Sùi mào gà
Sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà là bệnh lây qua đường tình dục gây ra bởi virus HPV (Human papillomavirus) tuýp 6 và 11 khi có sự tiếp xúc da kề da. Bệnh phổ biến ở cả nam và nữ, tuy nhiên theo thống kê nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn, điều này có thể do môi trường âm đạo tạo điều kiện lý tưởng cho virus phát triển.
Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà
Sự lây lan của virus HPV thông qua hoạt động tình dục không an toàn là nguyên nhân chính gây ra bệnh sùi mào gà. Bên cạnh đó, một số yếu tố như suy giảm hệ miễn dịch, tuổi, giới tính cũng tác động đến sự phát triển của bệnh. Cụ thể:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Bao cao su có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, do đó việc không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su thủng rách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, quan hệ bằng miệng cũng có thể làm lây lan virus.
- Tiếp xúc với nhiều bạn tình: Quan hệ với nhiều người và những người này cũng quan hệ với nhiều người khác nữa thì sẽ làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh sùi mào gà.
- Lây từ mẹ sang con: Trẻ có thể bị nhiễm HPV trong quá trình sinh thường.
- Tiếp xúc với các tổn thương nhiễm HPV ở vị trí khác: Có thể thông qua miệng, bàn tay, ngón tay.
- Dùng chung vật dụng cá nhân: Kính, sơn môi, khăn tắm, dao cạo râu, đồ chơi tình dục.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Khi hệ miễn dịch yếu sẽ không đủ khả năng chống lại sự xâm nhập và lây lan của virus gây bệnh.
- Tuổi tác: Người trẻ thường có nguy cơ mắc sùi mào gà cao hơn
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh sùi mào gà
Các triệu chứng của bệnh sùi mào gà thường xuất hiện sau khoảng 3-8 tuần kể từ khi tiếp xúc với virus HPV. Trong một số trường hợp, bệnh có thể xuất hiện sớm hoặc không có triệu chứng cho đến vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau khi tiếp xúc.
Trong giai đoạn ủ bệnh, virus chỉ mới xâm nhập, chưa gây ra các tác động lớn đối với tế bào nên rất khó phát hiện bệnh. Bước sang giai đoạn khởi phát, sùi mào gà mới bắt đầu gây ra các sẩn mụn, u nhú màu hồng nhạt, không gây đau đớn, rải rác ở vùng niêm mạc bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng.
Đến giai đoạn bùng phát, bệnh mới có các triệu chứng nghiêm trọng hơn như tăng mạnh số lượng, kích thước các nốt sùi, lúc này hình dạng trông giống súp lơ hoặc mào gà, khi cọ xát có thể gây đau, chảy máu, tăng tiết dịch hôi hám, chảy mủ.
Triệu chứng ở nam giới
Ở nam giới, sùi mào gà thường xuất hiện trên dương vật, bìu, bao quy đầu, vùng phụ cận hậu môn, đáy chậu. Các triệu chứng phổ biến gồm có:
- Xuất hiện các nốt sùi màu màu hồng hoặc đỏ nhạt, đứng đơn lẻ hoặc thành cụm.
- Khi vỡ gây ngứa, lở loét, rỉ dịch.
- Đau rát hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục, đôi khi chảy máu.
Triệu chứng ở nữ giới
Ở nữ giới, bệnh sùi mào gà thường xuất hiện ở bên trong và bên ngoài âm đạo, cổ tử cung, hậu môn, gây ra các triệu chứng tương tự như nam giới.
Biến chứng sùi mào gà
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sùi mào gà ảnh hưởng đến nhiều bộ phận và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như làm nặng thêm tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, tăng nguy cơ ung thư vùng sinh dục, gây vô sinh hiếm muộn.
Chẩn đoán bệnh sùi mào gà
Bác sĩ sẽ chẩn đoán sơ bộ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh gặp phải và thăm khám các bất thường trên cơ quan sinh dục, hậu môn. Đối với nam giới, bác sĩ sẽ kiểm tra dương vật, quy đầu và vùng xung quanh. Đối với nữ giới, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo, cổ tử cung và vùng xung quanh. Để chẩn đoán kỹ lưỡng hơn, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm axit acetic: Xét nghiệm sẽ hơi gây đau nhưng cho kết quả nhanh, tương đối chính xác. Bác sĩ dùng dung dịch axit acetic 3-5% bôi lên các khu vực có nốt sùi, u nhú và quan sát các bất thường.
- Xét nghiệm mẫu vật: Mang các u mụn đi xét nghiệm, phân tích.
- Xét nghiệm mẫu dịch, máu hoặc nước tiểu: Chẩn đoán sùi mào gà ở những nơi mắt không quan sát được và chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như lậu, giang.
- Xét nghiệm HPV: Xác định người bệnh có bị nhiễm virus HPV hay không bằng cách lấy mẫu tế bào từ vùng bị ảnh hưởng và kiểm tra chúng dưới kính hiển vi.
Cách chữa sùi mào gà
"Sùi mào gà có chữa được không?" câu trả lời là có, tuy nhiên hiện nay không có phương pháp nào loại bỏ hoàn toàn virus HPV ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa sự lây lan của virus HPV.
Thuốc
Thuốc là một trong những phương pháp điều trị chính cho bệnh sùi mào gà. Các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm thuốc dùng ngoài da, thuốc uống hoặc thuốc tiêm cho các trường hợp nghiêm trọng. Với mỗi tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp, người bệnh không tự ý dùng khi chưa đi thăm khám để tránh dùng nhầm bệnh hoặc gây biến chứng, nhờn thuốc.
- Acid Trichloracetic 80%: Thuốc bôi ngoài ra đặc trị mụn cóc được sản xuất bởi bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh.
- Imiquimod Cream 5: Điều trị sùi mào gà ở bên ngoài bộ phận sinh dục hoặc khu vực quanh hậu môn. Thuốc bôi có thể gây tác dụng phụ đỏ, ngứa, bỏng rát, phù nề tại vị trí bôi.
- Podophyllin: Thuốc bôi ngoài được chiết xuất từ nhựa cây Podophylum có khả năng phá hủy các nốt sùi mào gà. Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân đái tháo đường.
- Thuốc tiêm Interferon alfa-n3: Tiêm trực tiếp vào từng tổn thương. Khi vào cơ thể, Interferon giúp tăng hoạt động đại thực bào, kích hoạt tế bào lympo T và tổng hợp một số chất kháng virus.
Phẫu thuật
Nếu các sùi mào gà không phản ứng với các loại thuốc hoặc nó đã phát triển thành ung thư, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật có thể được sử dụng bao gồm đốt điện, phẫu thuật laser, cạo sùi mào gà, công nghệ quang điện học ALA-PDT thế hệ 3, IRA kết hợp đông y.
Phòng ngừa bệnh sùi mào gà
Để giảm nguy cơ bị nhiễm virus HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nên áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Sử dụng bao cao su không có dấu hiệu thủng, rách
- Chung thủy một vợ một chồng/ Hạn chế số lượng bạn tình của bạn
- Tiêm vắc xin HPV
- Xét nghiệm định kỳ các bệnh lây qua đường tình dục.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.