Ung thư tiền liệt tuyến
Ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Ung thư tuyến tiền liệt là căn bệnh phổ biến ở nam giới lớn tuổi, xảy ra khi các tế bào phân chia không kiểm soát hình thành khối u rắn ở tuyến tiền liệt. Ung thư tuyến tiền liệt được chia làm 4 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn I: Giai đoạn tế bào ung thư khu trú, chưa gây ảnh hưởng gì đến tuyến tiền liệt nên rất khó phát hiện bệnh.
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư phát triển hơn giai đoạn I nhưng chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Khối u làm cho tuyến tiền liệt phình to hơn.
- Giai đoạn III: Ung thư lan đến túi tinh hoặc các mô, cơ quan lân cận (trực tràng, bàng quang, thành chậu)
- Giai đoạn IV: Tế bào ung thư di căn đến hạch bạch huyết và máu đến các cơ quan ở vị trí xa hơn như gan, phổi, xương.
Nguyên nhân ung thư tiền liệt tuyến
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt, tuy nhiên bệnh có liên quan mật thiết đến các yếu tố sau đây:
- Tuổi tác: Nam giới sau tuổi trung niên thường có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến và tỷ lệ mắc sẽ tăng dần theo độ tuổi.
- Di truyền: Khoảng 10% bệnh ung thư tuyến tiền liệt đến từ di truyền, do đó những người có tiền sử gia đình mắc ung thư tiền liệt tuyến có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Chủng tộc: Nam giới da màu có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn nam giới da trắng.
- Tiếp xúc với hóa chất: Tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu có thể làm tổn thương DNA.
- Yếu tố khác: Béo phì, hút thuốc, thắt ống dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt, bệnh lây qua đường tình dục (STI),...
Dấu hiệu, triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến
Ở giai đoạn đầu, ung thư tiền liệt tuyến thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi khối u phát triển lớn hơn, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu dưới:
- Tiểu khó, tiểu rắt, tiểu buốt
- Bàng quang không được làm trống hoàn toàn, dẫn đến tiểu nhiều.
- Tiểu đêm
- Tiểu ra máu
- Xuất tinh ra máu
- Rối loạn cương dương
- Giảm ham muốn.
Trong các trường hợp tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác còn có thể làm tắc nghẽn thận, suy thận, đau lưng, đau xương chậu, thiếu máu, khó thở, mệt mỏi, nhịp tim nhanh,... Ung thư tuyền tiền liệt phát hiện ở giai đoạn muộn thường khó điều trị và có thể dẫn đến tử vong.
Chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến
- Thăm khám thực thể: Hỏi về các dấu hiệu, triệu chứng mà người bệnh gặp phải, tiền sử bệnh.
- Khám trực tràng: Bác sĩ hoặc y tá đưa một ngón tay đeo găng, bôi trơn vào trực tràng và sờ tuyến tiền liệt qua thành trực tràng để tìm khối u hoặc vùng bất thường.
- Xét nghiệm PSA (Prostate-Specific Antigen): PSA là một chất được sản xuất bởi tế bào tiền liệt tuyến. Nồng độ PSA trong máu tăng lên có thể báo hiệu những tình trạng viêm, phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
- Chụp PSMA PET-CT: Chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến đã lan ra xương, hạch bạch huyết và các cơ quan khác hay chưa.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tiền liệt tuyến: Một đầu dò siêu âm được đưa vào trực tràng để kiểm tra tiền liệt tuyến.
- Sinh thiết tuyến tiền liệt: Bác sĩ sẽ lấy đưa một cây kim mỏng qua trực tràng và vào tuyến tiền liệt để lấy ra một mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư hay không.
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến có sức khỏe tốt và ở giai đoạn sớm chưa lan ra các bộ phận khác. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến tiền liệt, tùy thuộc vào mức độ lan rộng của khối u.
Một số phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt:
- Phẫu thuật mở mổ: Bác sĩ sẽ thực hiện cắt bỏ tuyến tiền liệt và các mô lân cận thông qua một vết rạch da dài ở bụng.
- Cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng phương pháp nội soi: Phương pháp này mất máu ít hơn, thời gian hồi phục ngắn hơn so với phẫu thuật mở mổ.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các loại bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Phương pháp này có thể gây ra chứng bất lực và các vấn đề về tiết niệu.
Hóa trị
Hóa trị giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách tiêu diệt tế bào hoặc ngăn chặn chúng phân chia.
Liệu pháp hormone
Trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt, hormone sinh dục nam có thể khiến ung thư tuyến tiền liệt phát triển. Liệu pháp hormone sẽ làm giảm nồng độ testosterone trong cơ thể, từ đó hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Một số liệu pháp hormone phổ biến:
- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn: Tinh hoàn là nguồn cung cấp nội tiết tố nam, do đó cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tinh hoàn sẽ làm giảm lượng hormone được tạo ra.
- Thuốc kháng androgen (flutamide, bicalutamide,...): Giúp ngăn chặn sản xuất Testosterone.
- Đồng vận và đối vận LH (LHRH)
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị ung thư bằng cách kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác để tăng hiệu quả điều trị.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Liệu pháp này sử dụng thuốc có khả năng xác định và tấn công các tế bào ung thư, ít gây hại cho các tế bào bình thường hơn so với hóa trị hoặc xạ trị.
Các phương pháp điều trị khác
Ngoài các phương pháp điều trị nêu trên, còn có một số phương pháp điều trị khác có thể được sử dụng để kiểm soát triệu chứng hoặc cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến, chẳng hạn như điều trị giảm đau, liệu pháp Bisphosphonate (ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của di căn xương)
Phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư tiền liệt tuyến, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát để giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến, giảm lượng chất béo trong chế độ ăn uống.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư tiền liệt tuyến.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Không hút thuốc lá
- Nên đi khám tầm soát ung thư tiền liệt tuyến định kỳ.
Các câu hỏi liên quan
Câu 1: Ung thư tuyến tiền liệt di căn xương sống được bao lâu?
"Ung thư tuyến tiền liệt di căn xương sống được bao lâu" sẽ phụ thuộc vào mức độ di căn và quá trình điều trị. Một nghiên cứu trên 191 bệnh nhân mắc ung thư tiền liệt di căn xương ở mức độ thấp, trung bình và nặng có thời gian sống tổng thể trung bình lần lượt là 18,3, 15,8 và 8,1 tháng.
Câu 2: Ung thư tuyến tiền liệt sống được bao lâu?
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ:
- Tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối là gần 100%
- Tỷ lệ sống tương đối 10 năm là 98%
- Tỷ lệ sống tương đối 15 năm là 91%
Tỷ lệ sống sót tương đối có nghĩa là tỷ lệ phần trăm bệnh nhân sống được [x] năm sau chẩn đoán ban đầu.
Câu 3: Chi phí điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Chi phí điều trị ung thư tuyến tiền liệt sẽ tùy thuộc theo mức độ bệnh và phương pháp điều trị bệnh. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp giảm bớt chi phí điều trị.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.