Bướu cổ
Bướu cổ là gì?
Bướu cổ là tình trạng toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp phát triển lớn hơn mức bình thường. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình con bướm nằm trước cổ, nó chịu trách nhiệm sản xuất hormone tuyến giáp. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bướu cổ và người già, người bị béo phì, kháng insulin sẽ có nguy cơ bị cao hơn.
Phân loại bướu cổ
Phân loại bướu cổ theo mức độ phát triển:
- Bướu cổ lan tỏa: Toàn bộ tuyến giáp phình to lên và trơn nhẵn khi sờ.
- Bướu cổ dạng nốt: Một khối u rắn hoặc chứa đầy chất lỏng phát triển bên trong tuyến giáp, sờ thấy sần sùi.
- Bướu cổ đa nhân: Nhiều khối u xuất hiện trong tuyến giáp, có thể quan sát được bằng mắt hoặc phải thông qua chụp cắt lớp.
Phân loại bướu cổ theo nồng độ hormone tuyến giáp:
- Bướu cổ độc: Xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone.
- Bướu cổ không độc: Xảy ra khi nồng độ hormone tuyến giáp bình thường.
Nguyên nhân gây bướu cổ
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến bệnh bướu cổ, bao gồm:
Thiếu i-ốt
I-ốt là một khoáng chất thiết yếu để tuyến giáp sản xuất hormone. Khi cơ thể không nhận đủ i-ốt, tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp, dẫn đến phình to. Điều này có thể xảy ra khi chế độ ăn uống của chúng ta thiếu i-ốt hoặc khi sống ở những vùng đất thiếu i-ốt.
Viêm tuyến giáp
Các rối loạn viêm của tuyến giáp như viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto, viêm tuyến giáp sau sinh, viêm tuyến giáp lympho bào thầm lặng, viêm tuyến giáp bán cấp và viêm tuyến giáp sinh mủ đều có thể gây ra tình trạng phì đại tuyến giáp. Ngoài ra, các bệnh lý gây cường giáp như bệnh Basedow (bệnh Graves) cũng có thể gây bướu cổ.
Di truyền
Một số người có xu hướng dễ mắc bệnh bướu cổ hơn do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh này, bạn cũng có nguy cơ cao hơn để bị bệnh. Các đột biến trong gen Sodium iodide symporter, Thyroid peroxidase, Dual oxidase 2, Pendrin và TSH receptor đã được xác định là nguyên nhân gây ra sự phát triển của bướu cổ.
Mang thai
Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu hormone tuyến giáp của cơ thể tăng cao, có thể khiến tuyến giáp phình to tạm thời. Điều này xảy ra vì cơ thể cần sản xuất nhiều hormone hơn để duy trì sự phát triển của thai nhi và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể của mẹ. Tuy nhiên, sau khi sinh, tuyến giáp sẽ trở lại hoạt động bình thường và khối u sẽ giảm dần theo thời gian.
Thuốc
Một số loại thuốc như Lithium (điều trị rối loạn lưỡng cực) và Amiodarone (điều trị rối loạn nhịp tim) có thể gây tác dụng phụ là bướu cổ. Các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp và gây ra sự tích tụ các hormone trong cơ thể, dẫn đến tình trạng phình to.
Thức ăn
Trong các loại rau củ họ cải chứa một số chất có khả năng ngăn cản iod gắn với tyrosine hoặc trong vỏ sắn (khoai mì) chứa độc tố gây bướu cổ.
Tiếp xúc với bức xạ
Điều trị bằng bức xạ vùng cổ hoặc ngực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
Triệu chứng của bệnh bướu cổ
Các triệu chứng của bệnh bướu cổ có thể khác nhau tùy thuộc chức năng tuyến giáp có bị thay đổi không, bướu cổ có cản trở hô hấp hay không. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Khối u ở cổ: Đây là triệu chứng chính của bệnh bướu cổ. Khối u sẽ xuất hiện ở vùng cổ và có thể có kích thước từ nhỏ đến lớn
- Cổ to: Vì khối u ở cổ, nên cổ sẽ trở nên to hơn so với bình thường. Điều này có thể gây ra sự khó chịu và tự ti cho người bệnh.
- Tĩnh mạch cổ sưng lên: Khối u gây áp tĩnh lên tĩnh mạch.
- Khó nuốt: Nếu khối u lớn và nằm gần các cơ quan trong vùng cổ, nó có thể gây ra cảm giác khó chịu khi nuốt thức ăn hoặc nước uống.
- Khó thở: Trong trường hợp nặng, bướu cổ có thể chèn ép vào các cấu trúc lân cận như dây thần kinh hoặc khí quản, gây ra khó thở và nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
- Ho: Khối u ở cổ có thể gây ra sự kích thích và kích ứng đường hô hấp, dẫn đến tình trạng ho liên tục.
- Khàn tiếng: Nếu khối u ở cổ ảnh hưởng đến dây thanh quản, nó có thể gây ra các vấn đề về giọng nói và khiến giọng nói của người bệnh trở nên khàn và yếu.
Trong trường hợp bướu cổ độc kèm cường giáp, người bệnh có thể bị đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, run rẩy, cảm giác quá nóng, yếu cơ, giảm cân, buồn nôn, lo lắng. Mặt khác, trong trường hợp suy giáp người bệnh sẽ cảm thấy lạnh, nhịp tim chậm, táo bón, tăng cân, trầm cảm, mệt mỏi, ngứa ran hoặc tê tay chân.
Chẩn đoán bệnh bướu cổ
Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bướu cổ bằng cách kiểm tra cổ, tùy theo độ lớn mà phân loại theo các cấp độ khác nhau.
Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh và tìm hiểu mức độ ảnh hưởng đến của bướu cổ đến sức khỏe bệnh nhân.
- Siêu âm và xạ hình: Xem kích thước, hình thể, vị trí bướu giáp.
- Xét nghiệm sinh hóa máu: Đo nồng độ hormone tuyến giáp
- Sinh thiết: Mục đích sinh thiết để loại trừ ung thư. Bác sĩ sử dụng một cây kim mỏng để lấy mẫu mô hoặc chất lỏng, sau đó mang đi xét nghiệm.
- Chụp CT hoặc MRI: Dùng trong trường hợp bướu cổ lớn hoặc đã xuống ngực.
Điều trị bướu cổ
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh bướu cổ, tùy thuộc vào kích thước và tính chất của khối u. Các phương pháp điều trị thông thường bao gồm:
Theo dõi và kiểm soát
Nếu khối u ở cổ nhỏ và không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể quyết định theo dõi kích thước và kiểm soát tình trạng của khối u.
Thuốc
Trong trường hợp nguyên nhân bướu cổ là do suy giáp, bác sĩ có thể chỉ định Levothyroxine để bổ sung thêm hormone tuyến giáp, ngăn ngừa các triệu chứng suy giáp. Ngược lại, trong trường hợp bướu cổ do cường giáp, bác sĩ có thể chỉ định Methimazole hoặc Propylthiouracil để ngăn chặn tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone. Ngoài ra, một số thuốc kháng viêm như Aspirin hoặc Corticosteroid sẽ được kê nếu bướu do viêm.
Phẫu thuật
Nếu khối u ở cổ lớn và gây ra tình trạng khó nuốt, khó thở, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u. Quá trình phẫu thuật sẽ được tiến hành dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và yêu cầu một thời gian hồi phục sau đó.
Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng và không phải là giải pháp tốt cho tất cả các trường hợp. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và quyết định liệu phẫu thuật có phù hợp với bạn hay không.
Phòng ngừa bướu cổ
Bướu cổ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được bệnh. Duy nhất trong trường hợp bướu cổ do thiếu i ốt thì có thể ngăn ngừa được nhờ vào việc bổ sung thêm i ốt qua cá, trứng, tôm, rong biển, sữa, muối, nước tương.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.