy cơ bị bệnh này cao gấp 10 lần so với trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh có thể được chẩn đoán qua các nốt phát ban trên cơ thể, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ, kể cả trước đó người bệnh chưa bao giờ bị thủy đậu.
Cũng giống như rất nhiều những căn bệnh có vết thương hở ngoài da khác, Zona thần kinh rất dễ biến chứng khi người bệnh không được chữa trị kịp thời và chăm sóc đúng cách.
Biến chứng thường gặp của bệnh
Biến chứng thường gặp nhất là đau dây thần kinh vùng bị bệnh. Những cơn đau có thể sau khi bị bệnh sẽ hết, cũng có thể kéo dài cả năm sau khi vết thương bên ngoài đã lành da.
Nhiều trường hợp bị biến chứng gây bội nhiễm da, tạo thành các mụn mủ, bị loét sâu, sưng bóng lên, sẽ khiến người bệnh rất đau đớn. Những biến chứng này xảy ra phần lớn do điều trị chăm sóc sai cách như tự ý đắp lá, phun thuốc dân gian có nguy cơ gây nên những vết sẹo rất mất thẩm mỹ sau khi vết thương lành.
Biến chứng nặng
Biến chứng nguy hiểm nhất là khi virus tấn công dây thần kinh tam thoa ở mặt, các vết mụn nước tổn thương sẽ mọc trên mặt, trong miệng và mắt, có nguy cơ gây ra giảm thị lực và thính lực của người bệnh. Ngoài ra, phụ nữ có thai mắc bệnh Zona thần kinh có thể gây hại cho thai nhi.
Để phòng tránh tất cả những biến chứng thường thấy và nguy hiểm vừa nêu của bệnh Zona thần kinh, người mắc bệnh cần thực sự cẩn trọng trong cách chăm sóc vết thương ngay từ khi mới phát hiện bệnh.
Cách chăm sóc ngăn ngừa biến chứng sẹo cho bệnh nhân Zona thần kinh
Cần đưa người bệnh thăm khám trong vòng 48 giờ tính từ khi có những tổn thương da, và tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn chỉ định y khoa của bác sĩ.
Chú ý vệ sinh tắm rửa hàng ngày, giữ sạch thân thể và vùng da tổn thương, lưu ý không gãi, không chà xát trực tiếp xà bông tắm hoặc bất cứ hóa chất nào lên vùng da bị bệnh.
Không tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp đỗ xanh, gạo nếp, hoặc lá thuốc nam lên vùng da bệnh sẽ tăng nguy cơ bội nhiễm, gây loét da, kích ứng da, có thể để lại sẹo nghiêm trọng. Không nên gãi ngứa vào vùng da bị bệnh, dễ gây xước da, nhiễm trùng thành sẹo và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.
Ngay sau khi các vết viêm da vỡ ra, khô miệng dùng kem trị sẹo thoa lên để giữ ẩm, ngăn ngừa viêm, thúc đẩy, hỗ trợ cơ thể tăng sinh collagen làm lành da, tránh sẹo.
Cần thiết lập một chế độ ăn uống bổ sung nhiều thực phẩm tươi chứa Protein, sắt, axit folic, và các vitamin C, B12, các khoáng chất kẽm, selen như các loại thịt động vật, các loại ngũ cốc, hạt đậu đỗ, các loại trái cây họ cam và các loại rau có màu xanh thẫm... Những chất này sẽ giúp cơ thể tổng hợp, vận chuyển dinh dưỡng đến miệng các vết mụn loét, chữa lành vết thương nhanh chóng.
Nên kiêng dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, các đồ ăn quá cay nóng hoặc đồ ăn công nghiệp. Các hóa chất có trong các thực phẩm này làm cản trở quá trình chữa thương của cơ thể, khiến các vết loét lâu lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, để tránh bệnh Zona thần kinh tái phát người bệnh sau khi khỏi bệnh cần có một chế độ sống và làm việc khoa học, lành mạnh, tránh mệt mỏi quá độ và nâng cao hệ miễn dịch bản thân, có thể phòng tránh Zona và nhiều bệnh tật khác, nhất là những người cao tuổi.