Canxi Citrate là canxi vô cơ hay hữu cơ?
Xem nhanh
- Tổng quan về Canxi Citrate
- 1. Công thức hóa học, tính chất vật lý
- 2. Nguồn gốc Canxi Citrate
- 3. Ứng dụng
- 4. Đối tượng sử dụng, liều dùng
- Ưu điểm của Canxi Citrate
- 1. Dễ hấp thu
- 2. Không gây kích ứng dạ dày
- Tác dụng phụ của Canxi Citrate
- Kết luận
Tổng quan về Canxi Citrate
1. Công thức hóa học, tính chất vật lý
Canxi Citrate là canxi hữu cơ bao gồm các cation canxi và anion citrate với công thức hóa học Ca3(C6H5O7)2. Canxi này có dạng bột kết tinh màu trắng, không mùi, không vị, ít tan trong nước.
2. Nguồn gốc Canxi Citrate
Canxi Citrate có nguồn gốc từ axit citric nên trong tự nhiên nó chủ yếu được tìm thấy trong các loại trái cây họ cam quýt, dứa, lê. Trong công nghiệp, Canxi Citrate thu được trực tiếp từ phản ứng của Axit Citric & Canxi Cacbonat hoặc được sản xuất từ Axit Citric & Canxi Hydroxit bằng phản ứng axit-bazơ.
3. Ứng dụng
Thực phẩm
Canxi Citrate được sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho nhiều loại thực phẩm như sữa công thức cho trẻ sơ sinh, nước ép trái cây, các sản phẩm từ sữa, đồ uống đặc, đồ uống thể thao, sữa bò, sữa đậu nành,... Bên cạnh đó, nó còn được ứng dụng làm chất bảo quản hoặc chất tạo hương vị cho thực phẩm.
Y học
Canxi Citrate thường được sử dụng để bổ sung canxi giúp cho xương răng chắc khỏe, phòng ngừa tình trạng thiếu hụt canxi, loãng xương, còi xương hoặc nhuyễn xương. Cải thiện tình trạng biếng ăn, mất ngủ, cáu kỉnh, rụng tóc vành khăn, chậm mọc răng do thiếu hụt canxi ở trẻ nhỏ. Ngoài xương, bổ sung canxi còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác như giảm nguy cơ ung thư, tim mạch, tiền sản giật.
4. Đối tượng sử dụng, liều dùng
Canxi Citrate có thể được sử dụng cho mọi đối tượng, từ trẻ em đến người già, phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, một số trường hợp có tiền sử dị ứng với canxi hoặc axit citric nên tránh sử dụng loại này. Ngoài ra, những người có bệnh thận hoặc đang sử dụng các loại thuốc khác cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng canxi citrate.
Liều dùng thông thường của Canxi Citrate là 500-1500mg mỗi ngày tùy thuộc vào nhu cầu canxi của từng người. Sử dụng theo đúng chỉ dẫn ghi trên nhãn hoặc theo chỉ định của bác sĩ, tránh sử dụng quá liều lượng khuyến cáo.
Ưu điểm của Canxi Citrate
1. Dễ hấp thu
Hiệu quả hấp thu của Canxi Citrate tốt hơn so với các loại muối canxi vô cơ khác (chẳng hạn như Canxi Carbonate và Canxi Phosphate). Cụ thể, theo "Phân tích tổng hợp về sinh khả dụng của canxi: So sánh Canxi Citrate với Canxi Carbonate" được đăng trên Tạp chí Trị liệu Hoa Kỳ cho thấy sự hấp thu canxi từ canxi citrate luôn cao hơn đáng kể so với canxi cacbonat khoảng 22% đến 27%.
2. Không gây kích ứng dạ dày
Canxi Citrate ít gây kích ứng dạ dày hơn so với các loại muối canxi khác. Do đó, dạng canxi này có thể uống khi bụng đói hoặc sau ăn đều được.
Tác dụng phụ của Canxi Citrate
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng Canxi Citrate cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng canxi liều rất cao hoặc trong thời gian dài có thể dẫn đến nồng độ canxi trong máu tăng cao. Khi có các triệu chứng dưới đây, người dùng cần đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau bụng, táo bón
- Khát nước, đi tiểu nhiều hoặc ít, không đi tiểu
- Sưng tấy, tăng cân
- Yếu cơ, đau xương
- Thiếu năng lượng, mệt mỏi
- Lú lẫn
- Phát ban, nổi mề đay
- Hôn mê, mê sảng
Kết luận
Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong về tổng quan, nguồn gốc, ưu điểm và tác dụng phụ của Canxi Citrate. Dựa trên những thông tin trên, chúng ta có thể thấy rằng canxi citrate là một loại canxi hữu cơ dễ hấp thu, không gây kích ứng dạ dày. Khi bổ sung canxi loại này cần tuân thủ đúng liều lượng để tránh tác dụng phụ không mong muốn.