Phì đại tiền liệt tuyến
Phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Phì đại tiền liệt tuyến có nhiều tên gọi khác nhau như phì đại tuyến tiền liệt lành tính, u xơ tiền liệt tuyến, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH). Đây là tình trạng tuyến tiền liệt tăng kích thước và gây ra các vấn đề về tiểu tiện. Lành tính có nghĩa không phải ung thư.
Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt
Nguyên nhân chính xác của phì đại tuyến tiền liệt vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, người ta cho rằng nó có liên quan đến sự mất cân bằng hormone xảy ra theo tuổi tác. Cụ thể, nồng độ testosterone giảm và nồng độ dihydrotestosterone (DHT) tăng. DHT là một hormone kích thích sự phát triển của tuyến tiền liệt tuyến.
Một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt, bao gồm:
- Tuổi tác: Phì đại tuyến tiền liệt là một phần bình thường của quá trình lão hóa ở nam giới. Do đó, nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi tác.
- Tiền sử gia đình: Nếu cha hoặc anh em trai bị phì đại tuyến tiền liệt thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Béo phì: Béo phì làm tăng mức DHT, điều này có thể góp phần gây ra phì đại tuyến tiền liệt.
- Đái tháo đường: Bệnh tiểu đường làm tổn thương các dây thần kinh và các mạch máu cung cấp máu cho tuyến tiền liệt tuyến, dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt.
- Bệnh tim: Bệnh tim và các vấn đề về tuần hoàn cũng làm tăng nguy cơ mắc phì đại tuyến tiền liệt.
Triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến
Không phải tất cả nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến đều có triệu chứng. Khi tuyến tiền liệt phát triển lớn hơn gây chèn ép niệu đạo, bàng quang, ảnh hưởng đến dòng nước tiểu. Cụ thể:
- Tiểu khó hoặc chậm bắt đầu tiểu.
- Tia nước tiểu yếu hoặc gián đoạn.
- Phải rặn mạnh khi tiểu.
- Thường xuyên đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm.
- Cảm giác không tiểu hết nước tiểu.
- Một sự thôi thúc mạnh mẽ hoặc đột ngột đi tiểu.
- Đi tiểu ngay sau khi vừa đi tiểu xong.
Biến chứng của phì đại tiền liệt tuyến
Ở mức độ nghiêm trọng, phì đại tiền liệt tuyến có thể dẫn đến:
- Bí tiểu cấp tính
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
- Tổn thương bàng quang, sỏi bàng quang
- Tổn thương thận, suy thận.
Chính vì vậy, để tránh vấn đề sức khỏe nguy hiểm hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, đau buốt khi đi tiểu, tiểu ra máu hoặc bí tiểu.
Chẩn đoán phì đại tiền liệt tuyến
Để xác định bệnh nhân có bị phì đại tiền liệt tuyến hay không, bác sĩ sẽ:
Thăm khám lâm sàng
- Hỏi về tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, tiền sử sử dụng thuốc
- Hỏi về triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải
- Khám trực tràng (DRE) để kiểm tra xem tuyến tiền liệt có to, mềm hay không đều.
Xét nghiệm y tế
- Xét nghiệm máu kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA)
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm tuyến tiền liệt
- Nội soi bàng quang
- Sinh thiết tuyến tiền liệt trong trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt
Phương pháp điều trị sẽ dựa trên tuổi tác, kích thước tuyến tiền liệt và mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng đến sức khỏe bệnh nhân.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống là phương pháp điều trị tại nhà dành cho những nam giới có triệu chứng BPH nhẹ không thấy khó chịu.
- Đi tiểu khi có cảm giác thôi thúc. Ngoài ra, hãy đi vệ sinh theo lịch trình định sẵn, ngay cả khi không cảm thấy cần đi tiểu.
- Tránh uống rượu và caffeine, đặc biệt là sau bữa tối.
- Không uống quá nhiều nước cùng một lúc. Uống ít hơn trước khi đi ngủ.
- Giữ ấm và tập thể dục thường xuyên.
- Giảm căng thẳng, lo lắng, bởi cả hai đều có thể dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn.
>> Có thể bạn quan tâm: Review 10 viên uống tiền liệt tuyến, 6 "siêu thực phẩm" cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh
Thuốc điều trị
Thuốc điều trị giúp giảm kích thước tuyến tiền liệt, làm tăng tốc độ dòng chảy nước tiểu và các triệu chứng liên quan ở mức độ nhẹ đến trung bình.
- Thuốc chẹn thụ thể alpha: Làm cho cơ trơn của tuyến tiền liệt tuyến và cổ bàng quang giãn ra giúp nước tiểu dễ chảy ra ngoài hơn.
- Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Làm giảm sản xuất DHT, giúp tuyến tiền liệt tuyến nhỏ lại.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt được sử dụng khi bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không thể kiểm soát bằng việc dùng thuốc.
- Cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP): Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất. Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây tê tủy sống, sau đó đưa một dụng cụ qua niệu đạo và cắt bỏ mô tuyến tiền liệt thừa.
- Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TUIP): Tương tự như TURP, bác sĩ sẽ tạo một hoặc hai vết cắt nhỏ trên tuyến tiền liệt để khơi thông dòng nước tiểu.
- Tiêu hủy u xơ bằng kim qua đường niệu đạo (TUNA): Sử dụng sóng vô tuyến để đốt cháy các mô tuyến tiền liệt dư thừa.
- Phẫu thuật bằng laser: Năng lượng laser sẽ giúp phá hủy mô tuyến tiền liệt và cải thiện lưu lượng nước tiểu. Ưu điểm của laser so với TURP là mất ít máu, thời gian phục hồi có thể ngắn hơn.
- Phương pháp phát nhiệt vi sóng qua niệu đạo (TUMT): Dùng nhiệt vi sóng để phá vỡ cấu trúc tế bào ở vùng mô tuyến tiền liệt dư thừa. Đây là phương pháp ít xâm lấn phù hợp cho bệnh nhân mong muốn cải thiện các triệu chứng tiết niệu mà không làm giảm chức năng cương dương.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
>> Có thể bạn quan tâm: 6 "siêu thực phẩm" cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh